(Tổ Quốc) - Ngày 6/4, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã diễn ra tọa đàm, ra mắt cuốn sách “Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” của tác giả Bùi Trọng Hiền.
- 16.09.2023 Hà Nội vận động văn nghệ sĩ sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong Ca trù
- 28.12.2022 Khát vọng phục hưng, lan tỏa di sản Ca trù
- 24.12.2022 Liên hoan Ca trù Hà Nội năm 2022: giữ gìn nghệ thuật truyền thống
- 13.11.2017 Khôi phục trình thức hát cửa đình và hệ thống âm luật chuẩn hát ả đào
Buổi ra mắt sách do Omega Plus phối hợp Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu tới độc giả một di sản nghệ thuật quý báu ngàn năm tuổi trong kho tàng âm nhạc cổ truyền dân tộc: hát ả đào (ca trù).
PGS. TS Nguyễn Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: Để cuốn sách lan tỏa những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của Việt Nam mà vẫn thu hút và hấp dẫn, chúng tôi đã lựa chọn rất kỹ cả về mẫu mã, bìa, chất giấy, hình ảnh... Cuốn sách thực sự trở thành một sản phẩm công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Bấy lâu nay, khi nói đến ca trù, người ta thường nghĩ đến “nhà hát cô đầu”. Sang nửa sau thế kỷ XX, ca trù dần mai một. Chỉ sau khi được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, ca trù mới được biết đến nhiều hơn, hoạt động ca trù trên cả nước dần sôi nổi.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, hệ thống tư liệu ca trù không có chuẩn mực chung khiến những người yêu mến muốn tìm hiểu, học hỏi không biết đâu là đúng - sai, hay - dở nên cần có những nghiên cứu xác thực về loại hình nghệ thuật này.
Cuốn sách “Ả đào" đã được tác giả Bùi Trọng Hiền ấp ủ và nghiên cứu trong suốt 9 năm. Tác giả khảo cứu, đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của loại hình. Đồng thời, cuốn sách cũng ghi nhận tài năng, công lao của những người phụ nữ làm nghệ thuật trong lịch sử văn hóa dân tộc.
Nếu trước đây từng có nhiều tài liệu và cuốn sách viết về Ả đào (hay Ca trù) dưới góc nhìn lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm, thì trong Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật, tác giả – nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền lại chọn một cách tiếp khác. Đó là đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình nghệ thuật cổ truyền này.
Qua 7 phần nội dung, bạn đọc sẽ từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát Ả đào, và hiểu được lý do vì sao loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, người đã góp phần hồi sinh, giúp ca trù trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, đã có những đánh giá về cuốn sách: “Ngoài việc khảo cứu về lịch sử, cuốn sách này có một khảo cứu quan trọng có tính chất nền tảng, đó là khảo cứu về âm nhạc.
Trước đó, chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu kỹ lưỡng về âm nhạc của Ả đào - hình thức âm nhạc độc đáo nhất, sáng tạo nhất và cũng phức tạp nhất. Vì thế, khảo cứu này đặt nền móng cho những nghiên cứu tiếp theo. Cuốn sách nên được đưa vào những chương trình đào tạo, giảng dạy nghệ thuật ca trù tại các trường văn hóa - nghệ thuật”.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa. Vậy hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào qua cuốn sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật.
Hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được khuôn vàng thước ngọc của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về với đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển. Và như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa./.