• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuất khẩu 2016 giảm mạnh: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu?

Thế giới 14/01/2017 08:19

(Tổ Quốc) - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đã được khởi động trước khi các bên trong cuộc kịp nhận ra.  

Cỗ máy xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc lại “lỗi nhịp”, với tỷ trọng hàng hóa xuất đi trong năm 2016 tiếp tục giảm năm thứ hai liên tiếp. Thông tin không vui được công bố trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng thế giới vẫn thấp, và nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2017 liên tục được nhắc đến.

NGUY CƠ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI ÁM ẢNH CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

Chỉ còn một tuần nữa, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump – người từng ví Trung Quốc là một “kẻ thao túng tiền tệ” - sẽ chính thức nhậm chức, và có thể “thẳng tay” thực hiện lời đe dọa áp dụng mức thuế cao lên hàng hóa đến từ quốc gia châu Á.

Theo các chuyên gia, kể cả khi chính quyền Trump không đưa ra hành động ngay lập tức, ám ảnh về mối quan hệ chính trị - kinh tế tan vỡ giữa Trung Quốc và Mỹ, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nhà nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu.

Ông Trump đã khơi ngòi cho nỗi ám ảnh về mối quan hệ chính trị - kinh tế tan vỡ giữa Mỹ và Trung Quốc?

Số liệu mới nhất vừa được công bố cho thấy, năm 2016 xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,7% và nhập khẩu giảm 5,5%. Đây là năm thứ hai liên tiếp, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm; đồng thời cũng là mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Theo hải quan Trung Quốc, năm 2017, ngoại thương nước này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt nếu các biện pháp bảo hộ được thắt chặt hơn sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống. “Xu thế chống lại toàn cầu hóa đang ngày trở nên rõ nét, và Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của nó,” người phát ngôn của Hải quan Trung Quốc, Huang Songping nói. “Chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến chính sách ngoại thương sau khi ông Trump nhậm chức.”

Thông tin từ hải quan Mỹ cho biết, năm 2015, thặng dư thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là 366 tỷ USD. Còn số liệu của Trung Quốc chỉ ra, thặng dư thương mại giữa hai quốc gia năm 2016 đạt 250,79 tỷ USD, giảm không đáng kể so với mức 260,91 tỷ USD của năm 2015. Một bản báo cáo của Bank of America Merrill Lynch nhận định, tân Tổng thống Mỹ có thể sử dụng điều này làm một con bài “đối phó” với Bắc Kinh trên các bàn thương lượng. Thặng dư vượt 20 tỷ USD là một trong ba yếu tố để Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không.

“Mối lo ngại của chúng tôi là, lập trường của ông Trump đối với thương mại Trung Quốc có thể khiến sự yếu kém dài hạn về cơ cấu trong xuất khẩu của Trung Quốc lộ rõ,” một nhà phân tích kinh tế của ngân hàng ANZ cho biết. “Chính sách thương mại của ông Trump chắc chắn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển các cơ sở sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.”

TRUNG QUỐC SẼ PHẢN KHÁNG MẠNH MẼ

Hồi giữa tuần, Trung Quốc đã gửi một tín hiệu “cảnh cáo” tới chính quyền Trump, khi thông báo, nước này sẽ áp dụng thuế chống phá giá lên một số mặt hàng thức ăn gia súc nhập khẩu từ Mỹ - ở mức cao hơn so với những gì từng được đề xuất hồi năm ngoái.

“Thay vì đầu hàng hoặc chuẩn bị các biện pháp hạn chế xuất khẩu như Nhật Bản từng làm với ngành xuất khẩu ô tô của mình vào những năm 1980, chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu đối kháng mạnh mẽ, nhưng sẽ không để dẫn đến sự trả đũa ngay lập tức nhưng ở mức nặng nề hơn,” báo cáo của Bank of America nhận định; “Điều này cho thấy, thậm chí cả một trận ‘khẩu chiến’ cũng có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, không chỉ của Trung Quốc, Mỹ và còn trên toàn thế giới.”  

"Trung Quốc ngày càng dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa."

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng cuối cùng của năm 2016 giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước; trong khi nhập khẩu tăng, ở mức 3,1%. Trước đó, mức tăng nhẹ 0,1% vào tháng 11/2016, làm dấy lên hy vọng rằng xuất khẩu Trung Quốc đang được cải thiện tại một số quốc gia châu Á. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng Mười hai là 40,82 tỷ USD, giảm so với mức 44,61 tỷ USD của tháng Mười một.

Trong khi bức tranh xuất khẩu của năm 2016 mang đầy màu sắc u ám, tình hình nhập khẩu của Trung Quốc trong năm vừa qua dường như có một số điểm sáng – một dấu hiệu cho thấy, nhu cầu nội địa đã khởi sắc, do một loạt các công ty mua nguyên liệu thô, phục vụ cho cơn sốt xây dựng đang bùng nộ tại Đại lục.

“Bảo hộ thương mại đang gia tăng, nhưng Trung Quốc đang dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa,” Wen Bin, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Minsheng từ Bắc Kinh nhận xét.  

Theo nhiều nhà phân tích, những yếu kém tồn tại của xuất khẩu đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải sử dụng chi tiêu cao và các khoản vay ngân hàng lớn, để thúc đẩy nền kinh tế, bất chấp nguy cơ gia tăng nợ đang dần đến mức nguy hiểm.  

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2016, được cho là sẽ vẫn nằm trong mức 6,5 – 7%; tuy nhiên, nhiều dấu hiệu chỉ rõ, thị trường bất động sản đã đạt đến mức đỉnh – đồng nghĩa với việc cơn sốt xây dựng sẽ hạ nhiệt, và nước này sẽ không còn cần nhiều nguyên liệu thô như trước nữa.

“Khó thấy được điều gì sẽ đem lại một sự phục hồi bền vững cho thương mại Trung Quốc,” Julian Evans-Pritchard, chuyên gia Trung Quốc tại Capital Economics nhận xét. Thặng dư thương mại năm 2016 giảm xuống dưới 510 tỷ USD, so với 594 tỷ USD vào năm 2015, có thể thu hẹp khả năng của các nhà cầm quyền Trung Quốc “đảo ngược” những áp lực của dòng chảy vốn – điều từng giữ cho  đồng Nhân dân tệ ở mức thấp trong hơn 8 năm liên tiếp, các chuyên gia của ANZ bình luận.

(Theo Reuters)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ