• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xoay trục Trung Quốc: Pakistan vượt lên đòn giáng Mỹ?

Thế giới 04/01/2018 21:45

(Tổ Quốc) - Sự thất vọng của người Mỹ đối với Pakistan đã gia tăng theo hàng thập kỷ nhưng Trung Quốc đã trở thành yếu tố mới trong cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ - Pakistan.

Sự thất vọng của người Mỹ đối với Pakistan đã gia tăng theo hàng thập kỷ. Và sự bùng nổ của điều này có thể là phản ứng mạnh từ Tổng thống Trump trong tweet gần đây, cùng với việc Mỹ tuyên bố cắt viện trợ đối với Pakistan.

"Hoa Kỳ đã dại dột viện trợ cho Pakistan 33 tỷ đô la trong 15 năm qua" để đổi lấy "không có gì ngoài sự lừa dối và lừa đảo", cũng như cung cấp "nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ khủng bố mà chúng tôi săn lùng ở Afghanistan", Tổng thống Trump tweet. "(Viện trợ) sẽ không còn nữa!"

Ngày 3/1, Mỹ tuyên bố sẽ giữ lại khoản viện trợ quân sự 255 triệu USD cho Pakistan.

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Pakistan đã bùng lên sau động thái mới nhất từ ông Trump.

Không có gì mới trong phản ứng của chính phủ Pakistan đối với những động thái từ Mỹ: họp hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp, triệu tập Đại sứ Mỹ tại Islamabad đến văn phòng Bộ trưởng ngoại giao Pakistan, và đưa ra cam kết cung cấp trong vòng vài ngày bản ghi chép và nội dung các chính sách chống khủng bố của Pakistan.

Dù vậy, một điều mới đó là bối cảnh hiện tại của cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ - Pakistan: vai trò lớn và đang mở rộng mà Trung Quốc đang thể hiện tại đất nước này – nơi nhiều thập kỷ đều tập trung phát triển quan hệ với Mỹ.

Hiện tại, khi Trung Quốc tăng cường cung cấp sự hỗ trợ tại khu vực, cùng với đầu tư và viện trợ nhiều hơn Hoa Kỳ, Pakistan không còn quá thắt chặt quan hệ với Mỹ nữa trong khi mạnh mẽ xúc tiến quan hệ với Bắc Kinh. Kết quả là, Pakistan có thể sẽ không có nhiều thay đổi sau động thái của ông Trump, một số chuyên gia trong khu vực cho biết.

Marvin Weinbaum, cựu chuyên gia về Pakistan và Afghanistan thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là nhà phân tích hàng đầu về Pakistan tại Viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington, nói: "Hiện không còn là Pakistan trong quá khứ".

Tiến sĩ Weinbaum nói: "Trung Quốc đã cung cấp một khoản đầu tư 57 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp và công nghiệp cho Pakistan. Mối liên hệ giữa hai nước ngày càng mạnh mẽ hơn. "Hiện tại, khi Washington đe doạ, [người Pakistan] không còn cảm thấy áp lực và bị cô lập như điều họ từng thấy."

Pakistan mạnh tay đáp trả

Như để nhấn mạnh sự tự tin đất nước này đang cảm thấy, các quan chức Pakistan đã nhanh chóng phản ứng với lời đe dọa của ông Trump và chuyển sự chú ý tới tăng cường mối quan hệ với Bắc Kinh.

"Chúng tôi đã nói với Hoa Kỳ rằng chúng tôi sẽ không làm nhiều hơn, do đó, điều "không còn nữa" của ông Trump không có ý nghĩa gì cả", Bộ trưởng Ngoại giao Khawaja Asif nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Ông nói thêm rằng sự thất vọng của Tổng thống Trump "khi Mỹ thất bại ở Afghanistan ... là lý do duy nhất ông ấy cáo buộc Pakistan."

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastagir cũng nói với BBC Urdu rằng Mỹ không còn có thể "đưa ra các điều khoản" cho Pakistan bằng cách đe dọa ngăn viện trợ.

Ngân hàng Trung ương Pakistan cũng đã chọn đúng thời điểm để đưa ra thông báo hôm thứ 3 rằng nước này sẽ chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc làm đồng tiền cho thương mại song phương - một vai trò mà đồng đô la Mỹ đã phần lớn gánh vác cho đến bây giờ. Động thái này được xem là đưa nước này tiến sâu hơn vào Sáng kiến cơ sở hạ tầng thương mại toàn cầu "Nhất đới, nhất lộ" của Trung Quốc - được công bố vào năm 2015.

Còn Trung Quốc cũng nhanh chóng tuyên bố ủng hộ Pakistan sau tweet của ông Trump.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, "Pakistan đã có những nỗ lực và hy sinh to lớn để chống khủng bố và có những đóng góp nổi bật cho hoạt động chống khủng bố quốc tế, và cộng đồng quốc tế cần phải nhận thức rõ điều này".

Như để nhấn mạnh sự bảo vệ của Trung Quốc đối với một người bạn khi bị tấn công, người phát ngôn này nói thêm, "Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Pakistan trong nhiều lĩnh vực khác nhau để mang lại lợi ích lớn hơn cho hai dân tộc."

Các nhà phân tích nói rằng, sự thân thiện và ủng hộ là điều trái ngược hoàn toàn với tweet của ông Trump – sự tương phản mà Trung Quốc muốn nhấn mạnh.

Câu hỏi hóc búa về Afghanistan

Tuy nhiên, ngoại trừ tính chất công khai của sự thất vọng từ ông Trump với Pakistan, cũng không có điều gì mới về vấn đề mâu thuẫn giữa Washington và Islamabad, các chuyên gia về mối quan hệ này cho hay.

Bà Laurel Miller, từng là quyền đặc phái viên đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Afghanistan và Pakistan cho đến tháng 6/2017 cho hay, "lý do của sự căng thẳng từ chính quyền Trump đối với Pakistan vẫn là một câu hỏi hóc búa cũ". "Một mặt, Hoa Kỳ thất vọng bởi việc Pakistan để cho Taliban và Mạng lưới Haqqani tiếp tục duy trì hoạt động" - hai nhóm nổi dậy đã vượt qua biên giới để sang chiến đấu ở Afghanistan. "Mặt khác, chỉ đơn giản là không có giải pháp cho vấn đề Afghanistan mà không có sự hợp tác của Pakistan."

Bà Miller nói rằng các động lực chính cho hành động của Pakistan cũng không thay đổi trong những năm gần đây. Chính phủ Pakistan (cả giới lãnh đạo dân sự và quân đội hùng mạnh) được "thúc đẩy bởi quan điểm riêng về các lợi ích an ninh quốc gia", trong khi họ thiếu tự tin về chiến thắng quân sự của Mỹ tại Afghanistan.

Đồng thời, chính phủ Pakistan cũng quan tâm đến một nhu cầu là không thể hiện sự yếu kém trong mắt công chúng. "Họ cũng được thúc đẩy bởi sự cần thiết là không thể hiện sự nhún nhường trước áp lực của người Mỹ", bà nói.

Weinbaum của Viện nghiên cứu Trung Đông, người đã thăm Pakistan hồi năm ngoái, cho biết ông đã nhận thấy một lập trường độc lập mới tách khỏi Washington được thể hiện từ các văn phòng cấp bộ tới cả người dân bình thường.

Ông nói: "Họ không cảm thấy mối quan hệ với Hoa Kỳ còn quan trọng đối với họ". "Lập trường của họ là: nếu chúng ta không thể có được vũ khí từ Mỹ, chúng ta có thể có ở đâu đó, có thể là Nga. Và sự tự tin này đang mở rộng - tôi cũng nghĩ có thể là quá tự tin - về những gì Trung Quốc có thể làm cho họ ".

Weinbaum lưu ý, ví dụ, rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Pakistan phần lớn là dưới hình thức cho vay. Ông nói: "Họ sẽ phải đối mặt với Trung Quốc sau một món nợ lớn".

Nổi lên quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Nhiều luồng dư luận khác lại cảm thấy rằng Pakistan vẫn đang nhận thức rõ về nguy cơ mang ơn Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thận trọng này đang bị lu mờ bởi những lo ngại rằng Mỹ đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Ấn Độ.

Bà Miller cho hay, "Quan điểm của tôi là người Pakistan vẫn không muốn phụ thuộc nhiều vào Bắc Kinh, họ muốn có nhiều đối tác đa dạng hơn, tiếp tục bao gồm cả Mỹ". Đặc biệt, bà nói, quân đội Pakistan muốn duy trì quan hệ "sâu sắc và có giá trị" với Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, về lâu dài, điều có vẻ như sẽ thúc đẩy Pakistan tiến sâu hơn vào vòng tay của Trung Quốc chính là việc Mỹ tăng cường mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ, đặc biệt là dưới thời ông Trump, cũng theo bà Miller.

"Trước đây, Mỹ không coi mối quan hệ của họ với Ấn Độ và Pakistan như một cuộc chơi được mất ngang nhau. Và với hai mối quan hệ riêng biệt, mỗi bên đều có những giá trị riêng (đối với Mỹ)", Miller nói. "Nhưng gần đây, Mỹ đã được nhận thấy là đang cố gắng chơi quân bài Ấn Độ với Pakistan - cho thấy hiện nay họ có nhiều cách tiếp cận “được mất ngang nhau” hơn."

Miller lo ngại rằng, về ngắn hạn, Mỹ sẽ có nhiều hành động trừng phạt với Pakistan, có thể khiến Pakistan phải đáp ứng các đề xuất của Mỹ bằng các hành động thực tế. Ví dụ như Mỹ có thể đóng cửa các tuyến cung cấp quân sự cho Afghanistan, như điều đã xảy ra trong một cuộc khủng hoảng trước đó vào năm 2011 – dẫn tới một "vòng xoáy suy giảm" quan hệ song phương.

Sự suy thoái như vậy, đặc biệt là cùng lúc Mỹ đang xây dựng mối quan hệ với Ấn Độ, sẽ chỉ khuyến khích Pakistan tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

"Những gì chúng ta đang thấy là một sự nổi lên của cặp Mỹ - Ấn Độ đối chọi với sự tăng cường Pakistan - Trung Quốc tại một khu vực mà sẽ không tốt cho bất cứ ai," Miller nói, "Điều này sẽ chỉ gây ra bất lợi cho lợi ích của cả bốn quốc gia. "

(Theo CSM)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ