• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xung đột Trung Đông: Ván bài quyền lực tiếp theo của Nga tại Yemen?

Thế giới 15/11/2017 15:37

(Tổ Quốc) - Moscow có thể là một nhà hòa giải có hiệu quả trong cuộc xung đột Yemen.  

Cuộc xung đột ở Yemen là nơi hợp lưu độc đáo những đặc điểm có lợi cho sự can thiệp ngoại giao của Nga, và mang tới cho ông Vladimir Putin một cơ hội chi phí thấp để làm nổi bật vai trò thúc đẩy của Moscow ở Trung Đông.

Tận dụng diễn biến từ chính trường Saudi

Các nhà hoạch định chính sách Nga coi Yemen là một “điểm đến” hấp dẫn cho một sự can thiệp ngoại giao, bởi vì họ tin rằng Saudi Arabia sẵn sàng chấm dứt xung đột ở Yemen nếu nước này nhận được  các điều khoản chấp nhận được.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định đánh giá này trong chuyến thăm gần đây của ông tới Moscow. Trả lời câu hỏi của các phóng viên Nga, al-Jubeir nhấn mạnh rằng Saudi Arabia muốn có một giải pháp ngoại giao tại Yemen – điều yêu cầu tất cả các bên tham gia chiến tranh tuân thủ Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an LHQ - một nghị quyết được đưa ra tháng 4/ 2015 kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen.

Việc gia tăng tư tưởng chống chiến tranh trong nội bộ chính trường Saudi có thể được giải thích bằng những diễn biến đang xấu đi trên thực địa tại Yemen. Sự thiếu vắng một chiến thắng lớn chiến lược của Saudi tại Yemen kể từ vụ chiếm giữ Aden năm 2015 đã khiến các nhà hoạch định chính sách Saudi nghĩ rằng cuộc xung đột ở Yemen hiện rơi vào bế tắc khó giải quyết.

Để đạt được một thỏa thuận chính trị lâu dài ở Yemen, Riyadh sẽ cần phải phối hợp với một nhà trung gian quyền lực lớn bên ngoài. Và vai trò trở thành bên trung gian này tạo cơ hội tuyệt vời cho Nga thể hiện sức mạnh ngoại giao bằng cách thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột Yemen.

Vị thế quân sự và ngoại giao của Nga tại Trung Đông đang được chứng minh qua cuộc xung đột Syria.

Vai trò cân bằng của Nga tại Yemen

Việc Nga đảm nhận vai trò trung gian hàng đầu tại Yemen dựa trên hai lợi thế khác biệt. Thứ nhất, kể từ khi diễn ra sự can thiệp quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu vào Yemen tháng 3/ 2015, Nga đã duy trì mối quan hệ hợp tác với tất cả các bên chính trị lớn ở Yemen. Ngay từ thời điểm đầu tiên, Moscow đã tuyên bố ủng hộ một nghị quyết hòa bình cho cuộc nội chiến ở Yemen. Vào tháng 4/2015, Nga lên án cuộc không kích của Saudi Arabia tại Yemen và bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc nhằm vào các bên liên quan.

Mặc dù sự can thiệp quân sự của Saudi ở Yemen đã chuyển sang một cuộc xung đột kéo dài, Nga vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo ở cả hai phía. Để chứng minh cam kết của mình đối với cuộc đối thoại ngoại giao toàn diện, Nga duy trì một đại sứ quán tại thủ đô Sana'a - nơi Houthi kiểm soát và một lãnh sự quán tại Aden, thủ phủ của chính phủ Abdul Rabu Mansur Hadi được Saudi hỗ trợ. Thông qua các kênh ngoại giao này, Moscow đã tham khảo được ý kiến các phe đối lập nhau về các biện pháp chống khủng bố và tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức về việc giải quyết các xung đột ở Yemen.

Cả hai phe chính trị lớn ở Yemen cũng ghi nhận những sự can thiệp tích cực của Nga đối với họ. Tháng 7, Moscow hoan nghênh việc bổ nhiệm nhà ngoại giao thân cận với Saudi là Ahmed al-Wahishi làm đại sứ Yemen tại Nga. Vào ngày 25/ 9, Nga đã hỗ trợ chính phủ của Hadi giải quyết tiến trình trả lương cho các quan chức chính phủ Yemen.

Mặt khác, để xoa dịu lực lượng Shiite ở Yemen, Moscow đã bác bỏ những lời chỉ trích của LHQ về việc Houthi gây hấn với Saudi Arabia, và đã gửi viện trợ nhân đạo cho các khu vực tại Yemen bị tàn phá bởi các cuộc không kích của Saudi. Cách tiếp cận cân bằng này đối với xung đột Yemen đã tăng cường mối quan hệ của Nga với các phe nhóm chính trị Yemen và đảm bảo rằng Nga có thể là một trung gian hòa giải có hiệu quả trong cuộc xung đột này.

Lịch sử Liên xô thúc đẩy ổn định Yemen

Thứ hai, Nga có một lịch sử lâu dài về việc thúc đẩy ổn định chính trị ở Yemen, từ thời kỳ xung đột trong nội bộ nhà nước. Năm 1986, một cuộc nội chiến giữa các phe phái Marxist đối lập đã nổ ra tại nước cộng hòa Nam Yemen có liên minh với Liên Xô. Lúc này, Liên bang Xô viết đã giúp ổn định Yemen thông qua việc giới hạn hỗ trợ quân sự và tăng cam kết hỗ trợ kinh tế. Liên Xô cũng đã có ảnh hưởng sâu sắc tới các cuộc đàm phán ngoại giao dẫn tới việc thống nhất đất nước Yemen vào năm 1990.

Lịch sử ảnh hưởng sâu sắc về sự hỗ trợ ngoại giao thành công của Liên Xô ở Yemen làm tăng thêm uy tín của Nga như là một trọng tài trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Alexander Kuznetsov, một chuyên gia hàng đầu về quan hệ Nga - Trung Đông tại MGIMO, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng quân đội Yemen đánh giá Nga rất cao, khi Moscow từng hỗ trợ cho lực lượng vũ trang của Nam Yemen trong Chiến tranh Lạnh.

Kinh nghiệm tích cực của cựu Tổng thống Saleh khi đàm phán với Moscow về thống nhất Yemen cũng giúp giải thích thái độ thân Nga của ông trong cuộc khủng hoảng Yemen hiện nay. Tháng 8/2016, Saleh chính thức yêu cầu Nga trợ giúp để chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen và cho phép Nga tiếp cận hoàn toàn các cơ sở quân sự của Yemen.

Đột phá quân sự Nga tại biển Đỏ

Một sự can thiệp ngoại giao thành công của Nga tại Yemen cũng có nhiều ý nghĩa tích cực cho chương trình nghị sự địa chính trị của Moscow ở Trung Đông. Từ quan điểm chiến thuật ngắn hạn, việc chấm dứt xung đột ở Yemen tạo cơ hội cho Nga tự thể hiện mình như là một cường quốc quân sự lớn ở biển Đỏ.

Kể từ năm 2009, các quan chức quân đội Nga đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thiết lập một căn cứ hải quân Nga trên đất Yemen. Căn cứ hải quân này sẽ làm tăng khả năng tiếp cận của Nga tới các tuyến đường biển và làm cho Moscow có chỗ đứng vững chắc trong eo biển Bab el-Mandeb - quan trọng về chiến lược liên kết Biển Đỏ với Vịnh Aden.

Đề xuất xây dựng cơ sở quân sự của Moscow gần như chắc chắn sẽ nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của các chính trị gia địa phương cũng như lực lượng Houthi chống Mỹ - hiện đang kiểm soát hầu hết các thành phố ven Biển Đỏ của Yemen.

Trong khi Hoa Kỳ có ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động thương mại đi qua eo biển Bab el-Mandeb, còn Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hậu cần phục vụ hải quân tại Djibouti, việc thành lập cơ sở quân sự của Nga tại Yemen sẽ gia tăng vị thế của nước này như một siêu cường tại bán đảo Arap - giống như Washington và Bắc Kinh. Sự công nhận quốc tế về ảnh hưởng của Nga tại bán đảo Ả-rập sẽ tăng cường nhận thức về ảnh hưởng ngoại giao của Moscow ở Trung Đông và thúc đẩy các tham vọng của Nga trong việc xây dựng một hệ thống an ninh tập thể khu vực.

Uy tín và vị thế Nga trong thế giới Arab

Từ quan điểm chiến lược dài hạn, một sự can thiệp ngoại giao thành công của Nga tại Yemen sẽ tăng thêm uy tín cho những đề xuất trở thành trung gian hòa giải của Nga trong tương lai. Mặc dù danh tiếng của Nga như là một trọng tài ở Trung Đông đã được cải thiện đều đặn kể từ thỏa thuận lịch sử năm 2013 giữa Moscow với Washington để  phá hủy các kho vũ khí hoá học của Syria, nhưng các nhà chỉ trích Điện Kremlin trong thế giới Ả Rập đã lập luận rằng Moscow sử dụng những đề nghị hòa giải để thúc đẩy lợi ích địa chính trị của mình .

Trong tương lai, nếu Nga hoạt động như một nhà hòa giải công bằng và có hiệu quả ở Yemen, ông Putin sẽ có thể đáp trả lại những lời chỉ trích trên và gia tăng được uy tín về Nga như một trọng tài giải quyết xung đột trong thế giới Ảrập. Trong bối cảnh Moscow đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trở thành trung gian cho cuộc khủng hoảng chính trị Libya, căng thẳng Saudi – Qatar, xung đột Saudi – Iran, thì sự can thiệp ngoại giao thành công ở Yemen sẽ thúc đẩy mục tiêu của Moscow là trở thành một cường quốc không thể thiếu tại Trung Đông.

Các nhà hoạch định chính sách Nga cũng tin rằng việc tăng cường kết nối ngoại giao của Moscow ở Yemen sẽ giúp Nga cải thiện hình ảnh của mình trong thế giới Ả Rập. Như cựu đại sứ Nga tại Yemen Veniamin Popov cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây, sự thúc đẩy của Moscow đối với đối thoại ngoại giao giữa các nhóm xung đột tại Yemen và cung cấp viện trợ nhân đạo cho thường dân Yemen sẽ thúc đẩy các quan điểm thân Nga ở Trung Đông.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách phương Tây chủ yếu chú ý một số nơi tiềm năng khác đối với vai trò trọng tài ngoại giao Nga, việc xem xét kỹ hơn các yếu tố địa chính trị ở Trung Đông cho thấy Yemen là nơi tối ưu cho hoạt động này.

Nếu Moscow mở rộng sự hiện diện ngoại giao của mình tại Yemen và tiến tới chấm dứt bế tắc quân sự dường như đang không thể cứu vãn, vai trò của Nga như một nhà trung gian quyền lực không thể thiếu ở Trung Đông sẽ được giữ vững trong nhiều năm tới.

(Theo NI)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ