• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Trump: “trò chơi kéo co” xoay chuyển lệnh trừng phạt Nga

Thế giới 28/07/2017 11:25

(Tổ Quốc) - Hai viện Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo trừng phạt Nga đã đẩy ông Trump vào thế “giằng co” trong cuộc chiến luật pháp.

Những cố gắng để gây dựng một mối quan hệ nồng ấm hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đối mặt với một “hòn đá tảng” từ các nhà lập pháp Mỹ. Sau Hạ viện, hôm qua (27/7), với đa số tán thành, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Iran và CHDCND Triều Tiên.

Dự thảo luật, với các biện pháp hướng tới ngành năng lượng của Nga, sẽ ngăn cản khả năng Tổng thống Trump dỡ bỏ những lệnh trừng phạt cho Moscow mà không cần được Quốc hội phê chuẩn. 

Đây là dự thảo văn bản chính sách đối ngoại chủ chốt đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời ông Trump. Việc cả hai Đảng đều “đồng lòng” ủng hộ đạo luật này hoàn toàn đối lập với những mâu thuẫn mà họ đã thể hiện trước đó, khi bàn về hệ thống chăm sóc sức khỏe nước Mỹ.

Tổng thống Trump còn làm được điều gì?

Trong quy trình tiếp theo, dự thảo luật sẽ được đệ trình lên Tổng thống Trump. Tờ Chicago Tribune dẫn lời hai quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, ông Trump gần như chắc chắn sẽ đặt bút phê chuẩn. Đối mặt với sự nhất trí đa số tại cả Thượng và Hạ viện, ông khó có sự lựa chọn nào khác. Những người này tiết lộ, mặc dù tuần trước, một số thay đổi đã được bổ sung vào dự thảo, nhằm đảm bảo các công ty Mỹ và châu Âu đang làm ăn tại Nga, không bị ảnh hưởng quá nặng nề, người đứng đầu nước Mỹ vẫn tỏ ra rất “miễn cưỡng”.

Ông Trump cũng đã bày tỏ sự không hài lòng trước khả năng giới hạn hoặc phản đối của Quốc hội, đối với quyền lực của Nhà Trắng trong các vấn đề an ninh quốc gia. Theo ông, điều này làm phức tạp hóa những nỗ lực của Washington trong mối quan hệ hợp tác với các đồng minh, đặc biệt trước những quốc gia châu Âu không có cùng quan điểm với Quốc hội Mỹ về trừng phạt Nga.

Trước đó, một trợ lý cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump có thể phủ quyết dự thảo luật nhằm hướng tới một thỏa thuận khó khăn hơn. “Tổng thống có thể ký các lệnh trừng phạt đúng như những gì vốn có, hoặc ông ấy có thể phủ quyết và thương lượng một thỏa thuận thậm chí khó khăn hơn chống lại Nga,” Giám đốc truyền thông mới của Nhà Trắng, Scaramucci nói với kênh CNN. Tuy nhiên, y kiến này vấp phải sự nghi ngờ từ Quốc hội bởi Nhà Trắng đã dành nhiều tuần “lobby” cho một đạo luật “nhẹ tay” hơn.

Tổng thống Nga bắt tay Tổng thống Mỹ tại Hội nghị thưởng đỉnh G-20

Ông Trump chưa từng đe dọa sẽ từ chối dự thảo luật, ngay cả khi Ngoại trưởng Rex Tillerson và một số quan chức chính phủ cấp cao khác lên tiếng phản đối việc, nếu Tổng thống muốn giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga thì sẽ cần phải được Quốc hội xem xét. Họ cho rằng, quy định này không chỉ vi phạm quyền hành pháp của Tổng thống, mà còn “trói buộc” ông khi thực hiện các hoạt động hợp tác và liên hệ với Nga.

Một quan chức Nhà Trắng nói với hãng tin Reuters, sẽ mất vài ngày để ông Trump chính thức tiếp cận dự thảo luật. Một khi tiếp nhận dự thảo, Nếu đặt bút ký, ông có thể áp dụng các lệnh trừng phạt mới vào bất kỳ thời điểm nào thông qua việc ban hành một sắc lệnh.

Trong trường hợp ngược lại, Tổng thống sẽ có 10 ngày (không bao gồm Chủ nhật) để xem xét, trước khi đưa ra quyết định phủ quyết và ngăn cản dự thảo tự động trở thành luật. Tuy nhiên, cho dù ông Trump phủ quyết, theo Reuters, dự thảo này sẽ vẫn nhận được đủ sự ủng hộ từ cả hai viện để hủy bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống và đưa nó thành luật. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua các biện pháp trừng phạt với tỷ lệ 419 phiếu ủng hộ và 3 phiếu phản đối.

“Quốc hội đang làm hết sức mình và chưa từng xảy ra trong tiền lệ, nhằm áp đặt ảnh hưởng lên Nga và chính sách đối ngoại bởi vì họ không tin tưởng vào Tổng thống,” Elizabeth Rosenberg một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm vì một nền An ninh mới cho nước Mỹ, nhận định.

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa John McCain, một trong những thành viên Quốc hội lên tiếng mạnh mẽ nhất về việc thực thi một chính sách sách cứng rắn hơn với Nga, phát biểu trước thời điểm bỏ phiếu: “Nước Mỹ cần phải đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới Vladimir Putin và những quốc gia hiếu chiến khác mà chúng ta không thể khoan dung trước các cuộc tấn công vào nền dân chủ của mình.”

Nga có thể trả đũa vào thời điểm thích hợp

Năm 2014, chính quyền Obama cũng đã áp dụng các lệnh trừng phạt trên một số lĩnh vực của kinh tế Nga, như các dịch vụ tài chính, năng lượng, mỏ và quốc phòng. Cộng thêm giá dầu thế giới giảm và một hệ thống tiền tệ yếu đã khiến nền kinh tế Nga gần như rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt được cho là một bước đi quan trọng cho mục tiêu rộng hơn của Nga là gây dựng vị thế một siêu cường. Trong thời gian gần đây, những hỗ trợ của Nga dành cho Syria đang đem lại những kết quả khả quan trên chiến trường đông Aleppo. Trong khi Moscow và Washington liên tục bất đồng trong vấn đề Syria, chính quyền Obama lại không áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến Syria.

Không dễ dàng để đánh giá lập trường của Tổng thống Mỹ về nước Nga, bởi vì ông Trump nổi tiếng là người khó dự đoán. Trong cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi đầu tháng, Tổng thống Mỹ cho biết, ông liên tục đề cập đến chủ đề Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ trực tiếp trả lời câu hỏi liệu ông có thực sự tin vào tuyên bố của ông Putin rằng, Nga không có liên quan gì đến vấn đề này, hay không.

“Có một sự đồng thuận giữa hai Đảng về việc đối phó với Nga trên tất cả các lĩnh vực – từ hành động của họ tại Ukraine, Syria, mạng Internet, can thiệp bầu cử…,” Boris Zilberman, một chuyên gia về trừng phạt Nga thuộc Quỹ Bảo vệ cho nền Dân chủ nói. “Nga là động lực cho lệnh trừng phạt. Vì thế cơ quan lập pháp đang cố gắng gửi đến cơ quan hành pháp một thông điệp rõ ràng về lập trường của họ trong vấn đề này.”

Cũng trong hôm thứ Năm, Tổng thống Putin, hiện đang có chuyến công du tới Phần Lan, đã khẳng định, nước Nga “đang kiềm chế và kiên nhẫn, nhưng tại một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp trả đũa. Chúng tôi không thể mãi mãi bỏ qua sự công kích nhắm vào đất nước của mình.”

(Theo Chicago Tribune và Reuters)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ