(Tổ Quốc) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Delta rất dễ lây lan nhanh và đối tượng chịu rủi ro nhất là những người chưa tiêm chủng ngừa Covid-19.
Mức độ nguy hiểm của biến thể Delta
Đại dịch COVID-19 đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của biến thể Delta, còn biết đến là loại biến thể kép được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.
Vào ngày 21/6, giới chức WHO nói rằng đến nay, chưa có biến chủng Covid nào lại gây ra khả năng lây nhiễm cao và tử vong cao, nhưng Delta "là loại mạnh nhất, nhanh nhất và khoẻ nhất" trong số các biến chủng hiện có. WHO nói rằng Delta đang trở thành biến chủng phổ biến nhất của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Thời báo Ấn Độ cho biết, nước này đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm. Thậm chí, có người tái nhiễm Covid-19 chỉ 30 ngày sau khi khỏi bệnh. Việc tái nhiễm sau khi đã từng nhiễm Covid-19 hay tiêm vaccine là dấu hiệu cho thấy, mức độ nguy hiểm của biến thể Delta. Các nhà khoa học cho rằng, loại biến thể này tạo ra những đột biến làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể.
"Biến thể Delta đang trở thành biến thể thống trị trên thế giới do khả năng lây nhiễm gia tăng", bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng đánh giá biến thể Delta rất đáng lo ngại.
"Biến thể Delta đã lây lan mạnh sang 92 quốc gia. Hiện tại, loại biến thể này chiếm 10% trong số các ca mắc Covid-19 mới tại Mỹ", Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh thống kê.
Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO cho biết, biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ có khả năng gây ra tỷ lệ tử vong cao bởi mức độ lây lan mạnh trong cộng đồng và nguy cơ phát bệnh nặng đối với những người chưa tiêm phòng Covid-19.
Theo ông Ryan, tiêm chủng vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa mức độ lây lan của loại biến thể này trong cộng đồng.
"Chúng ta có thể bảo vệ những người rủi ro cao, chẳng hạn như các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, giống như Tổng Giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nói, thực tế chúng ta đã không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Đây là sự thất bại thảm hại trong cấp độ toàn cầu", ông Ryan khẳng định.
WHO cho biết biến thể Delta đang trở thành loại biến thể nguy hiểm của bệnh Covid-19 trên toàn thế giới.
Theo WHO, sau khi nghiên cứu, loại biến thể được dán nhãn "đáng lo ngại" bởi mức độ rủi ro lây lan mạnh, gây chết người hoặc kháng mạnh với các loại vaccine cũng như thuốc điều trị virus ngừa bệnh.
Thế giới cần vaccine
Tiến sỹ Paul Offit – Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại bệnh viện nhi Philadelphia cho biết loại biến thể này đã lây lan mạnh trên toàn cầu, bao gồm châu Âu và Mỹ trong đầu năm nay. Các nghiên cứu cho thấy mức độ truyền nhiễm của biến thể Delta cao hơn 60% so với biến thể Alpha – vốn đã được đánh giá lây lan nhanh ngay vào thời điểm đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.
"Chúng ta cần vaccine ngay bây giờ. Mọi người phải tiêm vaccine ngay lập tức", ông Offit nhấn mạnh.
Vương quốc Anh gần đây cảnh báo lo lắng về sự gia tăng biến thể Delta được tìm thấy trong các ca mắc Covid-19. Hiện loại biến thể này chiếm 60% trong các ca mắc mới ở Anh.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá các loại vaccine được tiêm ở Anh đã đạt hiệu quả cao đối với loại biến thể Delta nhưng phải tiêm đủ hai liều.
Trong các báo cáo, giới chức WHO cảnh báo biến thể Delta đang gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhưng vẫn phải nghiên cứu thêm để xác minh kết quả chính xác.
"Chưa có loại biến thể nào cho thấy khả năng lây truyền cao gây ra tỷ lệ gây tử vong cao. Tuy nhiên, loại biến thể Delta lại cho thấy mức độ rủi ro như vậy", các quan chức của WHO nhấn mạnh.
Trong khi ông Ryan khẳng định biến thể Delta đang lây truyền nhanh hơn và gây bệnh nặng đối với những người chưa tiêm chủng thì bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO cảnh báo mức độ nguy hiểm của người dân khi không tiêm vaccine kịp thời.
Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia phát triển, bao gồm cả Mỹ nên hỗ trợ vaccine toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Biden vừa thông báo hỗ trợ 55 triệu liều vaccine vào cuối tháng này thông qua chương trình COVAX và hỗ trợ trực tiếp.
"Các loại vaccine sẽ có hiệu quả cao trong phòng ngừa bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao. COVAX, WHO và tất cả đối tác của chúng tôi đều mong muốn vaccine sẽ nhanh chóng đến với tất cả mọi người, đặc biệt là những người rủi ro cao nhất", ông Van Kerkhove khẳng định.
Vào ngày 21/6, Ấn Độ ghi nhận thêm 53.256 ca nhiễm mới và 1.422 ca tử vong do COVID-19. Bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là "Delta plus" (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ.