• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

5 loài vật có hành vi thú vị mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải

Khám phá 07/11/2022 20:00

(Tổ Quốc) - Trong thế giới các loài vật vẫn còn rất nhiều điều kỳ lạ mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải bằng khoa học. 5 loài động vật với các hành vi tưởng chừng không tồn tại ở chúng dưới đây ắt hẳn sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên đấy!

1. Chồn Meerkat

Không giống như những loài động vật khác, chồn Meerkat (chồn đất Châu Phi) sống ở sa mạc, tập trung theo từng bầy lớn và là loài động vật sống rất có trật tự, đoàn kết. Chồn Meerkat thường sống thành nhóm có từ 20-30 thành viên. Chồn Meerkat thể hiện cách quan tâm lẫn nhau bằng cách, một hoặc nhiều con đứng canh gác khi những thành viên khác tìm kiếm thức ăn để cảnh báo khi có nguy hiểm. Con lính gác sẽ liên tục hét lên để cảnh báo những con dưới hang, khi kẻ săn mồi bỏ đi chúng mới dừng phát hiệu.

5 loài động vật có hành vi giống người kỳ lạ mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải - Ảnh 1.

Chồn Meerkat dạy những con non bằng phương pháp rất riêng. (Ảnh: Pixabay)

Bầy Meerkat cũng biết cách chia nhau ra trông chừng những con non trong nhóm. Những con Meerkat trưởng thành sẽ chịu trách nhiệm trông và bảo vệ những con non khỏi những hiểm họa do chúng tự gây ra khi chưa đủ bản năng. Chúng sẽ dạy những con non bằng phương pháp rất riêng. Cụ thể, bố và mẹ Meerkat sẽ đem những con bọ cạp gần chết về hang để dạy con của chúng tập săn.

Chúng sẽ liên tục mang những con bọ cạp khỏe hơn, to hơn về cho con non luyện tập cho tới khi tiến bộ hơn. Bằng cách này những con Meerkat con sẽ biết cách săn mồi thuần thục cũng như biết loại bỏ nọc độc của bọ cạp trước khi được bố mẹ thả đi tự do săn bắt.

2. Hạc xám ở Elk Grove

Theo cách nhà khoa học, trong thế giới động vật, chỉ có 5% loài có quan hệ hôn nhân một vợ một chồng giống như con người hiện nay. Và hạc xám ở vùng Elk Grove, bang California, Hoa Kỳ là một trong những loài vật thuộc nhóm 5% này. Hạc xám đi đâu cũng theo 1 cặp vợ chồng.

5 loài động vật có hành vi giống người kỳ lạ mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải - Ảnh 2.

Hạc xám ở vùng Elk Grove có mối quan hệ hôn nhân 1 vợ 1 chồng giống loài người. (Ảnh: Pixabay)

Khi đến tuổi trưởng thành, tức là khoảng 4 tuổi thì hạc xám lập gia đình. Chúng không bao giờ đổi bạn đời. Một vợ một chồng sống bên nhau cho đến chết, kéo dài trung bình khoảng 30 năm. Mức sinh sản của hạc rất thấp. Mỗi gia đình chỉ đẻ tối đa 2 con. Con cái cháu chắt của chúng sẽ sống quây quần với cha mẹ ông bà tạo thành một hộ. Có hộ đông tới 20 con.

3. Sóc đồng cỏ

Sóc đồng cỏ hay còn được gọi là sóc chó, cầy thảo nguyên là loài gặm nhấm có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Sóc đồng cỏ có đặc tính xã hội rất cao, chúng thường sống thành bầy lớn hoặc tạo thành 1 "thị trấn". Các nhóm gia đình sóc đồng cỏ là những đơn vị cơ bản nhất trong xã hội của chúng. Các thành viên của một nhóm gia đình sống trên cùng một lãnh thổ. Một nhóm gia đình tương tác thông qua hình thức giao tiếp bằng miệng hoặc "hôn" và chải chuốt lẫn nhau. Chúng không thực hiện những hành vi này với những con sóc đồng cỏ đến từ các nhóm gia đình khác.

5 loài động vật có hành vi giống người kỳ lạ mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải - Ảnh 3.

Sóc đồng cỏ thể hiện sự giao tiếp với các thành viên gia đình bằng cách ôm hôn. (Ảnh: Pixabay)

Sóc đồng cỏ phân chia lãnh thổ của riêng chúng. Các vùng lãnh thổ có biên giới được thiết lập rất cẩn thận bằng các rào cản vật lý như đá và cây cối. Các con đực sẽ có trách nhiệm bảo vệ có hành vi thù địch với những con đực ở các gia đình khác khi xâm chiếm lãnh thổ của chúng. Những lần tương tác này có thể xảy ra 20 lần mỗi ngày và kéo dài khoảng năm phút. Khi hai con sóc đồng cỏ đụng độ nhau ở rìa lãnh thổ, chúng sẽ bắt đầu lườm nhau, làm các động tác vờn, xòe đuôi, nghiến răng và ngửi các tuyến mùi hương của nhau. Khi chiến đấu, cầy thảo nguyên sẽ cắn, đá và ủi vào nhau. Nếu đối thủ của chúng có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn, thì con cái sẽ tham gia chiến đấu. Còn nếu không, khi nhìn thấy đối thủ, con cái sẽ ra hiệu cho con đực.

4. Tinh tinh

Tinh tinh là loài có họ hàng gần giống với loài người. Chúng sống ở Tây và Trung Phi. Tinh tinh cũng sống thành từng nhóm nhỏ có từ 15 đến 150 thành viên. Cuộc sống của chúng chia thành một hệ thống cấp bậc nghiêm ngặt với con đực thống trị. Điểm đặc biệt của quần thể tinh tinh là chúng có thể sử dụng thành thạo các công cụ để phục vụ cuộc sống của mình. Tinh tinh đã biết dùng đá, cỏ, lá để tạo thành công cụ lấy mật ong, các loại hạt hay bắt mối, kiến và đựng nước. Thậm chí chúng còn biết mài nhọn gậy để làm thành mũi giáo đi săn mồi trên những cành cây cao.

5 loài động vật có hành vi giống người kỳ lạ mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải - Ảnh 4.

Tinh tinh có thể sử dụng đá, cỏ và lá để làm dụng cụ hỗ trợ chúng săn bắt, tìm kiếm thức ăn. (Ảnh: Pixabay)

Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trong năm 2022 đã cho thấy loài tinh tinh sống trong rừng mưa còn chủ động đào giếng trên nền đất nhằm tìm nước uống. Theo nhóm nghiên cứu, hành vi đào giếng bắt nguồn từ một cá thể và sau đó lan truyền giữa những thành viên trong đàn. Họ đã quan sát được một con tinh tinh cái trẻ tuổi gia nhập đàn tinh tinh trong rừng mưa Waibira liên tục đào giếng ở vũng nước đọng. Chúng vừa uống nước trực tiếp từ giếng và thấm nước bằng công cụ làm từ lá, rêu hoặc kết hợp cả hai. Hành vi này khá hiếm gặp nên các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi chứng kiến cảnh này.

5. Kiến

Kiến thực sự biết trồng trọt và nuôi thú cưng y như con người. Theo các nhà khoa học thì côn trồng là loài rất dễ thích nghi với các loại môi trường khác nhau bởi chúng đã có mặt trên Trái đất khoảng 480 triệu năm. Trong suốt thời gian đó, chúng đã tiến hóa đủ để xuất hiện ở mọi ngóc ngách, có thể bay, đào hang cho đến bơi lội. Trong đó, tổ chức của các đàn kiến và mối được nhận định là giống với nền văn minh của con người nhất.

5 loài động vật có hành vi giống người kỳ lạ mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải - Ảnh 5.

Kiến biết nuôi trồng nấm từ cách đây 25 triệu năm. (Ảnh: Pixabay)

Theo Independent, nghiên cứu do Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian thực hiện cho thấy, khoảng 25 triệu năm trước, kiến đã nuôi trồng nấm để thu hoạch các hạt có chứa protein làm thức ăn. Chúng thường cắt lá cây thành những miếng nhỏ, đưa xuống lòng đất để nuôi nấm. Nguyên nhân là do loài nấm mà kiến trồng không sản sinh được các enzyme để tiêu hóa gỗ, do vậy chúng chỉ có thể hấp thụ các chất từ lá mà kiến đem về.

Ngoài ra, rệp vừng có khả năng tạo ra một chất có vị ngọt mà kiến rất thích nên thỉnh thoảng chúng cũng đem về tổ mình vài con rệp vừng làm vật nuôi.

* Bài viết được tổng hợp từ ABC, Nature và The Microgardener.

Nguyệt Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ