• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ý nghĩa nhân văn của ngày Rằm Tháng 7- Tết Pây Tái của người Tày, Nùng Cao Bằng

Văn hoá 30/08/2023 11:13

(Tổ Quốc) - Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 là một trong ba cái Tết quan trọng và lớn nhất của năm. Người dân nơi đây quan niệm rằng, rằm tháng 7 không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, bên cạnh đó là ý nghĩa lịch sử sâu sắc tưởng nhớ người anh hùng của cộng đồng dân tộc Tày Nùng.

Ý nghĩa lịch sử sâu sắc

Tháng 7 âm lịch là dấu mốc quan trọng trong quá trình sản xuất suốt một năm của cộng đồng người Tày-Nùng. Thời điểm này, bà con vừa thu hoạch xong vụ lúa chiêm, vụ ngô và cấy xong vụ mùa. Việc lao động sản xuất cũng thảnh thơi hơn, người dân địa phương chỉ cần làm cỏ, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch.

Ý nghĩa nhân văn của ngày Rằm Tháng 7- Tết Pây Tái của người Tày, Nùng Cao Bằng - Ảnh 1.

Péng tái (Pẻng tải)- Bánh đưa đường- món không thể thiếu trong ngày rằm tháng 7 của người Tày- Nùng

Bởi vậy, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi để mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó, rằm tháng Bảy còn là dịp để bà con tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao - một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ 11.

Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý giao quyền cai quản, bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống từ phương Bắc. Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng ngày nay, nhiều quân binh cùng Nùng Trí Cao tử trận. Nhân dân thương tiếc, lấy ngày 14.7 làm ngày giỗ của quân binh. Trong ngày này, người dân thường làm "péng tái" hay còn gọi là bánh gai để cúng vong hồn binh sỹ.

"Péng tái" (Pẻng tải) dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.

Với người Tày- Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 cũng là dịp để những cô gái đã lấy chồng về thăm cha mẹ, gia đình. Ngày lễ này còn được gọi là Tết "Pây Tái", con gái và con rể đem lễ về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo, chục bánh gai, chai rượu,,, để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Lan tỏa ý nghĩa nhân văn

Cùng với Tết Nguyên đán, Lễ Tảo mộ (3.3 âm lịch), Tết Pây Tái là ba lễ hội lớn nhất trong năm của người Tày-Nùng.

Gọi dịp này là Tết vì ngay từ ngày 10.7 âm lịch thì nhiều gia đình đã tổ chức gói bánh gai, ăn uống linh đình đến hết ngày 15.7 âm lịch.

Dịp này tất cả những người công tác hay sinh sống ở xa có điều kiện sẽ đều trở về quê hương để ăn Tết. Các cơ quan công sở cũng nghỉ 1 ngày.

Ý nghĩa nhân văn của ngày Rằm Tháng 7- Tết Pây Tái của người Tày, Nùng Cao Bằng - Ảnh 2.

Ngày Tết Pây tái không thể thiếu thịt vịt. Con gái và con rể về lễ nhà mẹ phải có đôi vịt

Vợ chồng anh Triệu Ngọc Thành đang làm việc tại Khu công nghiệp ở Bắc Ninh xin nghỉ phép để về quê (Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng) ăn Tết Pây Tái. Anh Thành cho biết, hai vợ chồng đi làm việc ở xa, mỗi năm chỉ về nhà được vài lần. Hai vợ chồng tranh thủ sắp xếp công việc để có thể nghỉ phép vào đúng dịp lễ rằm tháng 7. Anh cho biết, bố anh đã mất, hiện chỉ còn mẹ, vợ chồng anh gửi con gái nhờ bà chăm sóc. Nên năm nào cũng vậy, cứ ngày 12 hoặc 13 âm lịch là hai vợ chồng lại lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ đạc để về nhà mình. Rồi lại không thể thiếu một đôi vịt để cả nhà về quê vợ ở huyện Trùng Khánh. Đây là tục lệ của người Tày – Nùng gọi là “Pây tái” (theo tiếng Tày), hay còn gọi là tục thăm và tặng quà cho bố mẹ vợ.

Anh Thành cho biết với bản thân mình hay bất cứ người đàn ông nào khác, hoặc người đã lấy vợ là người Tày – Nùng đều cho rằng đây là dịp lễ các anh phải thực hiện đầy đủ, chu đáo.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Lợi – người có nhiều năm nghiên cứu về phong tục, tập quán của người dân tộc vùng cao, trong đo có người Tày – Nùng, lễ vu lan là một dịp lễ truyền thống lâu đời của người Việt nói chung. Nhưng với riêng người Tày – Nùng thì nó đặc biệt quan trọng bởi theo quan niệm của họ thì đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, với tổ tiên, với những người đã mất. Nhất là tục lệ “Pây tái” là không thể thiếu, để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái của bố mẹ vợ giờ là vợ của mình. Dịp lễ cũng là dịp, là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau.

Ý nghĩa nhân văn của ngày Rằm Tháng 7- Tết Pây Tái của người Tày, Nùng Cao Bằng - Ảnh 3.

Pây tái- nét đẹp văn hóa của người Tày- Nùng

Dịp lễ này người Tày – Nùng không thể thiếu món ăn từ thịt vịt, rồi lễ là một đôi vịt. Nhà nghiên cứu Văn Lợi giải thích, từ ngàn xưa văn hóa người Việt là văn hóa lúa nước, tháng 7 âm lịch chính là thời gian người dân thu hoạch xong mùa vụ như là: lúa, ngô, đậu tương và nhiều loại lương thực hoa quả khác. Con vịt cũng vậy, từ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch khi thời tiết ấm lên thì người dân bắt đầu nuôi gà, vịt và các loại gia cầm khác. Đến tháng 7 âm lịch, chỉ có vịt mới trưởng thành, tức chéo cánh là thời điểm thịt vịt ăn ngon nhất. Vì vậy từ ngàn xưa vịt trở thành món ăn truyền thống, thành con vật làm lễ của người dân. Trong đó người Tày – Nùng vẫn luôn duy trì đến ngày hôm nay.

Với ý nghĩa tốt đẹp đó, rằm tháng 7 trở thành dịp lễ quan trọng nhất của người dân tộc Tày – Nùng, một nét đẹp văn hóa truyền thống đáng quý đang được cộng đồng 2 dân tộc này giữ gìn và phát huy.

“Pây tái” giờ đã trở thành văn hóa, bản sắc với không chỉ với người dân tộc Tày – Nùng ở Cao Bằng mà còn là ngày tết chung của nhân dân các tỉnh vùng cao phía Bắc như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang..../.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ