(Tổ Quốc) - Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh cho biết bất chấp những bất ổn toàn cầu, triển vọng của ngành hàng không châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2023 vẫn tích cực, theo CNA.
Ông Willie Walsh đưa ra đánh giá ngày 6/12 rằng, châu Á Thái Bình Dương là một trong những thị trường hàng không nhộn nhịp nhất thế giới nhưng sự phục hồi của khu vực này vẫn đang phần nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dù hiện tại đã có một số dấu hiệu tích cực từ Trung Quốc.
"Còn một chặng đường dài phía trước nếu chúng ta xem xét dữ liệu mà chúng ta có tại IATA," Giám đốc của tổ chức này Willie Walsh thông tin với CNA tại sự kiện Global Media Days.
Ông lưu ý rằng hoạt động du lịch quốc tế tại châu Á vào tháng 10 chỉ bằng 34% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lưu lượng khách giữa châu Âu và châu Á cũng chỉ vào khoảng 40%.
Trong khi IATA, cơ quan thương mại hàng không lớn nhất thế giới, đang ghi nhận "những tín hiệu gia tăng ban đầu" trong ngành này và việc đi lại ngày nay dễ dàng hơn so với những ngày đầu của đại dịch, thì tình hình hoạt động đi lại hàng không châu Á vẫn chịu một số hạn chế.
"Cho đến khi những hạn chế đó được gỡ bỏ, chúng tôi thấy khó có thể trở lại mức của năm 2019," ông nói thêm.
Trong số các quốc gia vẫn còn hạn chế đi lại có Trung Quốc, một thị trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch không chỉ trong khu vực mà còn nhiều nơi khác.
Tháng trước, Trung Quốc đã nới lỏng các quy định xung quanh việc đi lại, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly đối với khách du lịch trong nước và yêu cầu xét nghiệm âm tính một lần trong vòng 48 giờ trước khi lên máy bay thay vì hai lần.
Trong tuần này, Trung Quốc cũng đã tuyên bố nới lỏng hơn nữa các hạn chế, giảm quy mô các yêu cầu xét nghiệm PCR bắt buộc và cho phép một số trường hợp dương tính được cách ly tại nhà.
Nhiều tín hiệu tích cực từ Trung Quốc
Trong khi Trung Quốc đã đưa ra nhiều động thái tích cực mới, IATA vẫn cho rằng cần có thêm thời gian để ngành du lịch hàng không châu Á có thể phục hồi về mức trước đại dịch. Ông Walsh cho biết: "Chúng tôi dự kiến rằng trong nửa cuối năm tới, chúng ta sẽ thấy lưu lượng khách bắt đầu quay trở lại mức bình thường nhanh hơn".
Từ phía Singapore, ông Walsh lưu ý rằng Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với nước này. Trước đại dịch, hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines đã có một số đường bay đến các khu vực khác nhau của Trung Quốc.
Ông Walsh nói: "Có sự quan tâm lớn khi thấy Trung Quốc mở cửa trở lại từ quan điểm của Singapore. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có lượng khách từ Trung Quốc, Singapore "rõ ràng đã hưởng lợi" nhiều nhất trong khu vực từ sự phục hồi của ngành hàng không toàn cầu".
Ngành hàng không quốc tế cũng đang rất kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc. Ông Walsh lưu ý rằng thị trường nội địa Trung Quốc chiếm gần 10% tổng lượng hoạt động du lịch thương mại vào năm 2019. Hầu hết các hãng hàng không coi Trung Quốc là thị trường chiến lược để đầu tư dài hạn, mang lại lợi nhuận trong tương lai thay vì ngay lập tức. Đây rõ ràng là một thị trường thú vị từ quan điểm tăng trưởng", ông Walsh nói thêm.
Ông đánh giá: "Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng của ngành công nghiệp toàn cầu và IATA hy vọng xu hướng đó sẽ tiếp tục phát triển".
Triển vọng tích cực năm 2023
Ông Walsh cho biết bất chấp những bất ổn toàn cầu trong môi trường kinh doanh và tiêu dùng, triển vọng của ngành hàng không vào năm 2023 vẫn rất tích cực. Mặc dù một số quốc gia có thể trải qua suy thoái vào năm tới, nhưng "chúng tôi không thấy suy thoái vào năm 2023 ở cấp độ toàn cầu", ông nói thêm.
"Không nghi ngờ gì nữa, đang có nhiều thách thức như lạm phát cao, giá dầu cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng tôi nghĩ ngành hàng không vẫn có cơ hội phục hồi trong năm 2023 và cả năm 2024," ông nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng các doanh nghiệp này vẫn còn một chặng đường dài để quay trở lại mức lưu lượng hành khách trước đại dịch.
Và trong bối cảnh ngành hàng không đang nỗ lực phát triển bền vững, bao gồm sử dụng loại nhiên liệu bền vững có thể đắt gấp bốn lần so với nhiên liệu thông thường, thì người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho vé máy bay, ông Walsh cho biết.
Ông nói thêm: Sẽ có một khoản chi phí để chuyển sang mức phát thải 0% đối với nhiều ngành, nhưng đối với ngành hàng không, chi phí đó sẽ là một "thách thức lớn" đối với các hãng hàng không với tình hình tài chính của họ vào lúc này.
"Họ (các hãng hàng không) không có cách nào có thể chịu được mức chi phí đó nên tôi dự kiến người tiêu dùng sẽ phải nhận ra rằng giá vé sẽ cần phải tăng để phản ánh mức tăng chi phí rất lớn mà các hãng hàng không phải đối mặt," ông nói.
Ông nói thêm, giá vé cao hơn cũng có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu. "Chúng tôi biết rằng nhiều người rất nhạy cảm về giá khi đi máy bay. Giá cả là một yếu tố rất quan trọng trong quyết định bay nhưng tôi nghĩ chúng ta phải trung thực với người tiêu dùng", ông nói.