• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước: "Vị thế của đất nước, uy tín của Đảng ở một tầm mới"

Thời sự 23/10/2018 20:46

(Tổ Quốc) - Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước. Trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc, Nhà báo Nhị Lê, phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: "Sự phê chuẩn đó tạo cho vị thế của đất nước ở một tầm mới, uy tín của Đảng ở một tầm mới. Và đặc biệt là ý Đảng hợp lòng dân”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước: Vị thế của đất nước, uy tín của Đảng ở một tầm mới - Ảnh 1.

Nhà báo Nhị Lê, phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Nam Nguyễn

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được Quốc hội bầu đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch nước. Đây là sự kiến lớn của dân tộc. Xin ông hãy chia sẻ về điều này?

Nhà báo Nhị Lê: Đây là sự kiện mà theo suy nghĩ của tôi, phải 67 năm lịch sử mới trở lại. Tôi nhớ không nhầm là từ ngày 11-19/2/1951, Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng Lao động Việt Nam bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ làm Chủ tịch Đảng. Và lịch sử cứ như thế cho đến ngày hôm nay, ngày 3/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam).

Tưởng là lịch sử đi những lối không ngờ nhưng đó là quy luật. Nếu trước kia Bác Hồ của chúng ta là Chủ tịch nước được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng thì bây giờ đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta với cương vị là người đứng đầu của Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch nước. Hai sự kiện của lịch sử  67 năm có thể nói đã đi những bước tất yếu, những sự kiện trùng khít mang tầm thời đại.

Quốc hội đã lựa chọn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Sự phê chuẩn đó tạo cho vị thế của đất nước ở một tầm mới.

Ông Nhị Lê - phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Tôi cũng đã theo dõi báo chí nhiều ngày nay, tôi cũng đã bày tỏ nguyện vọng qua báo chí. Đông đảo cử tri rất phấn khởi, chờ mong. Cá nhân tôi cũng chờ mong. Điều này không chỉ ngày hôm nay mà nhiều năm nay lịch sử đã lựa chọn, đã quyết định điều đó phải đến. Đây cũng là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ dưới ngọn cờ của Đảng, của đất nước chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế một cách toàn diện và sâu rộng như hiện nay.

Clip: Nhà báo Nhị Lê nói về lịch sử Tổng Bí thư giữ cương vị Chủ tịch nước (Hà Giang- Việt Hùng)

-Bắt đầu từ bây giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Quyền lực tập trung như vậy đồng nghĩa với việc công cuộc chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng chắc chắn sẽ quyết liệt hơn nữa, thưa ông?

Nhà báo Nhị Lê: Đây là một điều rất mừng. Khi đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thì công việc rất nặng nề, quyền lực rất tập trung ở Ban chấp hành Trung ương mà đứng đầu là Tổng Bí thư  và đặc biệt là trong những sự  kiện lớn của Đảng, của quốc gia ngày càng có điều kiện được thực hiện một cách đồng bộ hơn. Quyền lực tập trung, nguồn lực tập trung được thực thi một cách dân chủ, với sự thống nhất của toàn thể dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng. Đây là điều mà mấy chục năm qua chúng ta rất suy nghĩ và mong mỏi.

Mối quan hệ máu thịt tự nhiên giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và các thành viên của hệ thống chính trị trong toàn dân tộc sẽ được rút ngắn: trực tiếp, liên thông và kỳ vọng hiệu quả hơn.

Còn khối lượng công việc mà đồng chí Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đảm nhận – tôi cũng từng nghe dư luận lo lắng về việc này. Nhưng chúng ta đều biết là Đảng của chúng ta làm việc, lãnh đạo tập thể. Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị làm việc tập thể.  Và đồng chí Tổng Bí thư là sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương. Cho nên, sự gắn kết sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. Và khi đồng chí Tổng Bí thư giữ vai trò là Chủ tịch nước  thì mối liên hệ những quyết sách lớn giữa Đảng và Nhà nước sẽ trực tiếp hơn, liên thông hơn, thống nhất hơn.

Ở đây đặt ra vấn đề là kiểm soát quyền lực. Cũng có ý kiến lo ngại rằng, quyền lực tập trung vào một người thì kiểm soát thế nào?

Tôi cho rằng, 88 năm qua cho đến ngày hôm nay, toàn bộ những điều lệ, cương lĩnh, quy định trong trong Đảng ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu mới.

Qua 73 năm, công tác lập pháp, hành pháp, tư pháp ngày càng hoàn thiện và hệ thống pháp luật ngày càng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Nhà nước của chúng ta ngày càng xứng đáng là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảng cương và quốc pháp chính là những công cụ hết sức quan trọng để đảm bảo việc kiểm soát quyền lực đúng vị thế của Đảng với vai trò là người dẫn dắt dân tộc, đúng vị thế của Nhà nước là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong công việc quản lý xã hội, quản trị quốc gia.

Và như tôi đã nói, chế độ hoạt động của Đảng là chế độ tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo cho nên vấn đề kiểm soát quyền lực trong bối cảnh tập trung quyền lực là như vậy. Thứ hai, công việc đã thay đổi như vậy thì mặc nhiên, công việc tổ chức sẽ thay đổi để phục vụ công vụ. Hội nghị Trung ương 6 và 7 mới đây đã quyết sách rất lớn về tổ chức bộ máy. Bộ máy sẽ được đổi mới gọn hơn, tinh nhuệ hơn , liên thông trực tiếp và đặc biệt là đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực. Các công cụ kiểm soát cũng không ngừng đổi mới và mở rộng, ngày càng hoàn thiện.

Đó là điều mà lâu nay nhiều người trăn trở khi đồng chí Tổng Bí thư được trao thêm trọng trách giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước: Vị thế của đất nước, uy tín của Đảng ở một tầm mới - Ảnh 4.

Tổng Bí thư giữ vai trò là Chủ tịch nước thì mối liên hệ những quyết sách lớn giữa Đảng và Nhà nước sẽ trực tiếp hơn, liên thông hơn. Ảnh: Nam Nguyễn

- Niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày càng mạnh mẽ. Do đó, khi đảm nhiệm cùng lúc hai vai trò lớn lao, ông sẽ "bận rộn và khó khăn" hơn rất nhiều?

Nhà báo Nhị Lê: Nói khó khăn cũng là đúng và nói thách thức cũng phải. Một núi công việc đang đặt ra. Dù đồng thời giữ chức vụ hay không thì cả nhà nước và Đảng của chúng ta đều phải đối mặt và giải quyết. Bây giờ công việc tập trung vào vai một người thì rõ ràng là nặng nề rồi.

Nhưng tôi tin rằng với bộ máy giúp việc của các cơ quan chuyên môn và chức năng, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân thì tất cả những thách thức, khó khăn mà chúng ta đang tiên liệu sẽ được giải quyết ngang tầm và chu toàn.

Clip: Nhà báo Nhị Lê nói về khó khăn và thách thức của Tổng Bí thư trên cương vị Chủ tịch nước (Hà Giang- Việt Hùng)

Điều lo lắng nhất hiện nay là lộ trình cải cách của chúng ta về bộ máy chưa tương đồng với  nhịp độ của công cuộc đổi mới. Mà khi trọng trách đã thay đổi như thế này thì vấn đề cấp bách nhất hiện nay là đẩy mạnh công cuộc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế… Có như vậy những công việc đặt ra trước Đảng, Nhà nước mới được giải quyết.

Điều mà lâu nay chúng ta thường tiên liệu, lo ngại thì bây giờ hiện hữu. Và tôi chắc rằng Đảng, Nhà nước, tất cả các thành viên trong hệ thống chính trị của nước ta được sự ủng hộ của toàn dân tộc chúng ta, được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế thì chắc chắn những quyết sách lớn trong trọng sự phát triển đất nước, xây dựng Đảng ngang tầm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ sẽ được thực thi tốt đẹp.

-Xin cảm ơn ông!

 

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ