• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ lập kỷ lục hơn 30 triệu ca mắc Covid-19: Chuyên gia kinh tế cảnh báo về việc nới lỏng hạn chế

Thế giới 23/06/2021 20:24

(Tổ Quốc) - Ấn Độ lập kỷ lục với hơn 30 triệu ca mắc Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái.

Dữ liệu từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, quốc gia này thống kê khoảng 50.848 ca mắc mới trong ngày 23/6, nâng tổng số ca mắc của Ấn Độ lên 30,02 triệu.

Ấn Độ đạt đỉnh dịch 30 triệu ca mắc Covid-19: Chuyên gia kinh tế cảnh báo chiến lược mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Ấn Độ tiêm vaccine cho người dân tại trung tâm tiêm chủng vào ngày 10/6. Ảnh: Getty

Theo trang CNBC, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca mắc cao hơn Ấn Độ. Trong khi đó, quốc gia Nam Á này cũng đang hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ hai sau các báo cáo về số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong thời gian từ tháng Hai đến đầu tháng Năm. Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải và thiếu thốn các thiết bị y tế như oxy và thuốc men.

Biến thể của virus gây bệnh Covid-19 – Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và đang lây lan tới hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Delta có khả năng "thống trị" ở nhiều quốc gia bởi mức độ lây lan mạnh và nguy hiểm gây chết người.

"Chúng tôi cho rằng việc nới lỏng hạn chế trở lại có thể đã làm gia tăng các ca mắc mới", bà Priyanka Kishore – chuyên gia hàng đầu về vấn đề kinh tế Đông Nam Á và Ấn Độ  của Oxford Economics cho biết.

Vào năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng biện pháp phong tỏa trên cả nước kéo dài nhiều tháng nhằm kiềm chế mức đô lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, động thái này đã khiến cho nhiều người dân rơi vào tình trạng mất việc làm và suy thoái kinh tế. 

Một số nhà kinh tế, trong đó có chuyên gia Kunal Kundu từ Societe Generale cho biết đã xuất hiện làn sóng mất việc làm, thu nhập giảm, khủng hoảng y tế nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử Ấn Độ.

Nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ 3

Giới quan chức chính phủ, nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế khác cũng nhận định làn sóng dịch bệnh thứ ba có khả năng sẽ xảy ra tại Ấn Độ vào tháng 10.

Hãng Reuters đã thực hiện khảo sát từ 40 chuyên gia chăm sóc sức khỏe, bác sỹ, nhà khoa học, nhà virus học, dịch tễ học và giáo sư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hầu hết các ý kiến cho rằng làn sóng thứ ba của dịch bệnh trong tương lai sẽ được kiểm soát tốt hơn hiện tại.

Trong khi một số chuyên gia bày tỏ vaccine là cách tốt nhất giúp Ấn Độ vượt qua thời kỳ dịch bệnh thì một số các ý kiến khác cảnh báo động thái nới lỏng hạn chế của Delhi đang diễn ra quá sớm.

Theo cập nhật mới nhất, khoảng 5% dân số Ấn Độ đã tiêm đủ hai liều vaccine và đảm bảo khả năng miễn dịch. Vì vậy, chương trình tiêm chủng của nước này cũng đối mặt với nhiều thách thức, gồm cả sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin. 

Dữ liệu thống kê của trang phân tích dữ liệu "Our World in Data" cho biết, khoảng 16% dân số Ấn Độ chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine.

"Tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, phương án nới lỏng hạn chế vào thời điểm hiện tại được cho là chưa đảm bảo, đặc biệt ở các bang đông dân và phát triển kinh tế", ông Priyanka Kishore nhận định.

Các chuyên gia cho biết Ấn Độ cần phải xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng nông thôn để triển khai chương trình tiêm chủng. Giới chức trách địa phương cũng phải tạo niềm tin vaccine cho người dân để khuyến khích nhiều người tham gia tiêm chủng đầy đủ hơn.

Chính phủ Ấn Độ cũng phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí cho người trưởng thành. Báo cáo vào ngày 21/6 ghi nhận nước này đã đạt tiêm chủng kỷ lục với 7,5 triệu liều.

Cân nhắc nới lỏng hạn chế

Số ca mắc mới giảm trong các tuần gần đây mang đến hi vọng cho một số bang ở Ấn Độ về kế hoạch nới lỏng hạn chế. Một số trường học cũng có kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian dài nghỉ dịch. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, động thái này có thể gây ra phản tác dụng sau một thời gian dài cả nước gồng mình chống dịch.

"Tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp sẽ không đảm bảo an toàn để áp dụng biện pháp nới lỏng ở các khu vực đông dân và kinh tế phát triển", bà Priyanka Kishore – chuyên gia hàng đầu về vấn đề kinh tế Đông Nam Á và Ấn Độ  của Oxford Economics cho biết.

Theo bà  Priyanka Kishore, một số hạn chế nhất định vẫn phải được áp dụng vào các tháng tới. 

"Chúng tôi cho rằng chiến lược nới lỏng hạn chế cần phải thận trọng. Nếu không, các ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng và Ấn Độ lại phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế trong tương lai. Tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch bệnh thứ ba trong thời gian tới", chuyên gia Kishore của Oxford Economics nhấn mạnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ