(Tổ Quốc)- Đào tạo trong lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch luôn giành được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Giai đoạn 2012-2017 là một giai đoạn mang tính bước ngoặt trong việc tuyển sinh, đào tạo của ngành.
Hàng chục nghìn học sinh, sinh viên, học viên các ngành VHNT, TDTT và Du lịch được đào tạo
Trong hệ thống 356 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo, bồi dưỡng, trung tâm huấn luyện trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch của cả nước, có 107 cơ sở đào tạo VHNT, 57 cơ sở đào tạo TDTT, 192 cơ sở đào tạo du lịch, cùng đó có khoảng 1.000 trung tâm dạy nghề, câu lạc bộ… Các đơn vị đào tạo thuộc Bộ giữ một vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thuộc ngành.
Học sinh trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giành giải trong Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ IV 2018 (ảnh tư liệu)
Có thể nói, với 72 trường, 3 viện nghiên cứu, 4 trung tâm huấn luyện và 1 trường bồi dưỡng cán bộ quản lý đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên biệt lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, trong đó 34 cơ sở đào tạo là những đơn vị đào tạo chính, đã góp phần đào tạo hàng chục nghìn học sinh, sinh viên cho ngành.
Các cơ sở đào tạo với trên 125 ngành/nghề, trong đó hơn 300 chuyên ngành đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học (VHNT: 66 ngành, 152 chuyên ngành; TDTT: 4 ngành, 35 chuyên ngành; Du lịch: 55 ngành, 123 nghề) về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc làm, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. Đặc biệt, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều ngành nghề đào tạo nghệ thuật truyền thống đặc thù vẫn được các cơ sở đào tạo chú trọng tuyển sinh, góp phần bảo tồn, giữ gìn VHNT truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhiều CSĐT cũng đã chú trọng việc phát hiện năng khiếu, tài năng trẻ thông qua việc tổ chức các cuộc thi, giải thi đấu, liên hoan… tại địa phương, để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng này trở thành lực lượng chính trong lĩnh vực VHNT đặc biệt là các ngành nghệ thuật truyền thống và TDTT tương lai.
Với một hệ thống cơ sở đào tạo như vậy, trong thời gian qua, quy mô tuyển sinh, đào tạo của một số CSĐT tăng trung bình từ 5-10%, tập trung chủ yếu ở các CSĐT du lịch. Còn khối VHNT và TDTT còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, vì thế quy mô tuyển sinh của khối đào tạo này giảm trong thời gian qua.
Tuyển sinh và đào tạo những ngành nghệ thuật truyền thống cũng đang từng bước khắc phục khó khăn, góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc (ảnh tư liệu)
Thống kê sơ bộ số lượng tuyển sinh các khối trong thời gian qua, đứng đầu là Khối Du lịch với chỉ tiêu xác định là 67.825, số trúng tuyển là 73.908 em, số nhập học là 59.626 em; tiếp đó là khối TDTT với chỉ tiêu xác định: 17.460, số trúng tuyển: 14.549, số nhập học:12.339; Và Khối VHNT, chỉ tiêu xác định: 14.475, số trúng tuyển: 11.803, số nhập học: 8.283 em.
Nhiều CSĐT đã triển khai tốt công tác tuyên truyền thông tin tuyển sinh, thực hiện qua các kênh thông tin để thông tin tuyển sinh của CSĐT tới được các đối tượng được đầy đủ, kịp thời. Cùng đó, nhiều CSĐT đã thiết lập được các quan hệ với các doanh nghiệp trong ngành thực hiện mô hình tuyển sinh, đào tạo 'kép' như trong CSĐT lĩnh vực du lịch đã xây dựng và thực hiện đề án phối hợp với doanh nghiệp để triển khai đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham gia đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, học viên ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
PV
Trong thời gian này, đã có hàng nghìn sinh viên, học viên được đào tạo ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Tính riêng năm 2017, các CSĐT đã tuyển sinh được 26.343 em và có 10.268 em đã tốt nghiệp. Đáng chú ý là với 12 CSĐT trực thuộc Bộ đào tạo sau đại học, Khối VHNT có 14 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 8 ngành đào tạo tiến sĩ; khối TDTT có 2 ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; khối du lịch có 5 CSĐT đã triển khai đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ qua đào tạo tại các CSĐT này lên tới hàng nghìn người.
Kết quả đào tạo của các CSĐT trong thời gian qua cũng có những dấu hiệu khả quan, khi nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo, đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong đó có những CSĐT có gần 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm ngay. Trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế, các liên hoan chuyên nghiệp, các kỳ thi tay nghề quốc gia, quốc tế… đã xuất hiện các học sinh, sinh viên của các CSĐT trực thuộc Bộ, nhiều sinh viên đã đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi này.
Các hoạt động gắn kết lý thuyết với thực tiễn được các trường triển khai thường xuyên- Sinh viên Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa TP.HCM trong chuyến đi thực tế đầu năm học (ảnh: Minh Hằng/HCMUC)
Công tác đào tạo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận
Thể hiện ở số cơ sở đào tạo ngày càng phát triển, phân bổ đều khắp ở cả ba khu vực lớn của cả nước và phân bố khá hợp lý theo vùng miền, cơ cấu ngành nghề đào tạo. Trình độ của đội ngũ giáo viên, giảng viên các ngành VHNT, TDTT, và du lịch được bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tỷ lệ đào tạo sau đại học tăng dần. Thêm vào đó, các chương trình, giáo trình giảng dạy đang từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đào tạo thực tế, đồng thời thống nhất trên cả nước.
Học sinh, sinh viên các trường VHNT, TDTT và du lịch sau khi tốt nghiệp ra trường phần lớn phát huy được khả năng làm việc tại lĩnh vực công tác; học sinh, sinh viên năng khiếu tự khẳng định mình trong quá trình học tập, giao tiếp, bộc lộ tư chất và phát huy khả năng. Thêm vào đó, đội ngũ học viên đào tạo sau đại học cũng phát huy tốt những kiến thức đã được học, nhiều người đang đứng trong đội ngũ các chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý tại các CSĐT với trình độ chuyên môn và hiệu quả công tác cao.
Trong xu thế phát triển chung, các CSĐT đều đang xây dựng kế hoạch tự chủ về tài chính, đáp ứng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề đào tạo trong trường. Cùng đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn kết với đào tạo. Trước những thay đổi của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các học sinh sinh viên, giáo viên, giảng viên tại các CSĐT đã ứng dụng các thành tựu này vào công tác học tập và giảng dạy, kết quả đạt được không ngừng được nâng cao.
Có được những kết quả này một phần cũng là do các CSĐT đã thực sự chủ động, nỗ lực cố gắng trong sự nghiệp đào tạo. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý, cơ quan ban ngành, chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, văn hóa - xã hội… đã tạo điều kiện cho sự nghiệp đào tạo VHNT, TDTT và du lịch phát triển; tăng quy mô, đa dạng, phong phú về loại hình, ngành nghề đào tạo, hệ thống các trường được mở rộng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư của xã hội tham gia vào sự nghiệp đào tạo của ngành, đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng cao trong xã hội.