(Tổ Quốc) - Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) đang tổ chức một hội nghị kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày 4/4 về kế hoạch nhân đạo cũng như tương lai của Syria.
EU, cùng với Đức, Kuwait, Na Uy, Qatar, Anh và Liên Hợp Quốc sẽ đồng chủ tọa "Hội nghị Brussels về hỗ trợ tương lai của Syria và khu vực".
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Federica Mogherini đã công bố thông tin về cuộc họp trên sau hội nghị của các nhà tài trợ vào tháng 2/2016 tại London, đã thu được khoảng 11 tỷ USD cho các chương trình viện trợ nhân đạo tại Syria.
Hội nghị này bắt đầu vào thứ ba với một loạt các hội thảo, tiếp theo là một phiên chính thức vào ngày 5/4 để xem xét tiến độ của các cam kết tại London và xem xét những biện pháp bổ sung có thể được thực hiện.
Hội nghị của các nhà tài trợ vào tháng 2/2016 tại London. (Nguồn: UN) |
Nhu cầu viện trợ gia tăng
Với hàng triệu người Syria phải đi tị nạn, LHQ đang kêu gọi 8 tỷ USD viện trợ trong năm nay từ các quốc gia vùng Vịnh cũng như các nhà tài trợ truyền thống EU.
Tại hội nghị London, EU đã cam kết hỗ trợ 1,2 tỷ euro cho hoạt động viện trợ tại Syria năm 2017. Các chính phủ khác sẽ chịu áp lực để thực hiện tốt các cam kết của họ với mức tăng 11 tỷ USD trong vòng 4 năm tới.
Tuy nhiên, sự kiện này diễn ra trước khi Nga bắt đầu hỗ trợ chính quyền Syria và tập trung không kích vào Aleppo năm 2016, phá hủy các bệnh viện, nhà cửa và trường học và làm trầm trọng thêm nhu cầu nhân đạo của 13,5 triệu người ở Syria.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, Syria sẽ cần từ 10,7 tỷ USD - 17,1 tỷ USD để phục hồi hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong khi số tiền thực tế còn phụ thuộc vào diễn biến cuộc xung đột.
FAO cũng ước tính rằng cuộc chiến này đã gây thiệt hại hơn 16 nghìn tỷ USD do mất mùa và thiệt hại trong hoạt động chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2011, FAO đã hỗ trợ cho khoảng 2,4 triệu người Syria ở vùng nông thôn và ở ngoại ô các thành phố bao gồm Aleppo, Homs và Damascus.
Về phía EU, thông báo tại một sự kiện từ tháng trước, bà Mogherini cho biết EU có thể hỗ trợ về mặt an ninh, kiểm soát và theo dõi lệnh ngừng bắn cho tới điểm cuối cũng như tái thiết các cơ sở hạ tầng thiết yếu như nước, y tế và giáo dục.
EU ước tính khoảng 13,5 triệu người Syria cần được hỗ trợ nhân đạo ngay tại nước này, trong khi 5 triệu người khác đã phải đi tị nạn, đông đảo nhất là tập trung ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng khác.
Lo ngại về tiến trình hòa bình Syria
Hội đồng châu Âu cho biết trên trang web chính thức rằng các thành viên tham gia hội nghị lần này "sẽ xem xét triển vọng hỗ trợ hậu thỏa thuận (hòa bình Syria) sau khi tiến trình chuyển đổi chính trị thực sự đã được tiến hành".
Bà Mogherini cũng cho biết, hội nghị ở Brussels sẽ tập trung vào các nỗ lực cứu trợ trong khi thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp chính trị cho một cuộc chiến đã khiến khoảng 320 nghìn người thiệt mạng.
EU muốn hợp tác với các nhà hoạt động khu vực và cộng đồng quốc tế để "ủng hộ tiến trình chính trị này. Chúng tôi ở đó để giúp đỡ người dân Syria", bà nói.
EU dự kiến Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng Staffan de Mistura, đặc phái viên LHQ về Syria - người đang là bên trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình của Syria sẽ góp mặt tại cuộc họp này.
Ông De Mistura đã thông báo về "tiến bộ gia tăng" tại các cuộc thảo luận gần đây nhất vào thứ Sáu tại Geneva và cho biết ông dự kiến sẽ công bố thời điểm của vòng đàm phán tiếp theo trong tuần này.
Tuy nhiên, những lo ngại về tiến trình hòa bình cũng như điểm kết cuối cùng cho cuộc xung đột 6 năm qua tại Syria cũng đang dấy lên nhiều quan ngại.
Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nói với các phóng viên tại một cuộc họp với các đối tác của ông hôm thứ Hai tại Luxembourg để chuẩn bị cho cuộc họp rằng "Rõ ràng châu Âu không chỉ đơn giản là trả tiền cho quá trình tái thiết mà không đòi hỏi một giải pháp chính trị ở Syria."
Sự hỗ trợ của Mỹ và Nga đối với tiến trình hòa bình Syria tại Geneva cũng đã suy yếu. Mỹ và Nga ban đầu ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva, nhưng Moscow hiện đang bảo trợ cho các cuộc đàm phán riêng về Syria với các cường quốc khu vực Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị cũng được kì vọng do đây là nơi có số người tị nạn Syria lớn nhất, khoảng 2,5 triệu người, và nước này cũng là một trong những “ông lớn” khu vực muốn ông Assad ra đi thì bà Mogherini ngày 3/4 cho biết Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã không trả lời lời mời, mặc dù các đối tác của ông là Jordan và Lebanon sẽ tham dự.
Về phía Mỹ, Washington trước đây đã kiên trì với kế hoạch hòa bình do LHQ hậu thuẫn – bao gồm điều kiện có thể buộc Assad "chuyển giao" chức vụ khi chính phủ lâm thời được hình thành, tuy nhiên, Washington dường như đã từ bỏ kế hoạch này trong tuần trước.
Những tuyên bố của chính quyền Trump tuần trước báo hiệu rằng họ sẽ không còn tập trung vào việc loại bỏ Assad và thay vào đó tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố rộng lớn hơn, bao gồm cả nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mỹ và Nga dự kiến sẽ được đại diện bởi các quan chức cấp dưới hoặc các nhà ngoại giao, không phải bộ trưởng. Một nguồn tin ngoại giao của EU cho biết vấn đề trên có thể sẽ "được thảo luận mạnh mẽ bên lề hội nghị".
Có thể thấy sự chia rẽ giữa các “ông lớn” liên quan trong cuộc xung đột Syria chưa thể tạo nên đột phá về một giải pháp hòa bình. Đồng thời, tiến trình tìm kiếm sự hỗ trợ nhân đạo, với nhu cầu đang ngày càng gia tăng có thể cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
(Nguồn: AFP, Reuters)