(Tổ Quốc) - Chúng ta đã từng xem nhiều bộ phim đề cập tới khả năng tái sinh phi thường của các nhân vật anh hùng, điển hình nhất là Deadpool. Thế nhưng, trong thế giới động vật của chúng ta thực sự có những loài vật sở hữu khả năng đặc biệt này. Hãy cùng điểm mặt 5 loài động vật nắm giữ bí mật mà loài người luôn mong muốn có được này nhé!
- 09.11.2022 6 loài có vẻ ngoài siêu thực ngỡ như sinh vật từ hành tinh khác "lạc trôi" tới Trái Đất
- 07.11.2022 5 loài vật có hành vi thú vị mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải
- 03.11.2022 10 loài nhỏ bé sở hữu khả năng săn mồi khiến hổ báo cũng phải nể đôi phần
- 25.10.2022 Không phải báo hay sư tử, sinh vật nhỏ bé quen thuộc này mới là loài săn mồi thành công nhất trong tự nhiên
1. Giun Lineus (giun dây giày)
Giun Lineus được các nhà khoa học đánh giá là có khả năng tái sinh phi thường. Dù nó có bị mất đi bất cứ bộ phận nào thì vẫn có thể mọc lại một cái mới, thậm chí là đầu. Theo kết quả từ nhiều cuộc thí nghiệm, cơ thể của giun Lineus có thể dễ dàng cắt bỏ nhiều phần. Ngạc nhiên hơn là, dù chỉ còn lại 1/200.000 của cơ thể, nó vẫn có thể mọc lại toàn bộ cơ thể.
Cuối cùng, các nhà khoa học đã tìm ra "bí mật" của loài giun này. Đó chính một gen lạ ở loài giun có tên là Hofstenia miamia. Điểm đặc biệt là gen này cũng có khả năng tái sinh tương tự như giun đất, khi cắt thành hai hoặc ba đoạn nhưng nó vẫn có thể tái sinh hoàn toàn cơ thể.
Được biết, giun Lineus hiện có tới 1.275 loài thuộc hai lớp và bốn bộ. Chúng hầu hết sống trong nước biển, từ Bắc Cực cho tới Nam Cực. Chiều dài của giun Lineus từ vài micromet đến vài mét. Chúng còn là loài ăn thịt. Tuy giun Lineus là loài săn mồi nhưng cách săn mồi của chúng không dựa vào tốc độ di chuyển mà nó chỉ ngồi 1 chỗ chờ đợi con mồi sơ hở sẽ tấn công với một nhát cắn.
2. Sâu Planarian
Sâu Planarian là một trong những loài vật được các nhà khoa học quan tâm về đặc tính tái sinh của chúng. Theo nghiên cứu, sâu Planarian có thể tái sinh từ phần đầu bị đứt của nó. Đặc biệt hơn là sâu Planarian vẫn có thể giữ nguyên trí nhớ trong bộ não mới của mình.
Các nhà khoa học của trường ĐH Tufts (Mỹ) đã tiến hành kiểm tra bộ nhớ của sâu Planarian bằng thực hiện một thí nghiệm đo khoảng thời gian chúng tiếp cận thức ăn trong môi trường có kiểm soát. Vốn loài sâu này không ưa ánh sáng và không gian mở, nhưng họ đã tập cho chúng làm quen với điều đó để bò về chỗ có thức ăn.
Thậm chí, dù bị cắt lìa đầu, những con sâu đã được luyện tập vẫn có thể vượt qua nỗi sợ về không gian, ánh sáng. Chúng dễ dàng vượt qua chướng ngại vật và ăn nhanh hơn nhiều so với những con sâu chưa được huấn luyện.
Mặc dù, theo lý thuyết, bộ não của sâu Planarian kiểm soát hành vi của chúng, nhưng các nhà nghiên cứu lại cho rằng, một phần trí nhớ của chúng còn được lưu trữ ở đâu đó trên cơ thể. Do đó, dù bị cắt rời đầu, bộ não của sâu Planarian đã điều chỉnh hệ thống thần kinh và tác động tới sự hình thành của bộ não mới sau khi đầu mới mọc lại.
3. Chuột chũi Đông Phi
Ít ai biết được rằng, chuột chũi Đông Phi tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng chúng lại sở hữu khả năng mà con người thèm muốn. Chuột chũi Đông Phi có thể loại bỏ những protein bị tổn thương và giữ lại protein chất lượng cao trong cơ thể của chúng. Cũng nhờ khả năng này, cơ thể của chuột chũi Đông Phi không xuất hiện những biểu hiện của sự lão hóa cũng như sự suy giảm chức năng của não.
Các nhà khoa học cho biết, một yếu tố khác góp phần giúp chuột chũi Đông Phi có một tuổi thọ lâu dài là do tốc độ trao đổi chất của chúng vô cùng thấp. Nó đã khiến cho quá trình phá hủy tế bào bị giảm đi nhiều. Điều này cũng khiến chuột chũi Đông Phi luôn sung mãn dù ở giai đoạn nào trong đời.
Ngoài ra, trong mô của chuột chũi Đông Phi, các nhà khoa học đã tìm thấy một dạng chất độc đáo có tên gọi là hyaluronan mà cơ thể của chúng sản xuất ra. Kết quả phân tích cho thấy, chất này có khả năng kháng lại bệnh ung thư cùng nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trên Trái đất.
4. Sên biển Sacoglossan
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Phụ nữ Nara ở Nhật đã phát hiện ra 2 loài sên biển Sacoglossan có khả năng tái tạo một cơ thể hoàn toàn mới khi chúng tự "cắt" bỏ phần đầu. Và phần đầu kia sau đó đã tự mọc lại một cơ thể hoàn chỉnh khác với đầy đủ nội tạng bên trong. Đây là một cơ chế tự vệ tồn tại ở một số loài động vật và được gọi tên là "autotomy" - tự vứt bỏ/cắt cụt một hoặc nhiều phần cơ thể.
Những con sên biển "tái sinh" sẽ cần khoảng một tuần để tái tạo lại hệ thống tim mạch, và trong khoảng ba tuần, chúng sẽ hoàn tất quá trình tái tạo cơ thể hoàn chỉnh. Cách tái sinh của loài sên này chủ yếu là sử dụng khả năng quang hợp của lục lạp từ tảo mà chúng ăn để tồn tại trong khi thực hiện quá trình tái sinh.
5. Kỳ giông Axolotl
Kể từ khi những con kỳ giông Axolotl với khả năng tự chữa lành được tìm thấy, chúng đã mang tới kỳ giông Axolotl một tia hy vọng mới cho loài người. Chia sẻ với New York Times, giáo sư, tiến sĩ Parker Flowers, Phòng thí nghiệm Craig Crews, Đại học Yale, Mỹ cho biết, Axolotl không giống với những loài lưỡng cư khác, chúng có thể tái tạo và tự chữa lành từ hầu hết các cơ quan, bộ phận nào. Từ tay, chân, đuôi, tủy sống, mắt, võng mạc tới một nửa bộ não, chúng đều có thể tái tạo. Như vậy, có thể nói, kỳ giông Axolotl không thể bị giết dễ dàng bởi bất cứ vết thương nào.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, bộ gen của kỳ giông Axolotl lớn hơn bất kỳ loài động vật nào mà con người từng giải trình tự. Bộ gen của loài này thậm chí lớn gấp 10 lần toàn bộ gen của người. Nếu như mỗi sợi ADN của con người chỉ dài hơn 1,8m thì sợi ADN của Axolotl dài tới hơn 9,1m.
Trong bộ gen lớn như vậy, các nhà nghiên cứu đã xác định được kỳ giông Axolotl có ít nhất 2 gen liên quan tới quá trình tái tạo cơ thể của chúng khi bị chấn thương. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng, cơ thể của Axolotl vẫn còn rất nhiều gen tương tự như vậy. Và trong tương lai, các nhà khoa học chắc chắn sẽ tìm ra điều gì làm nên đặc tính kỳ lạ của kỳ giông Axolotl và áp dụng những thông tin thu được vào công tác trị liệu cho con người.