• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

2019: Bất ngờ bị dồn thế khó tại Syria, Nga trông chờ siêu vũ khí tạo thế cân bằng với phương tây?

Thế giới 01/01/2019 10:44

(Tổ Quốc) - Những gì đang chờ đợi Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga trong năm 2019?

2018 được đánh giá là một năm vui buồn lẫn lộn cho Tổng thống Vladimir Putin.

Bề ngoài, nhà lãnh đạo Nga giống như người chiến thắng sau khi Mỹ bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, xem xét một cách kỹ càng, ông Putin thật ra lại đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn không chỉ tại quốc gia Trung Đông, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Trong số đó, bao gồm cả việc làm sao để giảm bớt các lệnh trừng phạt phương Tây đang làm nền kinh tế Nga "điêu đứng".

2019: Bất ngờ bị dồn thế khó tại Syria, Nga trông chờ siêu vũ khí tạo thế cân bằng với phương tây? - Ảnh 1.

2019 sẽ là một năm khó khăn hay dễ dàng cho Tổng thống Vladimir Putin?

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã đạt được mục tiêu mà Điện Kremlin đề ra là giữ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tồn tại; đồng thời đưa Moscow trở thành một nhân tố không thể thiếu trong cuộc chơi tại Trung Đông. Tuy nhiên, cho tới giờ Nga vẫn chưa thể thuyết phục phương Tây tham gia vào quá trình tái thiết một Syria tan hoang sau gần 8 năm nội chiến.

Một mặt, quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria có thể làm gia tăng vị thế của Nga tại đây; mặt khác, nó lại khiến Moscow rơi vào thế "đối mặt" với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang sẵn sàng mở rộng vùng ảnh hưởng của mình tại Syria. Moscow cũng đứng trước nhiệm vụ "khó nhằn" là cân bằng các lợi ích xung đột giữa Israel và Iran trong khu vực.

"Ai đó có thể coi đó là thành công của Putin, nhưng thực tế đây lại là khó khăn", Alexei Malashenko, một chuyên gia hàng đầu về Trung Đông tại Moscow nhận định về việc Mỹ rời khỏi Syria. "Tình huống có thể thay đổi lớn, và Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều này. Cãi vã qua lại với người Mỹ còn tốt hơn là một mình trực tiếp đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và những bên khác".

2019: Bất ngờ bị dồn thế khó tại Syria, Nga trông chờ siêu vũ khí tạo thế cân bằng với phương tây? - Ảnh 2.

(Từ trái sang) Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại một buổi gặp ở Sochi vào tháng 11/2017

Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump cắt giảm số lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan vào mùa hè năm 2019 thậm chí có thể đem lại nhiều thách thức hơn nữa cho Nga.

Ông Putin từng "mỉa mai" rằng Mỹ không thể ổn định được Afghanistan ngay cả sau một chiến dịch kéo dài tới 17 năm. Tuy nhiên, việc Mỹ cắt giảm hiện diện quân sự tại đây được dự báo sẽ đem lại cho các tay súng cực đoan cơ hội gây bất ổn ngay tại Trung Á – khu vực trọng yếu sát sườn Nga.

Tình huống có thể thay đổi lớn, và Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều này. Cãi vã qua lại với người Mỹ còn tốt hơn là một mình trực tiếp đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và những bên khác.

Alexei Malashenko

Moscow giờ đây sẽ phải tính nước đầu tư nhiều hơn và Taijikistan, nơi họ đã có một căn cứ quân sự, nhằm kiểm soát khu vực biên giới với Afghanistan và cố gắng mở rộng hiện diện tại một địa điểm nào khác tại Trung Á.

Những thách thức trên hiển hiện khi mà nền kinh tế Nga vẫn đang phải vật lộn sau những tác động từ giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Mỹ và EU quyết định trừng phạt Moscow sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014; và sau đó là vì các cáo buộc Nga can thiệp vào đông Ukraine, gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ 2016 và cố gắng ám sát một cựu điệp viên trên đất Anh…

Các lệnh trừng phạt hạn chế Nga tiếp cận thị trường vốn quốc tế, giới hạn nhập khẩu năng lượng và công nghệ quân sự từ phương Tây và ngăn trở các nhà đầu tư thế giới.

Tổng thống Putin chỉ trích Mỹ và đồng minh đang cố gắng trừng phạt Nga vì lập trường độc lập của nước này. Một cuộc trưng cầu dân ý gần đây chỉ ra, 6/10 người Nga tham gia trả lời có thái độ tiêu cực đối với Mỹ; và một nửa có quan điểm tiêu cực về EU. Bên cạnh đó, dư luận Nga cũng tỏ ra ngày càng lo lắng về các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, trong khi trừng phạt phương Tây có thể hạn chế tăng trưởng kinh tế Nga, chúng cũng đem tới cho ông Putin cách giải thích hợp lý trước các vấn đề đối nội.

"Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu thực tế đã giúp thúc đẩy quyền lực của ông Putin, cho phép ông ấy hướng sự chú ý về phía áp lực bên ngoài", ông Malashenko phân tích.

Sau hai năm khủng hoảng, năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga là 1,5% và dự kiến năm 2018 là 1,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đạt được mục tiêu mà chính phủ đề ra, và Nga vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, khí gas và nguyên vật liệu thô.

Quyết định tổ chức World Cup 2018 được nhìn nhận là một trong những biện pháp để đánh lạc hướng người dân khỏi chính sách nâng độ tuổi về hưu – một động thái vấp phải sử phản đối to lớn từ dư luận, thậm chí còn ảnh hưởng tới tỷ lệ ủng hộ ông Putin.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu thực tế đã giúp thúc đẩy quyền lực của ông Putin, cho phép ông ấy hướng sự chú ý về phía áp lực bên ngoài,

Alexei Malashenko

Hy vọng đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Trump đang dần tắt khi cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chính quyền ông Trump và Nga, gần như chắc chắn sẽ có kết quả cuối cùng trong năm 2019. Tổng thống Putin kiên quyết phủ nhận việc can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, ông tỏ ra cứng rắn trong nhiều vấn đề, điển hình là căng thẳng với Ukraine.

Theo Tatiana Stanovaya, một chuyên gia chính trị độc lập, quan điểm không khoan nhượng của ông Putin xuất phát từ nhận định, bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ là một dấu hiệu của sự yếu ớt và khiến phương Tây có cơ hội đưa ra nhiều yêu cầu hơn.

"Ông Putin tin rằng, nếu Nga xuống thang, áp lực sẽ ngày càng gia tăng và lệnh trừng phạt sẽ mở rộng thêm", Stanovaya nói.

Trong khi vẫn chưa giải quyết được các xung đột với phương Tây, Điện Kremlin lại tập trung vào phát triển kho vũ khí của Nga.

2019: Bất ngờ bị dồn thế khó tại Syria, Nga trông chờ siêu vũ khí tạo thế cân bằng với phương tây? - Ảnh 6.

Nga tập trung phát triển các loại vũ khí tối tân nhằm giành được sự tôn trọng từ phương Tây?

Tháng 3/2018, trong bài phát biểu trước toàn quốc, Tổng thống Putin đã giới thiệu một loạt vũ khí hạt nhân mới. Ông Vladimir Frolov, một chuyên gia chính sách đối ngoại tại Nga, coi đây là một phần trong những nỗ lực của Moscow nhằm thuyết phục phương Tây ngồi vào bàn đàm phán.

"Mục tiêu của ông Putin là giành được sự chú ý, nỗi sợ hãi và tôn trọng từ phương Tây, để có được quyền phủ quyết các chính sách phương Tây", ông Frolov chỉ ra. "Ông ấy đang thúc đẩy các cuộc nói chuyện dựa theo điều kiện của Nga mà không có bất kỳ nhượng bộ đơn phương nào".

Tổng thống Nga cũng cảnh báo, kế hoạch của Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987, sẽ phải đối mặt với đáp trả từ Nga. Theo ông Stanovaya, những phát biểu của nhà lãnh đạo Nga cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng của việc thiếu vắng một chương trình nghị sự chung giữa Moscow và phương Tây.

"Ngày càng rời xa một lối đi chung sẽ dẫn tới thời điểm khi việc kiểm soát tình huống trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong vấn đề vũ khí hạt nhân", ông Stanovaya nói. "Tổng thống Putin tin rằng, vũ khí hạt nhân là luận điểm tối thượng của Nga, sẽ ảnh hưởng tới cách nghĩ của các chính trị gia phương Tây".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ