(Tổ Quốc) - Theo CNN, kế hoạch nới lỏng hạn chế của Anh đối mặt với thách thức sau khi quốc gia này phát hiện sự xuất hiện của biến thể Delta (B.1.617.2).
Trì hoãn nới lỏng hạn chế
Biến thể Delta đã gây nên diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại trên thế giới sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên ở Ấn Độ và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê là loại biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu vì khả năng lây truyền tăng lên đáng kể. Nhiều quốc gia cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta chính là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát Covid-19 gần đây.
Mặc dù Anh đã triển khai thành công chương trình vaccine đảm bảo một nửa tổng dân số đã tiêm đủ hai liều nhưng sự xuất hiện của biến thể Dlelta đã khiến cho nguy cơ dịch bệnh có thể tiếp tục quay trở lại. Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng cảnh báo tới người dân về sự nguy hiểm của loại biến thể này đồng thời tuyên bố kéo dài các biện pháp hạn chế tới ngày 19/7.
"Hiện chưa phải là thời điểm để chúng ta có thể nới lỏng các hạn chế. Giai đoạn này phải thật sự thận trọng. Chúng ta phải chờ thêm 4 tuần nữa để người dân Anh có thể được tiêm chủng nhiều hơn nữa", Thủ tướng Johnson nói trong cuộc họp báo ở Downing Street.
Biến thể Delta hiện đang gia tăng ở Anh và Chính phủ nước này lo ngại số ca nhập viện sẽ tăng cao giống như làn sóng dịch bệnh đầu tiên ở nước này nếu Anh quyết định nới lỏng hạn chế vào tuần này.
Theo CNN, Chính phủ Anh có kế hoạch sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân trong 4 tuần tới nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro do biến thể mới gây ra.
"Chương trình tiêm chủng sẽ giảm đáng kể việc lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 và người dân sẽ được bảo vệ hoàn toàn sau khi tiêm đủ hai liều. Các ca mắc và tử vong sẽ giảm đáng kể trong những tuần tới", Thủ tướng Anh Johnson nhận định.
Biến chủng Delta của Ấn Độ đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực Thái Bình Dương.
"Chúng ta đang quá tập trung vào việc triển khai chương trình vaccine mà để lọt một biến thể dễ lây truyền hơn và có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch cộng đồng", bà Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Queen Mary ở London nhận định.
Bộ Y tế công cộng Anh (PHE) trong báo cáo ngày 14/6 cho biết, hai loại vaccine chính được sử dụng ở Anh đều có hiệu quả cao phòng chống loại biến thể Delta. Vaccine Oxford/AstraZeneca đạt hiệu quả 92% với loại biến thể này sau khi tiêm đủ hai liều, trong khi vaccine Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả bảo vệ 96% .
Như vậy, Anh sẽ tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người dân trong 4 tuần tới bằng cách rút ngắn khoảng cách thời gian tiêm chủng giữa hai liều. Với người dân ở độ tuổi 40 trở lên, khoảng cách giữa hai liều có thể giảm từ 12 tuần xuống còn 4 tuần.
Người dân Anh mệt mỏi
Hầu hết người dân Anh ủng hộ biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm khắc của Chính phủ, chỉ có số ít ý kiến tỏ ra ái ngại vì kế hoạch tự do cho mùa hè của họ buộc phải trì hoãn.
Kể từ 23/3/2020, nước Anh đã áp dụng các biện pháp hạn chế. Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi mọi người dân ở nhà để phòng chống Covid-19.
Kể từ thời điểm đó, câu chuyện về phòng, chống Covid-19 của Anh đã trải qua vô số thăng trầm, từ hệ thống xét nghiệm thất bại đến hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày vì dịch bệnh. Một số ý kiến bày tỏ không thoải mái với kế hoạch nới lỏng hạn chế sau khi nước này đã triển khai thành công chương trình tiêm chủng vaccine.
Một thành viên kỳ cựu của Quốc hội thừa nhận biến thể Delta đang lây lan rất nhanh trong cộng đồng, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong và tình trạng nhập viện tương đối thấp không hề ảnh hưởng nhiều đến quá trình nới lỏng hạn chế. Sự trì hoãn việc nới lỏng hạn chế sẽ chỉ khiến Anh trở nên khủng hoảng kinh tế và giảm chất lượng cuộc sống.
Hàng nghìn người dân Anh đã phải trì hoãn lễ cưới của họ trong suốt 15 tháng qua. Mọi người đang chờ đợi cơ hội nới lỏng hạn chế vào ngày 14/6. Tuy nhiên, kế hoạch đã phải hoãn lại.