• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khát vọng phục hưng, lan tỏa di sản Ca trù

Văn hoá 28/12/2022 10:35

(Tổ Quốc) - Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022 đã kết thúc tốt đẹp, với 53 giải thưởng được trao cho các cá nhân, tập thể có phần thể hiện xuất sắc nhất. Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, Ca trù của Việt Nam đã có sự trở lại mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng.

Sức sống, sức lan tỏa của Ca trù

Tham gia liên hoan có 12 nhóm, CLB Ca trù trên địa bàn Hà Nội, với 92 thành viên có độ tuổi từ 5 đến 83; cùng với đó là 48 thí sinh hoạt động tự do đăng ký tham dự. Liên hoan năm nay tiếp tục có sự phân loại thí sinh theo độ tuổi để có mức đánh giá công bằng nhất. Liên hoan đem đến 56 tiết mục trình diễn đa dạng thể cách, ghi nhận số lượng người tham gia đông đảo, đa dạng độ tuổi, cho thấy sức sống, sức lan tỏa đáng mừng của một loại hình nghệ thuật còn nhiều khó khăn trong gìn giữ, bảo tồn.

Khát vọng phục hưng, lan tỏa di sản Ca trù - Ảnh 1.

Liên hoan có 12 nhóm, CLB Ca trù trên địa bàn Hà Nội, với 92 thành viên và một số thí sinh tự do với số lượng là 48 thí sinh dự thi phần thi cá nhân và 6 tiết mục múa hát tập thể.

"Trong 66 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng và truy tặng, nghệ thuật trình diễn dân gian Ca trù có 9 nghệ nhân được phong tặng với 3 Nghệ nhân Nhân dân, 6 Nghệ nhân Ưu tú. Đây là kết quả cho thấy Ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng mừng, đã dần từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù", bà Phạm Thị Lan Anh- Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VHTT Hà Nội) cho biết.

Rất nhiều câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật Ca trù cũng mang đến những gương mặt mới, cho thấy thành quả của quá trình gìn giữ, trao truyền di sản ở địa phương; trong đó có không ít ca nương nhí đã chuẩn chỉ trong lối hát, gieo phách chắc, tay róc phách đẹp. Nhiều thí sinh tuy mới được tiếp cận với ca trù trong thời gian ngắn đã thể hiện tốt các thể cách cơ bản. Đặc biệt, kỳ liên hoan lần này cũng xuất hiện thêm những kép đàn và quan viên mới, phản ánh sức sống của loại hình di sản này trên địa bàn Hà Nội.

Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, các tiết mục tham dự liên hoan năm nay có nội dung đề tài phong phú, đa dạng. Các nhóm, câu lạc bộ rất nhiệt tình tham dự liên hoan, có sự luyện tập nghiêm túc. Điều đáng mừng, có những tiết mục được trình diễn bởi 3 thế hệ trong một gia đình… cho thấy hoạt động thúc đẩy truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở đang phát triển mạnh mẽ, góp phần phát hiện, bồi dưỡng tài năng ca trù nhiều lứa tuổi, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tới đông đảo quần chúng nhân dân về di sản cần bảo vệ khẩn cấp, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù trên địa bàn Hà Nội.

Khát vọng phục hưng, lan tỏa di sản Ca trù - Ảnh 2.

Cần có chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn cho Ca trù

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, liên hoan là dịp nhìn lại thành quả "phục hưng" Ca trù tại Hà Nội, góp phần vào kết quả thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Ca trù trong đời sống đương đại. Kết quả liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản Ca trù từ danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" sang danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Hà Nội được coi là một trong những cái nôi ca trù lớn nhất cả nước.

Năm 2009, Hà Nội chỉ có một vài giáo phường, hoạt động cầm chừng thì nay đã có gần 20 nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy, trong đó có 8 Nghệ nhân Nhân dân, 24 Nghệ nhân Ưu tú… cùng hàng trăm người theo học, góp phần quan trọng vào việc đưa Ca trù Hà Nội ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp cũng như nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản thì cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn... Đặc biệt là công tác truyền dạy, cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào để bảo đảm về chất lượng.

Khát vọng lan tỏa giá trị di sản

Tại Liên hoan, công chúng yêu di sản cảm nhận rõ nét tình yêu và khát vọng lan tỏa giá trị của di sản Ca trù trong đời sống cộng đồng. Từ nghệ nhân cao tuổi đến những ca nương mới chỉ trên 10 tuổi đều cùng chung tình yêu đối với di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo Ca trù.

Công tác truyền dạy cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào để bảo đảm về chất lượng.

Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm 94 tuổi, người vừa được phong tặng danh hiệu năm nay, bày tỏ vui mừng khi Thành phố đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù trên địa bàn Hà Nội. Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm cho biết, quê ông ở thôn Cao Bạt, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, vốn là cái nôi của Ca trù.

Năm lên 6 tuổi, ông đã tiếp xúc với trống cơm, 8 tuổi đã kéo được nhị, lên 9 tuổi thành thục trống chầu. Sau khi đi bộ đội về Hà Nội sinh sống, ông thường đến nhà Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, bậc thầy về Ca trù để theo học. Thông thạo đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt và có vốn hiểu biết sâu sắc về ca trù, chèo, xẩm, quan họ, chầu văn, ông được đánh giá là "kho tư liệu sống" của âm nhạc dân tộc. Dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm vẫn nỗ lực truyền nghề cho thế hệ sau.

Khát vọng phục hưng, lan tỏa di sản Ca trù - Ảnh 4.

BTC trao giải thưởng cho các ca nương, CLB đoạt giải

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên) cho biết, mấy năm nay, các hoạt động giao lưu, trình diễn bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nghệ nhân rất nhớ nghề, nhớ sân khấu. Liên hoan lần này là cơ hội để các nghệ nhân và lớp học trò thể hiện tài năng; các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong truyền dạy.

"Những CLB, nhóm nghệ thuật ở xa trung tâm thành phố như CLB Ca trù Chanh Thôn thường rất khao khát có cơ hội gặp gỡ, trình diễn. Qua đó, các nghệ nhân vừa được giao lưu, vừa nhận thấy những hạn chế hay tiến bộ để khắc phục, phát huy...", Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ.

Ca nương nhí Nguyễn Mai Phương (13 tuổi, CLB Ca trù Thượng Mỗ, Đan Phượng) chia sẻ, đã có 2 năm tham gia lớp truyền dạy Ca trù của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam, chủ nhiệm CLB. Đều đặn mỗi tuần một buổi, con được học sử dụng phách và hát các thể cách cơ bản. "Với con, khó nhất là ghép phách với đàn, sao cho tiếng phách giòn, đều, đúng nhịp, sau nữa là làm sao giữ được hơi tốt khi hát, tiếng tròn đủ độ ngân, vang…", ca nương Mai Phương chia sẻ./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ