(Tổ Quốc) - Bất chấp lời lẽ có phần nặng nề Washington dành cho Pakistan, hợp tác quốc phòng hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố vẫn được khẳng định.
Theo trang Christian Science Monitor (CSM), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan cam kết sẽ tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Động thái này được đưa ra vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump không ngừng kêu gọi Islamabad giải quyết triệt để các nhóm khủng bố đang hoạt động tại vùng biên giới giữa nước này và Afghanistan.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Jim Mattis đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo hàng đầu Pakistan nhằm tìm kiếm những lập trường chung giữa hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis vừa có chuyến công du tới Pakistan |
Phát biểu trước cuộc họp, Thủ tướng Pakistan cho biết, Pakistan cam kết với cuộc chiến chống khủng bố và chia sẻ các mục tiêu chung với Mỹ.
“Sự cam kết đang tồn tại ở đây,” ông Abbasi nói và cho biết, hai nước cần phải “tiến về phía trước để giải quyết các vấn đề hiện tại”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia sẻ với các phóng viên rằng, ông muốn làm việc với Pakistan để giải quyết các thách thức đang tồn tại; và nước Mỹ tìm kiếm một mối quan hệ thực tế có thể giúp mở rộng hợp tác, trong khi vẫn “nhấn mạnh lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc đối phó những thiên đường trú ẩn cho chủ nghĩa khủng bố”.
“Chúng tôi đã nghe từ các nhà lãnh đạo Pakistan rằng, họ không ủng hộ cho khủng bố. Vì vậy, tôi hy vọng được nhìn thấy các hành động phản ánh chính sách của họ,” ông Mattis tuyên bố.
Ngài Bộ trưởng Mỹ đã gặp gỡ Thủ tướng Abbasi và người đứng đầu lực lượng vũ trang Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa cũng như nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ và quân đội Pakistan.
Khi được hỏi liệu Washington có gây sức ép để giới chức Pakistan có thêm hành động chống lại khủng bố, ông Mattis trả lời: “Đó không phải là cách tôi xử lý vấn đề này. Tôi tin rằng, chúng tôi cần làm việc cật lực để tìm ra điểm chung và hợp tác cùng nhau”.
Kể từ khi cuộc chiến tại Afghanistan diễn ra, một số nhóm nổi loạn tại Pakistan đã vượt biên giới nước này và tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ, Afghan và đồng minh. Sau đó, các nhóm này đã quay trở về những nơi trú ẩn tại Pakistan và được cho là có mối quan hệ lâu dài với cơ quan tình báo của Pakistan là ISI.
Trong một bài phát biểu tuần trước, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, Tướng John Nicholson tuyên bố, việc Pakistan hỗ trợ cho mạng lưới các tay súng cực đoan, vẫn chưa có gì thay đổi.
Tướng Nicholson cho biết, các nhà lãnh đạo Pakistan đã tới Kabul gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. “Họ đã vạch ra các bước cụ thể sắp tới. [Tuy nhiên], chúng ta vẫn chưa thấy các bước hoạch định đó được triển khai”. Theo ông, Washington đã chỉ rất rõ những kỳ vọng đặt ra cho Pakistan trong cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban.
“Chúng tôi hy vọng được chứng kiến những thay đổi này”, Tướng Nicholson nói. “Chúng tôi mong được làm việc cùng với Pakistan để tiêu diệt các kẻ khủng bố hiện đang hoạt động trên vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan”.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis, Văn phòng Thủ tướng Pakistan cũng đã phát đi một thông cáo báo chí trong đó khẳng định: “không quốc gia nào được hưởng lợi từ một Afghanistan hòa bình và ổn định – hơn là Pakistan”.
“Ngài Thủ tướng nhắc lại một lần nữa rằng, không có các thiên đường trú ẩn [cho khủng bố] tại Pakistan và toàn đất nước cam kết với quyết tâm xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố,” thông cáo của Islamabad cho biết.
Mỹ luôn đến Islamabad với một “danh sách những điều mong muốn”
Hồi tháng Tám, Mỹ tuyên bố giữ lại 255 triệu USD tiền tài trợ quân sự cho Pakistan, cho đến khi nước này giải quyết được các tay súng cực đoan đang đe dọa ổn định Afghanistan.
Imtiaz Gul, một chuyên gia phân tích an ninh của Pakistan nhận định, các quan chức Mỹ luôn xuất hiện tại Islamabad với “một danh sách những điều mong muốn”.
“Tôi chắc chắn, ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng có ‘danh sách những điều mong muốn của mình’, nhưng tôi không cho rằng, Pakistan sẽ chấp nhận bất kỳ chỉ đạo nào bởi vì Pakistan đã chứng minh được sự nghiêm túc của mình trong cuộc chiến chống khủng bố, và trong những tuần gần đây, Washington cũng đã đánh giá cao sự hy sinh của Pakistan trong cuộc chiến này,” ông Gul nói.
Theo chuyên gia người Pakistan cũng , mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ đã đi từ trạng thái tồi tệ sang tồi tệ hơn kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố chiến lược Afghan, trong đó hạ thấp vai trò của Pakistan, trong khi nâng cao vị thế của Ấn Độ. Điều này khiến Islamabad “thực sự quan ngại”.
Những lời lẽ cứng rắn của ông Trump về Pakistan đã khiến quốc gia Nam Á không hài lòng, đồng thời làm dấy lên các cuộc biểu tình bài Mỹ tại đây.
Trong chuyến công du tới Washington hồi tháng Mười, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif phát biểu, Islamabad sẵn lòng hợp tác toàn bộ với Washington. Ông Asif cũng cho biết, Pakistan đã xóa bỏ các cứ điểm khủng bố mà hầu như không có sự trợ giúp nào từ phía Mỹ.
(Theo CSM)