(Tổ Quốc) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo chấm dứt đại dịch vào năm tới.
Nỗ lực chấm dứt đại dịch vào năm 2022
Theo trang SCMP, giới chức trách y tế cho biết vào ngày 20/12 biến thể Omicron hiện đang lây lan nhanh ở Mỹ.
"Biến thể mới xuất hiện đã khiến một số nước phải áp dụng các hạn chế nghiêm khắc trở lại. Tuy nhiên, tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden hiện không có kế hoạch phong tỏa trên cả nước", trang SCMP trích dẫn lời của Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiếm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Omicron chiếm đến 73,2% trong số các ca mắc mới tại Mỹ trong tuần qua. Ở một số khu vực của Mỹ, biến thể này thậm chí chiếm 90% trong số các ca mắc mới.
Dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể dễ lây lan hơn và kháng vaccine cao hơn các biến thể trước, mặc dù tín hiệu cho thấy quá trình mắc bệnh không nghiêm trọng bằng biến thể Delta.
Kể từ khi phát hiện biến thể mới đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 11, chủng Omicron đã được phát hiện ở hàng chục quốc gia. Nhiều người dân hy vọng sự xuất hiện của biến thể mới có thể khiến thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch kết thúc.
Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực gấp đôi để chấm dứt đại dịch, kêu gọi mọi người hoãn lại các sự kiện tập trung đông người trong dịp năm mới.
"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 20/12.
Theo ông Tedros, khi lễ hội cuối năm đang đến gần, các quốc gia nên hạn chế các sự kiện vì cho phép đám đông tụ tập sẽ là "nền tảng hoàn hảo" để Omicron lây lan mạnh.
"Sẽ tốt hơn nếu chúng ta hủy các sự kiện ngay bây giờ và tổ chức sau, hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn sau này", ông nói thêm.
Liên minh châu Âu đã phê duyệt loại vaccine thứ 5 do công ty Novavax của Mỹ sản xuất. Động thái này giúp châu Âu đã vượt xa các khu vực khác trên thế giới trong chương trình vaccine và tiêm mũi tăng cường.
Việc cấp phép sử dụng vaccine sử dụng công nghệ thông thường có thể khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng hơn khi tham gia tiêm chủng. Trước đó, EU đã phê duyệt các loại vacine như Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson. Hiện EU đã ký thỏa thuận mua tới 200 triệu liều vaccine Novavax với quy định tiêm hai mũi.
"Vào thời điểm mà biến thể Omicron lây lan mạnh. Tôi đặc biệt nhất trí với quyết đinh cấp phép sử dụng vaccine Novavax", bà Ursula von der Leyen – người đứng đầu EU cho biết.
Kế hoạch đón Năm mới tại một số quốc gia của EU
Ngày 20/12, London đã thông báo hủy bỏ sự kiện đêm Giao thừa ở Quảng trường trung tâm Trafalgar. Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng sẽ tiếp tục cân nhắc kế hoạch ứng phó dịch bệnh trước thềm Giáng sinh và Năm mới. Truyền thông Anh quốc cho biết Nữ hoàng Elizabeth đã hủy kế hoạch đón Giáng sinh tại dinh thự Sandringham, thay vào đó là thực hiện các biện pháp phòng bệnh hợp lý và ở lại lâu đài Windsor.
Trong khi đó, Paris cũng đã hoãn kế hoạch tổ chức sự kiện chào đón năm mới. Về phía Đức, chính phủ nước này dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ đối với các bữa tiệc cá nhân và đóng cửa quán bar.
"Lễ đón chào Năm mới thu hút số lượng lớn người sẽ không phù hợp trong tình hình hiện tại", tài liệu cho biết.
Morocco cũng vừa thông báo sẽ ban hành lệnh cấm tổ chức lễ đón giao thừa ở nước này. Và, Hà Lan cũng áp dụng lệnh cấm tổ chức sự kiện đông người vào dịp Giáng sinh. Bà von der Leyen cảnh báo biến thể mới có thể lan rộng thêm ở EU vào giữa tháng Giêng.
Khi đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế mới hoặc hủy bỏ tổ chức các sự kiện lớn.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết đã trì hoãn cuộc gặp mặt hàng năm vào tháng Giêng tại khu trượt tuyết Davos, Thụy Sỹ vì lo ngại biến thể mới.
"Cho dù có thể đưa ra các lựa chọn hạn chế số người tham gia nhưng vì mối đe dọa của biến thể mới Omicron, chúng tôi quyết định trì hoãn sự kiện này", WEF cho biết vào ngày 20/12.
Bộ Y tế Israel ra khuyến nghị hạn chế người dân trong nước du lịch đến Mỹ và một số quốc gia châu Âu đang trong "danh sách đỏ" của dịch bệnh.
Các sự kiện thể thao trên thế giới cũng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự lây lan mạnh của virus corona. Giải bóng đá Ngoại hạng Anh Premier League đã chứng kiến số ca mắc cao và đã phải trì hoãn trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, giải đấu này đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch tạm thời dừng mùa giải và cho biết: "Liên đoàn sẽ cân nhắc tổ chức theo lịch thi đấu hiện tại ở các nơi đảm bảo an toàn trước dịch bệnh".
Mặt khác, giải quần vợt Australia mở rộng (Australia Open) năm nay cũng bị ảnh hưởng sau khi ngôi sao Tây Ban Nha Rafael Nadal có kết quả dương tính với Covid-19. Vì vậy, Australia Open vẫn đang bỏ ngỏ kế hoạch tổ chức vào tháng tới./.