(Tổ Quốc) - Trong ngày thứ 2 xét xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, các bị cáo khai được nhiều người nhờ giúp đỡ "xem trước kết quả điểm thi" và sau đó có nhận cả tỷ đồng gọi là “tiền cảm ơn”.
- 16.10.2019 Người nhận hơn 1 tỷ đồng nâng điểm cho thí sinh Sơn La: Cấp trên nhờ thì không thể không làm
- 15.10.2019 Xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La: Tái hiện quá trình các bị cáo câu kết, rút bài thi để sửa điểm
- 15.10.2019 Sơn La mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018: Lại vắng một nhân chứng quan trọng
- 16.09.2019 Hoãn xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La
- 16.09.2019 Sáng nay bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử ở Sơn La
Ngày 16/10, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 8 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 ở tỉnh Sơn La về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
8 bị cáo gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GDĐT Sơn La), Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT Sơn La), Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Sơn La), Đỗ Khắc Hưng (nguyên Trung tá Công an tỉnh Sơn La), và Đinh Hải Sơn (nguyên Thiếu tá, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Tại tòa, bị cáo Trần Xuân Yến, mắt xích quan trọng trong vụ án, đã phản đối cáo trạng, cho rằng quy kết mình chuyển thông tin 13 thí sinh để cấp dưới nâng điểm là sai và khẳng định chỉ chuyển danh sách để nhờ xem điểm trước.
Bị cáo một mực khẳng định chỉ đưa danh sách 13 thí sinh cho bà Nga để nhờ xem điểm. Danh sách trên bị cáo nhận từ các ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GDĐT), Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng Phòng Giáo dục THPT), Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra Sở GDĐT) và Nguyễn Văn Hải (phụ huynh thí sinh).
Chủ tọa truy vấn bị cáo nhờ xem điểm là xem như thế nào? Bị cáo Yến giải thích nghĩa là xem trước kết quả thi mà lẽ ra phải đến ngày 11/7 Bộ GDĐT mới công bố, "Bị cáo nói do nể nang thủ trưởng và đồng nghiệp nên chuyển thông tin các thí sinh cho bà Nga để xem điểm trước. Mong muốn của các gia đình chỉ là biết sớm điểm cho các cháu".
Vậy nhưng, trên thực tế, những thí sinh bị cáo Yến "nhờ xem điểm" đều được các bị cáo trong vụ án "tiện tay" sữa chữa, nâng điểm bài thi.
Hình ảnh tại phiên tòa (ảnh: VTC)
Theo lời khai của các nhân chứng Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Sơn La khai, qua công việc, ông có quen biết bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga nên đã nhờ giúp xem điểm trước 4 thí sinh là con của bạn thân và con của người nhà đồng nghiệp. Nhân chứng này khai nhờ xem điểm cho đỡ nóng ruột và điều chỉnh nguyện vọng cho các cháu phù hợp nhưng bị cáo Nga nhận lời rồi không thông báo lại điểm số. Tuy nhiên, bị cáo Nga đáp lại lời khai của ông Điện: “Xem điểm và giúp đỡ các cháu đạt điểm mong muốn. Anh Điện cám ơn tôi 1,04 triệu đồng, hiện đã nộp cho cơ quan điều tra”.
Nhân chứng Lê Minh Loan, nguyên sĩ quan công an khai đã chuyển thông tin 2 thí sinh là công an nghĩa vụ tại đơn vị cảnh sát cơ động có tham gia kỳ thi cho ông Nguyễn Minh Khoa (Phó phòng PA03). Ông Loan khẳng định chỉ nhờ ông Khoa xem điểm giúp. Nhưng trong cáo trạng thể hiện ông Khoa đã chuyển thông tin 2 thí sinh kèm 1 tỷ đồng cho bị cáo Lò Văn Huynh để nâng điểm và hiện ông Huynh đã giao nộp số tiền này. Ngoài ra, các cựu sĩ quan Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng cũng khai được ông Khoa chuyển thông tin 2 thí sinh để nhờ nâng điểm.
Nhân chứng Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai nói, có nhờ bị cáo Cầm Thị Bun Sọn xem điểm trước, không nhờ nâng điểm. Sau đó, bị cáo Sọn thông báo điểm của con bà nhưng lúc đó đã có điểm công bố trên mạng. Còn bị cáo Sọn khai “Tự bà Thành đưa tôi 400 triệu đồng nói nhờ người ta sẽ phải mời uống nước. Khi có điểm, bà đưa tôi thêm 40 triệu đựng trong phong bì của Hội Nông dân”.
Nhân chứng Lò Thị Trường (trú tại TP Sơn La) cho biết, bị cáo Lò Văn Huynh là chú ruột của mình, và có nhờ Huynh "xem điểm" cho con trai là Lò Mạnh Hùng thi vào Học viện An ninh. Khi bà Trường đặt vấn đề với Huynh thì bị cáo này nói "để xem có giúp được không", rồi bà Trường đưa số báo danh của con mình cho Huynh. Bà Trường sau đó cũng thanh minh, sau khi đưa tiền được 2 ngày thì ông Huynh trả lại và cho rằng chỉ nhờ bị cáo Huynh xem điểm trước chứ không nhờ nâng điểm. Đối chất lại lời khai của nhân chứng, bị cáo Huynh thừa nhận lời khai là đúng và cho hay, sau kỳ thi, bà Trường có đến cảm ơn 300 triệu đồng nhưng sau đó bị cáo Huynh trả lại số tiền này.
Tại phiên tòa, cả 8 bị cáo được xác định đã nhận thông tin của 44 thí sinh từ những người trung gian rồi cấu kết sửa bài thi theo hướng nâng điểm và xóa dữ liệu sai phạm. Những người làm trung gian phần lớn là cán bộ, lãnh đạo ngành giáo dục, công an hoặc doanh nghiệp tại Sơn La.