(Tổ Quốc) - Chuyến hành trình thời gian đã gợi nhớ lại những xúc cảm về mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển 50 năm qua.
Ngày 11/1/2019- đúng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, đã có một chuyến tham quan dành cho các nhà báo địa phương đi qua các dấu mốc biểu trưng cho mối quan hệ song phương trong thành phố Hà Nội như Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổng công ty giấy Việt Nam; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; tòa nhà Casa Italia (nơi đặt văn phòng đầu tiên của Đại sứ quán Thụy Điển) và Đại sứ quán cũ tại phố Núi Trúc.
Dấu ấn từ Bệnh viện Nhi Trung ương
Nơi đầu tiên mà chuyến xe đi qua là Bệnh viện Nhi Trung ương nơi Thạc sĩ chuyên khoa nhi Phạm Thu Hà – đã tham gia khóa thạc sĩ điều dưỡng nhi khoa đầu tiên trong chương trình đào tạo tại Thụy Điển bày tỏ nhiều cảm xúc.
Thạc sĩ chuyên khoa nhi Phạm Thu Hà chia sẻ trên chuyến tham quan. (Ảnh: Minh Khánh)
Theo bà Hà, lịch sử phát triển của bệnh viện Nhi trung ương gắn liền với thời kì gian khó của Việt Nam. Sau khi đất nước được giải phóng thì bệnh viện nhi được khởi công xây dựng với sự giúp đỡ của chính phủ và nhân dân Thụy Điển. Năm 1980, bệnh viện Nhi trung ương được xây gần như hoàn thiện, với thiết kế của chuyên gia Thụy Điển và ban điều hành dự án của Bộ Y tế chỉ đạo thi công. Ngày 16/3/1981, bệnh viện được khánh thành và bắt đầu đưa vào vận hành. Thời điểm đó, đây là một công trình vô cùng hiện đại với hệ thống hơn 400 giường bệnh; thang máy; điện thoại nội bộ; trung tâm lò hơi để đưa oxi, nước nóng tới từng khoa phòng hay hệ thống nhà giặt.
Nhiều cán bộ của bệnh viện cũng được sang Thụy Điển tham quan, học tập, trong đó có Giáo sư, TS Nguyễn Thu Nhạn – nguyên Giám đốc bệnh viện và cũng người đặt mối quan hệ đầu tiên giữa hai bên. Trong thời gian học tập, bà Phạm Thu Hà rất cảm xúc với sự nhân hậu của các chuyên gia Thụy Điển. Bà đã được chăm sóc và cảm nhận được tình người bao la, nồng hậu từ các thầy, các cô Thụy Điển. Trong quá trình làm việc tại viện Nhi, bà Phạm Thu Hà cũng cảm nhận được sự quan tâm và yêu quí của các chuyên gia từ Thụy Điển đối với bệnh nhân và trẻ em khi họ luôn ngồi hẳn xuống, giữ tầm mắt ngang bằng với các bệnh nhân nhi trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện.
Dấu ấn trong âm nhạc
Trong khi nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của công chúng thì âm nhạc còn là một lĩnh vực chưa nhiều người biết tới. TS Nguyễn Tiến Mạnh – trưởng khoa nhạc Jazz tại Học viện âm nhạc Việt Nam – người cũng từng học tập tại Thụy Điển đã chia sẻ rằng, trong lĩnh vực âm nhạc, sự ra đời của khoa nhạc Jazz tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam là một trong những thành quả, dấu ấn thể hiện sự hợp tác với chính phủ Thụy Điển.
Hai nước đã kí hợp tác từ 1993 và có nhiều dự án hợp tác, trong đó mục đích là nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên giảng dạy âm nhạc Việt Nam, khuyến khích sáng tạo của sinh viên 2 nước Việt Nam và Thụy Điển, thành lập và phát triển khoa nhạc Jazz, giúp trẻ em Việt Nam tiếp xúc với âm nhạc, tìm kiếm tài năng âm nhạc trẻ, thực hiện chương trình giao lưu văn hóa giữa 2 nước và quảng bá, đào tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam sang Thụy Điển.
Trong hơn một thập kỉ, các dự án được đánh giá rất hiệu quả, có tác động tích cực đến công tác đào tạo và biểu diễn, cũng như đặc biệt nâng cấp trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, cũng như giáo trình, chương trình của khoa nhạc Jazz. Sắp tới, nhiều chương trình hợp tác vẫn tiếp tục được thực hiện để thúc đẩy sự giao lưu và phát triển của âm nhạc Việt Nam và Thụy Điển.
Ông Mạnh cũng tổng kết lại rằng, sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ Thụy Điển tới công tác đào tạo tại học viện âm nhạc Việt Nam phải kể đến việc đã giúp đào tạo đội ngũ giảng viên cho khoa nhạc Jazz; khi 90% giảng viên được học tại Thụy Điển; giúp đỡ về tài liệu chuyên khảo và hỗ trợ trong nâng chuẩn đào tạo các bậc như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Những kỉ niệm gắn kết giữa Việt Nam và Thụy Điển
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng –đã làm việc 40 năm tại Đại sứ quán Thụy Điển từ 1/1/1976 đến 31/12/2015 cũng được mời lên chuyến tham quan để chia sẻ về những kỉ niệm sâu sắc của bà khi gắn bó với tòa nhà mái đỏ từng là văn phòng cũ của Đại sứ quán Thụy Điển ở phố Núi Trúc. Bà xúc động bày tỏ, từ khi về hưu, mỗi tháng bà đều qua ngắm nhìn.
Bà Phụng và cuốn sách kỉ niệm. (Ảnh: Minh Khánh)
Bà cũng chia sẻ với các con rằng, đây là Tổ Quốc thứ 2 của mẹ vì 40 năm cuộc đời bà đã trải qua tại đây. Bà cũng giới thiệu về một cuốn sách cũ do nữ đồng nghiệp quá cố Diệu Căn để lại cho bà, ghi lại những tên đại sứ, thành viên Thụy Điển đến và đi cùng chứng minh thư của họ. Bà đã viết tiếp và cập nhật thông tin từ khi bà nhận quyển sách này vì bà yêu quý họ và họ là những con người tuyệt vời.
Bà cũng rất hãnh diện khi nhắc tới chiếc đồng hồ bà đang đeo có quốc huy Thụy Điển – một món quà bà được tặng vì những đóng góp trong quá trình làm việc.
Chuyến tham quan cũng đã đưa các nhà báo Việt Nam tới Tổng công ty Giấy Việt Nam (trước đây là văn phòng của Nhà máy giấy Bãi Bằng) và tòa nhà Casa Italia – (nơi đặt văn phòng đầu tiên của Đại sứ quán Thụy Điển).
Chia sẻ về những điểm đến này, cựu đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam (1994-1997) Borie bày tỏ sự tự hào khi năm 1969 - thời kì Việt Nam còn khó khăn thì hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.
Ông cũng nhắc lại kỉ niệm rằng văn phòng đầu tiên của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam là một phòng của khách sạn Metropole và tòa nhà Casa Italia lúc đó là khu nhà của nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển 1969-1979. "Tôi đã vinh dự được mời vào khuôn viên của nhà đại sứ vào một dịp giáng sinh".
Cựu đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Borie nói về những kỉ niệm của ông với Việt Nam. Ảnh: Minh Khánh
Ông Borie cũng cho biết, một vinh dự nữa của tôi là tôi có làm việc liên quan đến hỗ trợ phát triển tại Việt Nam, trong đó có dự án giấy Bãi Bằng. Dự tính lúc đầu là Thụy Điển chỉ thiết kế nhà máy, tuy nhiên sau đó dự án này liên quan đến nguyên liệu cho bột giấy, mạng lưới năng lượng hay nhân lực…, vì thế nó trở thành một dự án rất quy mô.
Về quá trình phát triển của Việt Nam, ông Borie bày tỏ, giữa những năm 1990, Thụy Điển cũng hỗ trợ rất nhiều trong công cuộc Đổi mới – một mảng chính trong sự hỗ trợ của Thụy Điển cho Việt Nam. Và sau đó, Việt Nam đã có những bước chuyển mình và có những dấu ấn phát triển kinh tế rất được cộng đồng quốc tế ghi nhận, duy trì đà tăng trưởng khoảng 7%, giảm tỉ lệ đói nghèo và việc chủ động tham gia vào các hoạt động quốc tế và được đón nhận.
Nhân kỉ niệm 50 năm quan hệ hai nước, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg đã bày tỏ, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục câu chuyện thành công về phát triển kinh tế và xã hội của mình. Đất nước và nhân dân Thụy Điển sẽ luôn là người bạn thân thiết của đất nước và nhân dân Việt Nam - hôm qua, hôm nay và trong tương lai chung của chúng ta!