• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ai sẽ hành động trước trong cuộc chiến giá dầu Saudi - Nga?

Thế giới 19/03/2020 14:54

(Tổ Quốc) - Hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đang làm tràn ngập thị trường trong khi giá dầu suy sụp và đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu dầu toàn cầu cũng không thể tăng trưởng, theo Asia Times.

Cuộc chiến giá dầu khốc liệt, gây thiệt hại và sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm tê liệt nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới, đang chưa nhìn thấy hồi kết.

Nga và Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai và thứ ba thế giới, tuần trước đã thất bại trong việc đạt được thỏa thuận của OPEC + về hạn chế nguồn cung dầu

Thay vì đồng ý với một kế hoạch sẽ hỗ trợ không chỉ thị trường dầu mỏ mà cả nền kinh tế toàn cầu, hai đối thủ đã gia tăng thêm vào sự khó khăn đang diễn ra trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Giá dầu thô toàn cầu Brent được giao dịch ở mức thấp 30 USD/thùng vào thứ Hai, một mức thấp trong bốn năm qua và còn giảm thêm 5% xuống còn 28,6 USD/thùng vào ngày 17/3. Những con số này đồng nghĩa với mức thiệt hại lớn đối với các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông, Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ, bao gồm các nhà sản xuất dầu đá phiến.

Saudi sẵn sàng đương đầu

Saudi Arabia đã bắn phát súng đầu tiên vào ngày 6/3 khi tuyên bố sẽ mở các cửa xả lũ của bộ máy sản xuất dầu khổng lồ của mình.

Vương quốc này đã tăng sản lượng từ dưới 10 triệu thùng mỗi ngày (bpd) lên 12 triệu thùng/ngày và có thể cao tới 13 triệu thùng/ngày để bảo vệ và thậm chí tăng thị phần toàn cầu.

Ai sẽ hành động trước trong cuộc chiến giá dầu Saudi - Nga? - Ảnh 1.

Tổng sản lượng dầu thế giới là 80,6 triệu bpd trong năm 2019, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).

Để đạt được mức trên, vương quốc này sẽ sử dụng năng lực sản xuất dự phòng lớn - ở mức lớn nhất thế giới. Saudi cũng giảm giá cho nhiều khách hàng hiện tại của họ, tạo thêm áp lực giảm giá hơn nữa đối với giá dầu toàn cầu.

Nga cũng tiếp bước vụ cạnh tranh bằng cách tăng cường sản xuất của riêng mình. Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nói tuần trước rằng nước này có khả năng tăng sản lượng thêm 500.000 bpd.

Cả hai bên tuyên bố họ có thể vượt qua bên kia trong bất kỳ cuộc chiến giá dầu kéo dài nào. Điều này, các nhà phân tích ngành công nghiệp cho biết, đang tạo điều kiện cho một cơn bão trên thị trường dầu khi nguồn cung gia tăng mạnh còn nhu cầu thì sụt giảm mạnh.

Vậy ai có thể phải hứng chịu trước? Không rõ là Saudi hay Nga ở vị thế tốt hơn khi duy trì cuộc chiến giá dầu kéo dài.

Ai sẽ yếu thế hơn?

Thoạt nhìn, dường như Riyadh có thể cầm cự lâu hơn Moscow vì vương quốc này là một trong những nước có chi phí sản xuất dầu thấp nhất thế giới, được báo cáo là chưa đến 10 USD để sản xuất một thùng dầu.

Đồng thời, Saudi cũng có điểm hòa vốn tài chính cao nhất toàn cầu, mức giá cần thiết để cân bằng các sách quốc gia, vào khoảng 80 USD mỗi thùng. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt con số đó vào khoảng giữa của 80 USD.

Về phần mình, Nga có chi phí sản xuất cao hơn nhiều, trong khoảng từ 20 đến 40 USD/thùng tùy thuộc vào các đánh giá phân tích khác nhau.

Tuy nhiên, một lợi thế cho Nga là có chương trình thuế tài khóa linh hoạt. Năm ngoái, khi giá dầu trung bình vào khoảng giữa của 60 USD, thuế của chính phủ đã hỗ trợ chi phí cho các nhà sản xuất Nga.

Các nhà sản xuất Nga đã trả từ 34 -42 USD/thùng cho nhà nước bằng thuế khai thác và thuế xuất khẩu, theo tính toán của Bloomberg. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm, thuế sẽ giảm theo hệ thống thuế của Nga.

Pavel Molchanov, một nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Raymond James & Associates, một công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia, nói với CNBC tuần trước rằng nếu giá dầu ở mức 30 USD/thùng, nền kinh tế Ả Rập sẽ sụp đổ nếu cuộc chiến giá dầu kéo dài.

Thêm vào vấn đề nan giải của vương quốc này, nhà phân tích trên cho biết, Saudi Aramco hiện là một công ty giao dịch công khai, có nghĩa là bây giờ họ phải trả lời với các cổ đông khó chịu.

Các nhà đầu tư, chủ yếu là công dân Saudi đã mua cổ phiếu IPO Aramco của Saudi vào tháng 12 năm ngoái, đang nhìn thấy thua lỗ. Điều này gây áp lực to lớn lên [Hoàng Thái tử Saudi] Mohammed bin Salman (MBS), ông nói.

MBS được cho là người khởi xướng cuộc chiến giá dầu với Nga bằng cách cam kết mở các điểm sản xuất dầu.

Giám đốc điều hành Saudi Aramco Amin Nasser đã nói vào ngày 16/3 rằng Saudi Aramco sẽ tiếp tục bơm dầu để tăng mức cung toàn cầu và công ty của ông rất thoải mái với giá dầu 30 USD.

Còn Molchanov cho rằng Nga sẽ không thoải mái lâu với mức giá thấp như vậy. Ông đã chỉ ra một kịch bản mà Nga có thể phải hành động trước ngày 20/4, khi Nga sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về những thay đổi hiến pháp. Theo chuyên gia này, nếu những thay đổi mới được thông qua, ông Putin sẽ cần thể hiện một sự linh hoạt, bao gồm cả trong chính sách đối ngoại.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ