(Tổ Quốc) - Serbia, một quốc gia sở hữu mối quan hệ phức tạp và gây tranh cãi nhất với NATO, giờ đây đang hướng tới con đường quân sự trung lập.
Trong một cuộc gặp mặt với các quan chức NATO và giới chuyên gia an ninh tại Cung điện Serbia ở Belgrade, Phó Thủ tướng Serbia Ivica Dačić nói: "Các hoạt động hợp tác của chúng tôi, bao gồm quân sự và tập trận với các quốc gia ngoài NATO, không ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng tôi với NATO và các nước thành viên; cũng như ngược lại".
"Chúng tôi hiểu rằng, mối quan hệ giữa Serbia và NATO rất quan trọng, ảnh hưởng bởi di sản của quá khứ, từ chiến dịch đánh bom vào Cộng hòa Liên bang Yugoslavia mà không được Hội đồng Bảo an cho phép dẫn tới những thương tổn khổng lồ về con người và vật chất. Chúng tôi có cách nhìn khác về việc này, và đây là thực tế", ông Dačić nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (phải) (ảnh: newsweek)
Theo tờ Newsweek, những phát biểu của Phó Thủ tướng Dačić cho thấy một sự thay đổi không quá rõ ràng nhưng lại vô cùng ý nghĩa của giới lãnh đạo Serbia, trong mối quan hệ với NATO. Hầu như không người dân Serbia nào có thể quên được khoảnh khắc liên minh quân sự phương Tây, dưới chỉ thị của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, đã đánh bom Nam Tư vào năm 1999. Mục tiêu được nêu ra lúc đó là chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra ở Kosovo.
Gần hai thập kỷ sau, một số tòa nhà tại Belgrade vẫn còn lại dấu vết của bom đạn. Những tin đồn xung quanh các căn bệnh kỳ lạ do chất uranium có trong loại bom NATO sử dụng, vẫn chưa chấm dứt (bất chấp việc cho tới giờ, các nhà khoa học vẫn không tìm ra được bằng chứng cụ thể)…
Mặc dù vậy, tất cả những điều trên vẫn không thể ngăn cản chính phủ Serbia xây dựng mối quan hệ với NATO. Tháng trước, NATO và Serbia đã tiến hành tập trận chung liên quan tới sẵn sàng phản ứng trước các thảm họa. Giới chức NATO từng khẳng định, hầu hết hợp tác giữa hai bên vẫn tiếp diễn cho dù không công khai.
Một băng rôn chống NATO ở bên ngoài một tòa nhà chính phủ ở Belgrade (ảnh: newsweek)
Bài học từ Bắc Âu
Serbia hiện là quốc gia duy nhất ở vùng Balkans không thể hiện mong muốn gia nhập NATO. Các nước thuộc Nam Tư cũ như Croatia và Montenegro đã trở thành thành viên của liên minh quân sự. Macedonia, một láng giềng của Serbia, cũng sẽ gia nhập trong tương lai gần. Giới phân tích đang chờ xem, sự tương tác giữa NATO và Serbia sẽ đi về đâu khi Belgrade cũng tham gia tập trận với Nga và đặt mục tiêu duy trì quan hệ với cả Moscow và châu Âu.
Một số người cho rằng, các nước vùng Scandinavia có thể được xem là một ví dụ tốt cho vùng Balkans, vì đã thành công tránh được những xung đột lẫn nhau trong hai thể kỷ; cùng lúc thiết lập các mối quan hệ khác biệt với cả NATO và Liên minh châu Âu (EU). Thụy Điển và Phần Lan đều là thành viên EU, nhưng không gia nhập NATO. Na Uy là thành viên NATO nhưng không thuộc EU; trong khi Đan Mạch gia nhập cả hai tổ chức. Cùng lúc, bốn quốc gia đều hợp tác trong các vấn đề an ninh.
"Một cuộc tấn công vào một nước Bắc Âu sẽ ảnh hưởng tất cả bởi vì chúng tôi là những nước nhỏ, và đó là một bài học cho vùng Balkans. Bạn không cần phải cùng tham gia một tổ chức," Anna Wieslander, một công dân Thụy Điển, hiện đang là giám đốc phục trách Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ ra. "Liên quan tới NATO, chúng tôi đã gia nhập chương trình Đối tác về Hòa bình ngay khi nó ra đời vào năm 1994 – không phải bởi vì chúng tôi muốn trở thành thành viên NATO, hay chúng tôi muốn tiếp tục trung lập về quân sự - mà chúng tôi muốn hợp tác trong những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt khi sự khác biệt đông tây bị đổ vỡ".
Nguy cơ từ trung lập quân sự
Trung lập quân sự không phải là không có nguy cơ. Theo nhiều chuyên gia, một quốc gia phải có đủ nguồn lực để tự bảo vệ mình nếu không muốn gia nhập một liên minh quân sự chính thức. Sự "độc lập" này sẽ đi kèm với một chi phí được đánh giá là quá cao cho Serbia, khi GDP bình quân đầu người của nước này còn chưa tới 6.000 USD/năm.
"Vô cùng tốn kém để có thể hoàn toàn trung lập, và tôi cho rằng, các nhà lãnh đạo Serbia biết điều đó. Vấn đề của Serbia là họ muốn trung lập hoàn toàn và có thể cân bằng giữa cả hai bên; nhưng lại không có đủ nguồn lực cho điều đó; và họ đang xoay xở theo các cách khác nhau", Arne Sannes Bjornstad, Đại sứ Na Uy tại Serbia nhận định. "Điều này làm giảm sự an ninh của họ, đồng thời gia tăng chi phí".
Serbia mua thiết bị từ tất cả các nước, và nếu bạn kết nối điều này với nhau, về cơ bản là bạn không có an ninh bởi vì bạn mở toang các cánh cửa khác nhau.
Arne Sannes Bjornstad
Ví dụ như, việc Serbia mua công nghệ quân sự từ cả Nga và châu Âu, có thể khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công mạng.
"Nếu bạn muốn bảo vệ hạ tầng cơ sở, mạng lưới máy vi tính, bạn cần quyết định bạn đang đối phó với ai, và phụ thuộc vào những đánh giá về nguy cơ, bạn phải quyết định thời điểm nào mua thiết bị", Bjornstad nói. "Serbia mua từ tất cả các nước, và nếu bạn kết nối điều này với nhau, về cơ bản là bạn không có an ninh bởi vì bạn mở toang các cánh cửa khác nhau".
Tuy nhiên, các quan chức NATO cho biết, họ sẵn sàng ủng hộ cho mục tiêu trở thành trung lập chính trị của Serbia.
"Chúng tôi hiểu rằng quan hệ NATO – Serbia có nhiều phức tạp, và không hoàn toàn được cổ vũ từ phía Serbia", James Appathurai, Phó trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, khẳng định. "NATO thật sự muốn cố gắng giúp các nước trong khu vực này đạt được mục tiêu của họ, cho dù đó là gì. Điều chúng tôi muốn là sự hợp tác thực tế hơn, và thêm nhiều đối thoại. Đây không phải là sân sau của NATO, đó là nhà của chúng ta. Đó là một căn phòng trong ngôi nhà lớn châu Âu".