• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xứ Catalonia: kỳ hạn 8 ngày “không đường lùi” hay sự cứu rỗi?

Thế giới 12/10/2017 11:04

(Tổ Quốc) - Madrid vừa đưa ra một thời hạn 8 ngày cho câu trả lời cuối cùng của chính quyền Catalonia.  

Hôm thứ Tư (11/10), Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã đưa ra thời hạn 8 ngày cho chính quyền Catalonia xác nhận về vấn đề đòi độc lập; đồng thời đe dọa, ông sẽ đình chỉ nền chính trị tự trị của xứ Catalonia và trực tiếp lãnh đạo vùng đất này.

Quyết định của ông Rajoy được cho là sẽ đào sâu hơn nữa mâu thuẫn giữa Madrid và Catalonia; tuy nhiên, nó cũng sẽ mở ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Tây Ban Nha kể từ sau cuộc đảo chính quân đội thất bại năm 1981.

Hãng tin Reuters dự đoán, Thủ tướng Rajoy có lẽ sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử đột xuất ở khu vực này sau khi kích hoạt Điều khoản 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha, theo đó, ông có toàn quyền cách chức chính phủ vùng Catalonia.

 Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đưa ra kỳ hạn 8 ngày cho chính quyền Catalonia

Hôm thứ Ba (10/10), Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont đã đưa ra tuyên bố độc lập; thế nhưng lại ngay lập tức đình chỉ nó, đồng thời kêu gọi tiến hành thương lượng với chính phủ Madrid.

“Sáng nay, nội các đã đồng ý chính thức yêu cầu Chính quyền Catalonia xác nhận có phải họ đã tuyên bố nền độc lập của Catalonia hay không, bất chấp việc thi hành nó đã tạo ra sự hỗn loạn có chủ ý,” Thủ tướng Rajoy nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. Sau đó, ông thông báo với Quốc hội Tây Ban Nha rằng, chính quyền Catalonia sẽ có thời gian đến 8 giờ (giờ GMT), ngày Thứ Hai (16/10) để đưa ra câu trả lời cuối cùng.  

Nếu quá thời hạn này và mọi việc vẫn chưa được xác định rõ ràng, Điều khoản 155 sẽ được thi hành. Các nhà phân tích nhận định, hiện chưa rõ liệu chính quyền Catalonia có đáp ứng yêu cầu này hay không, nhưng rõ ràng, họ đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa.

Nếu Thủ hiến Puigdemont nói rằng, ông không tuyên bố độc lập, Chính phủ trung ương có lẽ sẽ chính thức “ra mặt”. Nếu Puigdemont trả lời rằng mình không làm điều đó, có thể Đảng cực tả CUP sẽ từ bỏ sự ủng hộ cho chính quyền thiểu số của ông.

“Ông Rajoy có hai mục tiêu: nếu Thủ hiến Puigdemont tiếp tục nhập nhằng, phong trào ủng hộ li khai sẽ trở nên mong manh hơn; nếu Puigdemont kiên quyết bảo vệ ý định độc lập thì ông Rajoy sẽ có thể kích hoạt Điều khoản 155,” Antonio Barroso, Phó giám đốc của cơ quan nghiên cứu Teneo Intelligence phân tích. “Cho dù thế nào, mục đích của ông Rajoy là đầu tiên phải khôi phục lại quyền lực luật pháp tại Catalonia và điều này có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm trong khu vực.”

Chắc chắn Catalonia – khu vực có nền ngôn ngữ và văn hóa riêng, trở nên độc lập là điều mà Madrid không hề mong muốn, bởi nó đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha sẽ mất đi 1/5 giá trị kinh tế và hơn ¼ giá trị xuất khẩu của mình.

Khả năng thương lượng bị thu hẹp

Sau khi chính quyền Catalonia cho biết 90% người dân địa phương đã bỏ phiếu đồng ý với lựa chọn độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 01/10 vừa qua, Thủ hiến Puigdemont được cho là sẽ đơn phương tuyên bố sự độc lập của Catalonia vào hôm thứ Ba. Về phần Madrid, Chính phủ trung ương kiên quyết phủ nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu và khẳng định, tỷ lệ người ủng hộ độc lập thực chất chỉ là 43%.

Đáp trả lại bài phát biểu của ông Puigdemont trước Quốc hội Catalonia, Madrid tuyên bố, những động thái của chính quyền Catalonia không dựa trên kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

“Đối thoại giữa những người dân chủ phải tuân theo luật pháp,” Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nói.

Reuters nhận định, việc dẫn ra Điều khoản 155 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất tại Tây Ban Nha trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây, sẽ khiến cho viễn cảnh về một giải pháp đàm phán, trở nên ngày càng khó khăn hơn.  

Một người dân Catalonia cầm biểu ngữ viết: "Catalonia không phải là Tây Ban Nha"

Hôm thứ Tư, một phát ngôn viên của chính quyền Catalan cho biết, nếu Madrid lựa chọn con đường này, họ sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình li khai. “Chúng tôi thực sự chưa từ bỏ bất kỳ điều gì… Chúng tôi đã tạm nghỉ… [điều đó] không có nghĩa là một bước lùi, hay một sự từ bỏ hoặc bất kỳ điều gì tương tự,” người phát ngôn của chính quyền Catalonia Jordi Turull nói trên đài phát thanh Catalonia.

Nhà lãnh đạo đối lập Pedro Sanchez tuyên bố, ông sẽ ủng hộ Thủ tướng Rajoy trong trường hợp Điều khoản 155 được kích hoạt, và ông đồng ý với ý kiến tiến hành cải cách Hiến pháp trong vòng 6 tháng tới, nhằm tìm ra được giải pháp giúp Catalonia có thể trở nên phù hợp hơn với Tây Ban Nha hiện tại và trong tương lai.

Thị trường tài chính “thở phào”

Những phát biểu “quay ngược” của ông Puigdemont đã khiến hàng nghìn người ủng hộ cho một Catalonia độc lập, phải thất vọng. Tuy nhiên, giới tài chính lại có thái độ tích cực hơn khi Catalonia vẫn là một phần của Tây Ban Nha.

Chỉ số IBEX của Tây Ban Nha tăng 1,6%, biểu hiện tốt hơn so với chỉ số STOXX 600 của châu Âu. Trong khi đó, chỉ số MSCI “All-World” đạt mức cao kỷ lục…

Tại trụ sở của Liên minh châu Âu, dường như việc Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ 4 của khu vực, có được một khoảng thời gian dù ngắn ngủi để đương đầu với cuộc khủng hoảng chính trị - đã khiến nhiều người “thở phào.”

Một quan chức EU cho biết, ông Puigdemont “có vẻ đã lắng nghe các lời khuyên đừng làm điều gì mà không thể phục hồi được.” Cho đến thời điểm hiện tại, EU tỏ ra khá “lạnh nhạt” trước lời kêu gọi tham gia dàn xếp căng thẳng từ Thủ hiến Puigdemont.

Cuộc khủng hoảng Catalonia đã chia cắt sâu sắc khu vực này cũng như cả đất nước Tây Ban Nha. Một cuộc khảo sát tiến hành trước ngày 01/10 cho thấy, khoảng 40% người dân Catalonia ủng hộ độc lập. Một số công ty lớn nhất của Catalonia đã di chuyển trụ sở chính khỏi vùng này, và một số công ty  khác dự định cũng sẽ làm như vậy nếu ông Puigdemont tuyên bố độc lập.

(Theo Reuters)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ