• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xung đột Armenia- Azerbaijan tiết lộ cơ hội Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi từ lâu?

Thế giới 07/10/2020 16:48

(Tổ Quốc) - Reuters đăng tải, quyết định của Tổng thống Tayyip Erdogan ủng hộ mạnh mẽ cho Azerbaijan trong cuộc xung đột tại vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra xa khỏi các nước lớn, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với NATO về một lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, đối với ông Erdogan, lập trường kiên quyết lại là một ưu tiên chiến lược và sự trả giá cần thiết để nhấn mạnh vào chiến lược gia tăng hiện diện quân sự của Thổ tại nước ngoài, từ đó dành được sự ủng hộ trong nước cho chính quyền Ankara.

Ông từng miêu tả những hỗ trợ của Ankara cho Azerbaijan là một phần trong cuộc chinh phục của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hướng tới "một vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới".

Tổng thống Erdogan nhìn thấy một cơ hội có thể thay đổi tình trạng hiện tại ở Nagorno-Karabakh. Đây là nơi Pháp, Mỹ và Nga đã dẫn đầu những nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Cũng tại đây, cộng đồng người thiểu số Armenia nắm quyền kiểm soát mặc dù nó vẫn được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan.

Xung đột Armenia- Azerbaijan tiết lộ cơ hội Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi từ lâu? - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (ảnh: Reuters)

"Phần lớn logic của Thổ Nhĩ Kỳ là gây chia rẽ. Bất kỳ điều gì làm thay đổi tình trạng hiện tại cũng đều có lợi cho mục tiêu đó bởi vì tình trạng trước đây đi ngược lại lợi ích của Ankara", học giả từ Viện Robert Bosch là Galip Dalay nhận định. Theo ông, "tại Nagorno-Karabakh từng có một cuộc xung đột bị đóng băng và vẫn nằm trong tay Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ muốn phá hủy trò chơi này ngay cả khi họ không thể toàn quyền quyết định nó do sự ảnh hưởng truyền thống của Nga trong khu vực".

Lập trường của Ankara đã đem tới một nguy cơ ngầm cho Armenia và cũng là một thông điệp gửi tới Moscow (vốn đang có một thỏa thuận phòng thủ với Yerevan). Giới phân tích cho rằng, Thổ đã thể hiện khá rõ thái độ của mình thông qua những chiếc máy bay không người lái từng được sử dụng tại Syria, Libya và Iraq.

Các máy bay không người lái do Thổ sản xuất giờ đây hiện diện trong các đợt không kích của Azerbaijan. Một quan chức cấp cao tại Ankara tiết lộ với Reuters là Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hạ tầng cơ sở và hỗ trợ cho các vũ khí này ngay cả khi không cử quân tới chiến đấu trên thực địa.

Tổng thống Erdogan cũng đánh cược, bất chấp những khác biệt về vấn đề Nagorno-Karabakh, Ankara và Moscow sẽ vẫn đạt được đồng thuận - đủ để ngăn ngừa xung đột bùng phát rộng hơn trong khu vực.

Xung đột Armenia- Azerbaijan tiết lộ cơ hội Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi từ lâu? - Ảnh 2.

Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh đã cướp đi nhiều sinh mạng của cả thường dân và binh sỹ hai bên (ảnh: Reuters)

Mặc dù Nga, Mỹ và Pháp đang kêu gọi cho một lệnh ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh, nhưng ông Erdogan lại lí giải, cộng đồng quốc tế đã "tảng lờ" cuộc khủng hoảng trong suốt 3 thập kỷ qua và không nên lãnh đạo quá trình kiến tạo hòa bình. Theo Ankara, một nền hòa bình lâu dài sẽ phụ thuộc vào những đề xuất dựa trên tình hình thực tế sau khi chiến sự chấm dứt.

Những suy nghĩ của ông Erdogan càng làm cuộc khẩu chiến với Pháp (nơi có nhiều công dân gốc Armenia) trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, nó lại nhận được sự đồng tình của các đảng phái đối lập tại Thổ Nhì Kỹ.

Những thành tựu và sự hiện diện quân sự tại nhiều nơi trên thế giới đã giúp cho đảng cầm quyền AK của ông Erdogan cùng với những người theo chủ nghĩa dân túy, duy trì được ưu thế trong các cuộc thăm dò ý kiến cho dù nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tháng trước, tổ chức MetroPoll cho hay, tỷ lệ tán thành cho ông Erdogan đã tăng gần 5%.

"Tất cả những cuộc xung đột bên ngoài đã thúc đẩy nhận định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang bị bao vây," Giám đốc tổ chức tư vấn chính sách tại Istanbul EDAM là Sinan Ulgen nói. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, "về cơ bản chính nền kinh tế sẽ quyết định bối cảnh chính trị".

Nghĩa vụ và ưu tiên

Ankara phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan. Chỉ riêng trong nửa đầu năm 2020, khối lượng khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ mua của Azerbaijan đã tăng lên 23%. Điều đó chắc chắn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc quyết định lập trường của Ankara về Nagorno-Karabakh.

Cũng trong năm 2020, ngân sách quốc phòng của Thổ đã tăng thêm 16% lên 7 tỷ USD – chiếm 5% tổng ngân sách quốc gia. Chỉ trong một thập kỷ, ngân sách quốc phòng của nước này đã tăng chóng mặt gần 90%.

Tuy vậy, theo một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, các chiến dịch vượt biên giới có sự tham gia của Thổ tại Syria, Iraq và Libya là một ưu tiên của ông Erdogan. "Cho dù đại dịch hay ngân sách bị thu hẹp cũng đều không phải là trở ngại đối với chi tiêu quân sự", quan chức tiết lộ. "Nó [chi tiêu quân sự] không phải là một ưu tiên mà là một nghĩa vụ. Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trên chiến trường cùng Mỹ và Nga. Chúng tôi không thể nghĩ hoặc hành động nhỏ bé".

Việc Mỹ giảm hiện diện trong khu vực đã để lại một khoảng trống mà cả Ankara và Moscow đều muốn lấp đầy. Họ từng tìm cách thông qua các biện pháp ngoại giao để giúp kiểm chế xung đột tại tỉnh Idlib của Syria và tại Libya – hai cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà Thổ và Nga ở hai phía đối lập.

Ankara kiên quyết phủ nhận cáo buộc đã gửi quân lính từ Syria tới Nagorno-Karabakh để hỗ trợ Azerbaijan.

Hợp tác thân thiết Thổ và Nga trong nhiều lĩnh vực có nghĩa là "không phải lo ngại về khả năng bị kéo vào một cuộc xung đột với Nga", quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ