• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người nước ngoài học tập tại Việt Nam phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam

Giáo dục 08/01/2019 18:17

(Tổ Quốc) - Đây là một trong những quy định trong Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và có hiệu lực từ ngày 08/02/2019.

Quy chế này quy định về quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, bao gồm: điều kiện tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh; quyền lợi và trách nhiệm của lưu học sinh.

Quy chế này áp dụng đối với người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, bao gồm: học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp sư phạm; sinh viên cao đẳng sư phạm, đại học; học viên chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh; học viên chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ; thực tập sinh (gọi chung là lưu học sinh) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư cũng quy định điều kiện tiếp nhận, đào tạo và quản lý lưu học sinh: Điều kiện về học vấn, chuyên môn; Điều kiện về sức khỏe và tuổi; Điều kiện về ngôn ngữ; Các môn học không bắt buộc đối với lưu học sinh; Thời gian học tập và những thay đổi trong quá trình học tập; Kinh phí đào tạo; Cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh và chế độ báo cáo.

Người nước ngoài học tập tại Việt Nam phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính

Trong đó, điều kiện về học vấn, chuyên môn: Lưu học sinh vào học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, Trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Lưu học sinh vào học chương trình trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước gửi lưu học sinh là thành viên đối với ừng cấp học và trình độ đào tạo.

Lưu học sinh vào học các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn đã được thỏa thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo hoặc theo hợp đồng đào tạo đã ký kết.

Lưu học sinh vào thực tập chuyên ngành phải đáp ứng các điều kiện về học vấn và chuyên môn theo yêu cầu của cơ sở giáo dục tiếp nhận thực tập sinh.

Lưu học sinh vào học các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, thể dục thể thao) ngoài những điều kiện quy định tại Quy chế này còn phải đạt các yêu cầu của các kỳ thi hoặc kiểm tra về năng khiếu theo quy định của cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo.

Lưu học sinh phải học bổ sung kiến thức chuyên ngành để đạt yêu cầu được vào học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (nếu cần) do cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo tổ chức thực hiện cho lưu học sinh trong thời gian tối đa là 01 năm học sau khi lưu học sinh đã đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt.

Đặc biệt, về kinh phí đào tạo: Đối với lưu học sinh Hiệp định: Tiêu chuẩn, chế độ, kinh phí đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Lưu học sinh phải kéo dài thời gian học tập để hoàn thành chương trình đào tạo vì lý do chuyển ngành học, thay đổi cơ sở giáo dục, do cá nhân lưu học sinh học tập không đạt yêu cầu nên không đảm bảo tiến độ học tập theo quy định thì trong thời gian kéo dài không được hưởng các tiêu chuẩn, chế độ đang hưởng. Toàn bộ chi phí phát sinh từ việc kéo dài thời gian học tập do phía gửi đào tạo và lưu học sinh tự chi trả, ngoại trừ đối tượng đã được quy định cụ thể trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Lưu học sinh tạm dừng học thì trong thời gian tạm dừng học không được hưởng các tiêu chuẩn, chế độ đang hưởng. Sau thời gian tạm dừng học nếu lưu học sinh đủ điều kiện được cơ sở giáo dục tiếp nhận vào học tiếp thì tiếp tục được hưởng các tiêu chuẩn, chế độ theo quy định. Tổng thời gian được cấp kinh phí không được vượt quá tổng thời gian học tập đã ghi trong Quyết định ban đầu.

Đối với lưu học sinh ngoài Hiệp định: Kinh phí đào tạo thực hiện theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo ký kết giữa tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng với cơ sở giáo dục hoặc cá nhân lưu học sinh với cơ sở giáo dục. Lưu học sinh chịu mọi chi phí phát sinh khác trong quá trình học tập tại Việt Nam.

P.A

NỔI BẬT TRANG CHỦ