(Tổ Quốc) - Sức mạnh quân sự và tiền bạc của Trung Quốc tại châu Phi có thực sự đem lại lợi ích tương xứng?
Việc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại châu Phi đã giúp Trung Quốc củng cố vững chắc hơn nữa địa vị của mình tại lục địa – vốn đã dành rất nhiều “thiện cảm” cho Bắc Kinh nhờ vào những mối quan hệ kinh tế. Một số chuyên gia nhận định, châu Phi là cơ hội để “bảo toàn” danh hiệu “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc trong tương lai.
Trung Quốc muốn gì khi mở căn cứ quân sự tại châu Phi?
Tuần trước, căn cứ quân sự mới của Trung Quốc tại Djibouti đã chính thức đi vào hoạt động. Nằm ở một vị trí đắc địa tại Đông Phi với diện tích chỉ vỏn vẹn 23.200 km2, nhưng Djibouti từ lâu đã cho nhiều quốc gia thuê đất để xây dựng các hạ tầng cơ sở quân sự. Các binh lính của Trung Quốc sẽ đóng quân ngay cạnh căn cứ quân sự cố định duy nhất của Lầu năm góc tại châu Phi, cũng như các lực lượng đến từ Nhật Bản, Pháp và Italy.
Trung Quốc mở căn cứ quân sự tại Djibouti (ảnh: RT) |
Ngay sau khi chính thức hoạt động, Bắc Kinh đã cho biết, họ có thể triển khai quân lính đến vùng biên giới giữa Djibouti với Eritrea ở phía bắc, nơi hiện đang diễn ra các tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia. Hồi tháng Sáu, khoảng 450 lính gìn giữ hòa bình Qatar đã rút khỏi khu vực này sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng vịnh. Bắc Kinh nhấn mạnh, kế hoạch triển khai quân không có liên quan gì tới căn cứ quân sự mới của Trung Quốc, và sẽ chỉ được thực hiện dưới sự triệu tập của Liên hợp quốc, sau khi nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Trung Quốc hiện đang có mặt trong nhiều sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các quốc gia châu Phi, như Nam Sudan, Mali và Cộng hòa dân chủ Congo… Bắc Kinh cũng tự hào là thành viên Hội đồng Bảo an có đóng góp nhiều nhất vào lực lượng gìn giữ hòa bình, với hơn 2.500 người tham gia.
Theo các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, những động thái quân sự của Trung Quốc tại châu Phi chỉ đơn thuần phục vụ mục đích hậu cần và hỗ trợ cho các sứ mệnh như chống cướp biển, cung cấp viện trợ nhân đạo… Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự hiện diện của Trung Quốc có khả năng dẫn đến các căng thẳng, xuất phát từ việc gia tăng quân sự hóa châu Phi.
“Người Mỹ có những căn cứ quân sự, chưa kể đến người châu Âu. Vì vậy, châu Phi đang trở thành một sân khấu cho cuộc đối đầu vũ lực tiếp theo giữa các siêu cường trên thế giới trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát của mình,” nhà báo kiêm nhà làm phim tài liệu gốc Phi Ayo Johnson chia sẻ với kênh truyền hình RT của Nga.
Nhà báo Finian Cunningham tỏ ra đồng tình và nhận định, căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti có thể khiến “Mỹ lo ngại rằng Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu”; tuy nhiên, ông Cunningham tin tưởng, mọi việc sẽ chỉ dừng lại ở đây: “Trung Quốc có những mối lo chính đáng khi bảo vệ các tuyến đường thủy đi qua một trong các điểm tắc nghẽn trên Biển Đỏ. Động thái này gần như chắc chắn sẽ không làm dấy lên những đụng độ quân sự Mỹ - Trung trong tương lai gần. Nhưng việc mở ra căn cứ quân sự tại châu Phi sẽ tạo ra các nỗi sợ hãi chiến lược cho Mỹ rằng, sức mạnh toàn cầu của họ đang bị phá vỡ.”
Đo đếm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi
Con đường thương mại qua Vịnh Aden chắc chắn không phải là điều duy nhất người Trung Quốc muốn bảo vệ ở châu Phi. Trong vòng một thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể thương mại với lục địa đen, từ chưa đầy 5 tỷ USD vào năm 2000 lên mức đỉnh điểm hơn 103 tỷ USD vào giữa năm 2015, trước khi sụt giảm nhẹ vào thời gian gần đây.
Bắc Kinh tỏ ra mạnh tay khi chi những khoản tiền lớn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi. Ngay cả trụ sở chính trị giá 200 triệu USD, của Liên minh châu Phi khánh thành vào năm 2012 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, cũng là một món quà từ Trung Quốc. Các dự án đáng chú ý khác bao gồm đập thủy điện Merowe tại Sudan, tuyến xe lửa Addis Ababa – Djibouti, đường cao tốc đông – tây của Algeria…
Theo một báo cáo của McKinsey & Company, mảng đầu tư tư nhân từ Trung Quốc cũng giữ một vai trò quan trọng trong các nền kinh tế châu Phi. Ước tính, hơn 10.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại lục địa đen – gấp 3,7 lần con số nêu ra bởi Bộ Thương mại nước này. 90% các doanh nghiệp trên là tư nhân, khiến một số nhận định rằng, Chính phủ Trung Quốc là nguồn đầu tư lớn nhất vào châu Phi, trở nên chưa thực sự chính xác.
Tecno, một thương hiệu viễn thông Trung Quốc thành công tại châu Phi |
Kênh RT dẫn lời một số chuyên gia phân tích, mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với châu Phi đang ngày càng rời xa khỏi hình mẫu “đầu tư cho các nguồn lực tự nhiên.” Nguyên do là lợi thế nguồn lao động rẻ, dồi dào của Trung Quốc đang ngày càng bị thu hẹp bởi nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, tại châu Phi, khoảng một nửa dân số trẻ hơn 20 tuổi và đang sống dưới mức nghèo, khiến lục địa này trở thành một điểm đến hấp dẫn các hoạt động sản xuất thuê ngoài (outsourcing manufacturing). Vấn đề cần thiết là các điều kiện an ninh, ổn định và an toàn cho các tuyến đường thương mại tại châu Phi cần phải được bảo đảm.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi không chỉ được “hỗ trợ” bởi sự hiện diện quân sự, mà còn cả sức mạnh mềm. Theo một khảo sát gần đây của Pew, danh tiếng của Trung Quốc tại khu vực châu Phi cận Sahara đang rất cao. 50% người được hỏi có những cái nhìn tích cực về Trung Quốc, trong khi chỉ 18% cảm thấy tiêu cực.
Một trong những điểm mà phương Tây không hài lòng nhất với Trung Quốc là vấn đề nhân quyền – tuy nhiên, đây lại không phải là mối quan tâm của người dân châu Phi. 53% người tham gia khảo sát tin tưởng, Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do cá nhân của công dân mình. Vì vậy, lời cảnh báo của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng, khác với Mỹ và châu Âu luôn yêu cầu cải cách để đổi lấy đầu tư và viện trợ, việc Trung Quốc “không” can thiệp vào nội bộ các quốc gia châu Phi sẽ dẫn tới “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” – rõ ràng không nhận được sự đồng tình từ người dân lục địa đen.
Mỹ đang dần rút lui?
Một vài chuyên gia nhận xét, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi ngày càng dâng cao, Mỹ dường như lại đang thoái lui. Chính quyền Trump đã nói rõ, Washinton muốn chấm dứt các chương trình châu Phi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề an ninh của nước Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ để lại những hệ quả không nhỏ tới quyền lực mềm của Mỹ tại châu Phi.
RT cho rằng, sức ảnh hưởng của châu Phi lên chính trường thế giới trong giai đoạn giữa thế kỷ 21 còn chưa chắc chắn. Tờ The Economist dự đoán, đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng và kinh tế châu Phi sẽ không đem lại lợi ích tương xứng; và trong vòng một thập kỷ tới, Bắc Kinh bắt buộc sẽ phải xóa nợ, hoặc là tiến hành đòi nợ bằng những biện pháp mạnh đối với các quốc gia châu Phi.
(Theo RT)