(Tổ Quốc) - Nga đã âm thầm mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự ở Bắc Cực.
Trong khi thế giới tập trung vào các cuộc chiến thương mại và sự chuyển dịch cạnh tranh địa chính trị, Nga đã âm thầm mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự của riêng mình tại một nơi ít người theo dõi: Bắc Cực.
Lãnh địa gắn kết chặt chẽ với Nga
Bờ biển của Nga chiếm 53% bờ biển Bắc Cực và dân số của quốc gia này tại Bắc Cực có khoảng 2 triệu người - khoảng một nửa số người sống ở Bắc Cực của toàn thế giới, theo Viện Bắc Cực.
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Nga muốn mở rộng ảnh hưởng ở một khu vực mà họ cảm thấy gần gũi như ở nhà, và là nơi mang đến nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng, thương mại, đến quốc phòng.
"Nga, nhờ địa lý của họ, là quốc gia lớn nhất Bắc Cực. Thực tế là có 2 triệu người Nga sống ở đó cũng có nghĩa là Bắc Cực là Nga theo nhiều cách", Andreas Østhagen, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Fridtjof Nansen ở Na Uy và cũng tại Viện Bắc Cực, nói với CNBC.
Người ta ước tính rằng có thể có hàng nghìn tỷ USD (tương đương 35 nghìn tỷ USD) trữ lượng khí đốt và dầu mỏ chưa khai thác, cũng như tài nguyên khoáng sản, mà Nga và các nước láng giềng Bắc Cực rất muốn khai thác.
Østhagen nói rằng Nga đã tiếp cận Bắc Cực vì mục đích kinh tế trong một khoảng thời gian. Họ đã đầu tư vào các dự án lớn, như dự án Yamal LNG, "một trong những dự án LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) lớn nhất và phức tạp nhất thế giới", theo Total, công ty có 20% cổ phần trong dự án này tại Bán đảo Yamal phía trên Vòng Bắc Cực. Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga, có 50% cổ phần trong liên doanh này.
Trong một nỗ lực khuyến khích các công ty năng lượng tăng cường các hoạt động thăm dò và khai thác ở Bắc Cực, Điện Kremlin đã tuyên bố vào tháng 10 về việc cắt giảm thuế.
Nhưng Bắc Cực có ý nghĩa quan trọng đối với Nga hơn là tài nguyên. Khu vực này cũng có giá trị kinh tế, phòng thủ và vận tải quan trọng. Nơi này cũng có giá trị biểu tượng và dân tộc, Østhagen nói.
Sự hiện diện tốn kém
Mục tiêu tăng cường vị thế của Nga trên toàn thế giới đã vấp phải sự khó khăn về kinh tế trong năm năm qua, Điều này được phản ánh trong kế hoạch chi tiêu của Nga cho khu vực Bắc Cực, nơi họ đã lên kế hoạch cho các siêu dự án như một phần của "Chương trình Bắc cực" về đầu tư và phát triển.
Năm 2017, hãng tin RBC đưa tin rằng tài trợ cho chương trình đã bị cắt giảm nghiêm trọng: Bộ Phát triển Kinh tế muốn 209 tỷ rúp cho Chương trình Bắc Cực mới, dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2020, nhưng dường như chỉ được đề xuất phân bổ 12 tỷ rúp. "Phát triển Bắc Cực thực sự tốn kém đối với Nga, nhưng chính phủ thấy cần thiết và hợp pháp, để thể hiện "vị thế quyền lực lớn "tại biên giới mới này, cũng như dự đoán tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các khu vực ven biển ở Vùng Bắc Cực Liên bang Nga", Mathieu Boulegue, một nhà nghiên cứu của Chương trình Nga và Âu Á tại Chatham House, nói với CNBC. "Tuy nhiên, đầu tư dân sự đã bị cắt giảm rất nhiều kể từ năm 2017, với rất ít triển vọng tăng trở lại trong thời điểm hiện tại," ông lưu ý.
Năm 2017, chi tiêu quân sự của Nga đã giảm 1/5 - đánh dấu lần giảm đầu tiên sau gần hai thập kỷ và dữ liệu từ năm 2019 cho thấy Nga không còn nằm trong năm nước chi tiêu quân sự hàng đầu toàn cầu, giống như Mỹ và Trung Quốc đã tăng chi tiêu.
Martina Bozadzhieva, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại công ty tư vấn DuckerFrontier, nói với CNBC rằng chi tiêu quốc phòng đang tiếp tục giảm ở Nga và tiền được chuyển hướng sang các vấn đề nội bộ cấp bách khác.
Tại Bắc Cực, một trong những dự án kết hợp tầm quan trọng về kinh tế và tính biểu tượng đối với Nga là Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Tuyến đường vận chuyển này không thể tiếp cận ở Bắc Cực nhưng khi các tảng băng tan chảy, Nga coi đây là một tuyến đường cao tốc trong tương lai để vận chuyển hàng hóa và tài nguyên giữa châu Á và châu Âu. Họ hy vọng tuyến đường này có thể cạnh tranh với tuyến đường biển châu Âu - châu Á truyền thống, thông qua kênh đào Suez, vì nó rút ngắn thời gian vận chuyển khoảng 15 ngày.
Andreas Østhagen của Viện Bắc Cực lưu ý rằng NSR đáp ứng cả nhu cầu kinh tế và biểu tượng để Nga khẳng định chính mình ở Bắc Cực (NSR chạy dọc theo toàn bộ vùng lãnh hải khu vực, từ Eo biển Bering, giữa Siberia và Alaska, đến Biển Barents, gần Na Uy). Nhưng có lẽ còn quá sớm để Nga gặt hái những lợi ích kinh tế, do môi trường lạnh giá trong suốt cả năm và nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng hàng hải.
Østhagen cho rằng sẽ khá tốn kém cho các công ty hoạt động ở đó, đặc biệt với nhu cầu sử dụng máy phá băng phần lớn thời gian trong năm.
"Chúng ta có thể thấy lưu lượng tiếp cận tăng lên ở đó, như các dịch vụ cho siêu dự án Yamal LNG, hoặc sự đi lại của các tàu du lịch. Nhưng nơi đó sẽ không sinh lời, nó sẽ không đạt được khối lượng chuyển hàng như Kênh đào Suez hoặc Panama", Østhagen nói.
Sự hiện diện quân sự của Nga
Bên cạnh sự phát triển thương mại ở Bắc Cực của Nga, một vấn đề cấp bách khác trong khu vực đang là mối quan ngại đối với liên minh quân sự phương Tây NATO. Moscow dường như cho rằng khu vực này đang trở thành một không gian ngày càng quân sự hóa, mở ra một mặt trận mới theo nghĩa đen trong quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Trong những năm gần đây, Nga đã phát huy khả năng quân sự ở Bắc Cực, mở lại các căn cứ quân sự cũ đã bị bỏ hoang sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, và củng cố Hạm đội phương Bắc uy tín của Hải quân Nga để giám sát các hoạt động và phòng thủ trong khu vực.
Bộ chỉ huy chiến lược chung của Hạm đội phương Bắc được thành lập năm 2014 với tư cách là quân khu thứ năm của Nga, phản ánh sự thúc đẩy của Kremlin nhằm tăng cường phòng thủ trong khu vực. Ông Putin tuyên bố cùng năm đó rằng Nga sẽ xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng phòng thủ Bắc Cực thống nhất và cải thiện các tàu chiến và tàu ngầm của hạm đội.
Hạm đội phương Bắc và các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Cực là một phần quan trọng trong cuộc tập trận quân sự hàng năm khổng lồ của Nga, năm nay được gọi là Tsentr 2019.
"Nga đã liên tục đưa Bắc Cực vào tư duy quân sự trong chưa đầy một thập kỷ và do đó đào tạo, mua sắm và học cách sinh tồn, di chuyển và chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt này. Hơn nữa, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để triển khai các hệ thống chống tiếp cận biển và phòng phủ trên không ở Bắc Cực", chuyên gia Boulegue của Chatham House nói với CNBC.
NATO ngày càng quan tâm đến điều họ coi là sự quân sự hóa Bắc Cực của Nga và đã thấy rằng phải tăng sự hiện diện.
Tuy nhiên, Boulegue và Østhagen tin rằng Nga đang tìm cách tránh xung đột ở Bắc Cực.
Østhagen nói rằng sự gia tăng quân sự ở Bắc Cực một mặt có thể được coi là vì mục đích phòng thủ, ổn định trong nước hoặc tiềm tàng nguy cơ hành động, nhưng, "Nga sẽ không có bất kỳ lợi ích gì trong việc đòi hỏi bất kỳ vùng lãnh thổ nào. Điều bạn nhìn thấy vượt lên tình hình này là sự tập trung vào Bắc Cực một cách chiến lược, cũng giống như Trung Quốc và Hoa Kỳ - hiện đang đẩy khu vực này vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị và địa chiến lược giữa các chủ thể"./.