• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỗi người trẻ hãy dành một phần trong trái tim cho gia đình

Văn hoá 26/06/2018 10:52

(Tổ Quốc) - Gia đình là những tế bào nhỏ của xã hội. Bấy lâu nay mọi người vẫn quan niệm mình thuộc về một xã hội nào đó, một thế hệ nào đó nhưng dường như khái niệm mình thuộc về một gia đình nhỏ đang dần bị quên lãng trong xã hội hiện đại, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bảo Nam, một thanh niên sinh vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ XX nói rằng, đối với anh sự nghiệp và công việc luôn phải đặt lên vị trí đầu tiên. Khi nhắc đến gia đình nhỏ gồm người vợ trẻ kém anh 7 tuổi và cậu con trai sắp tròn 3 tuổi, Nam cho biết vẫn dành thời gian cho họ nhưng đó chỉ là một buổi tối chủ nhật cuối tuần, và cả nhà sẽ sắp lịch bên nhau để đi chơi, ăn uống, tụ tập bạn bè chứ để cùng nhau ăn những bữa cơm tối ở nhà hay dành những ngày cuối tuần bên nhau thì cả hai bố mẹ trẻ sẽ… không biết làm gì ngoài việc chơi cùng chiếc smart phone.

Đó là cuộc sống hàng ngày của một gia đình trẻ. Có thể nói xã hội hiện đại đã kéo theo những thay đổi quan niệm, lối sống và suy nghĩ của những người trẻ, đặc biệt là những người sống ở những đô thị phát triển như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Dường như họ hướng đến bên ngoài, hướng đến cộng đồng nhiều hơn là đến “gia đình” mình. Cũng là Bảo Nam cho hay, thời gian cậu dành để đến thăm hỏi bố mẹ bên nội, bên ngoại mình giờ chỉ vào những dịp lễ tết lớn trong năm, còn bình thường thì thỉnh thoảng, khi ông bà gọi để cho cháu đến chơi thì anh chị mới thu xếp…

Thế nhưng với những người ở vào độ tuổi chín chắn, những người đã thành đạt hoặc đã phải trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, thì gia đình luôn là hai tiếng thiêng liêng!

Gia đình là nơi tiếp thêm sức mạnh để sống và làm việc

Khi được hỏi về quan niệm gia đình và hai tiếng “Gia đình” có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hàng ngày. Dược sĩ Trần Thanh Cảnh, ông chủ gia đình lớn với hai cháu ngoại xinh xắn cho hay: với ông, Gia đình là nơi để mình đi về mỗi ngày và là nơi mà mỗi khi đi xa thì luôn muốn trở về thật nhanh! Cuộc đời con người sẽ có rất, rất nhiều những chuyến đi xa. Nhưng thật bất hạnh nếu con người ta không có một chỗ để đi về. Hồi trẻ ta có thể đi suốt tháng, suốt năm... thế nhưng rồi có lúc chợt nhớ đến gia đình mình: Nơi có bố mẹ đang chờ, nơi có anh chị em mình đang đợi. Và mình muốn trở về đó, ăn một bữa cơm với mẹ, nói vài câu chuyện với bố, với anh em, rồi mai lại lên đường tràn trề sinh lực, như vừa được tiếp nguồn năng lượng. Khi trưởng thành, chúng ta lập gia đình riêng. Có người do công việc đặc thù thường xuyên phải đi xa. Có người thỉnh thoảng mới xa nhà vài hôm. Nhưng tất thảy đều phải mong muốn trở về gia đình nhỏ thân thuộc của mình. Ai mà ra đi không còn muốn trở về, ấy là khi cái gia đình ấy đang đứng bên bờ vực thẳm của tan vỡ!

Gia đình có ý nghĩa thiêng liêng cao cả và cả những gì thuộc về đời sống vật chất bình thường. Gia đình cực kỳ quan trọng bởi đó là nơi mang lại sức mạnh tinh thần cho mình sau những bon chen vất vả trên đường đời. Là nơi mỗi khi mình có thể bị thất bại, bị tổn thương, suy sụp nghị lực... trở về nhà, nghe tiếng con bi bô ríu rít, nhìn vào những đôi mắt trong veo của chúng thì hình như mình lại có sức mạnh để làm việc, để sống. Gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Là động lực tinh thần quan trọng nhất để giúp mình sống và làm việc và cũng là nơi khởi nguồn năng lượng để sáng tạo, thành công, cũng là nơi che chở chấp nhận mọi thất bại lỗi lầm mà chả may mình vấp phải.

Gia đình là tất cả niềm vui, nỗi buồn, kỷ niệm, ước mơ

Trưởng thành ở một đô thị sôi động nhất nhì Việt Nam, từng lang thang phiêu bạt nhiều nơi, công việc thay đổi khá nhiều với cuộc sống phải chịu khá nhiều áp lực, nhưng chỗ nào cũng có gia đình bên cạnh và đó là “nơi cuộc sống bắt đầu” như quan niệm của chị Trần Hạnh Nhân, hiện đang làm BTV một tờ báo điện tử lớn. Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu (nơi bạn được sinh ra) và tình yêu không bao giờ kết thúc (nơi cha mẹ luôn yêu con cái vô điều kiện). Với đa số người phụ nữ Việt nói riêng và phụ nữ Á Đông nói chung, gia đình dường như là tất cả với họ. Không như đàn ông, hay phụ nữ phương Tây gia đình chỉ là một phần cuộc sống của họ, ngoài ra còn có bạn bè, công việc, sở thích cá nhân...

Đơn giản, với chị, gia đình là mùi vị bữa ăn mẹ nấu, nỗi buồn trận đòn bố đánh vì mải chơi không chịu học, là niềm vui thấy tiếng cười của con, là hạnh phúc vì sự sẻ chia, quan tâm của người bạn đời... Tức là gia đình là tất cả niềm vui, nỗi buồn, kỷ niệm, ước mơ... Gia đình là nơi mình nghĩ đến đầu tiên mỗi khi gặp khó khăn cần nơi trú ngụ, cũng là nơi mình muốn chia sẻ đầu tiên niềm vui thành công...

Gia đình: nơi giúp mình nhận ra những hạn chế để hoàn thiện mình

Bùi Việt Phương, một nhà báo cũng vô cùng bận rộn với công việc tòa soạn, thì lại có những quan niệm khác. Với anh, gia đình là một điểm tựa tinh thần rất lớn. Ở đó, không có sự quy định về trách nhiệm cho từng vị trí, vai trò của  mỗi thành viên cụ thể trong gia đình mà chỉ có những thỏa thuận ngầm dựa trên tình cảm và sự trân trọng. Sự trân trọng đó là chất kết dính kì diệu hàn gắn những xung đột, va chạm, giúp từng người vượt qua những trở ngại khác biệt về thói quen, quan điểm sống để hướng đến một mục tiêu chung là hạnh phúc của cả gia đình. Đôi khi, những thỏa thuận ngầm ấy trở thành những nhượng bộ, cưng chiều vượt qua những giới hạn cần thiết nhưng không đáng để lên án hay phê phán. Mặc dù gia đình của anh rất bình thường nhưng với anh lại vô cùng thiêng liêng bởi đó là tấm gương duy nhất để các thành viên trong gia đình có thể soi rọi bản thân mà không cần phải e ngại giữ kẽ như với các mối quan hệ xã hội khác. Chỉ có gia đình mới giúp mọi người trong gia đình anh nhận ra những hạn chế trong ứng xử, cách sống để hoàn thiện mình.

Anh Bùi Việt Phương (bên trái) chụp chung cùng bố, mẹ và các con, cháu (ảnh NVCC)

Trải qua cả một chặng đường dài phát triển, mặc dù xã hội hiện đại khiến cho những quan niệm về gia đình thay đổi đáng kể nhưng dù những quan niệm và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có những thay đổi thì những yếu tố cơ bản để tạo thành một gia đình vẫn là một hằng số bất biến. Nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi của gia đình, soi chiếu cho những hành động, định hình suy nghĩ về tương lai gia đình là việc thế hệ trẻ cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đó cũng là cách để xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, bảo vệ những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ