(Tổ Quốc) - Ấn Độ mới đây nhất đã áp đặt nhiều rào cản thương mại mới đối với một số nước láng giềng.
Theo Bloomberg, động thái này chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề biên giới và quan hệ kinh tế giữa 2 bên xấu đi.
Trang Bloomberg đã dẫn một tuyên bố chính thức cho biết, các công ty từ các quốc gia có chung biên giới đất liền với Ấn Độ bị cấm đấu thầu hợp đồng đối với hàng hóa và dịch vụ của chính phủ cho đến khi họ đăng ký với bộ công nghiệp nước này. Trước đây, New Delhi đã bắt buộc các nhà cung cấp phải đề cập đến quốc gia xuất xứ trong khi đấu thầu.
Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các bước được thực hiện bởi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm để Ấn Độ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc - nguồn nhập khẩu lớn nhất của New Delhi. Trước đó, chính quyền nước này đã cấm sử dụng 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong khi hàng hóa mua từ Trung Quốc bị trì hoãn tại các cảng Ấn Độ sau khi xảy ra xung đột giữa hai nước láng giềng dọc biên giới Himalaya.
Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học King College, London, cho biết, động thái của Ấn Độ để lập rào cản trong các lĩnh vực chủ chốt ra tín hiệu rằng quốc gia Nam Á này sẵn sàng chịu cái giá phải trả trong thời gian ngắn để giảm tiếp xúc trong các lĩnh vực quan trọng. Những động thái như vậy là một phản ứng có tính toán để định hình bước đi của Trung Quốc về vấn đề biên giới đang ngày càng nghiêm trọng, trong trường hợp không có bất kỳ cam kết nào của Trung Quốc để giải quyết một cách thân thiện".
Diễn biến này diễn ra vào thời điểm cả hai quốc gia đang tham gia vào các cuộc đàm phán để xoa dịu căng thẳng biên giới. Ấn Độ hôm thứ Năm cho biết họ hy vọng phía Trung Quốc sẽ chân thành trong việc hoàn tất quá trình giảm quân dọc theo Đường kiểm soát thực tế LAC giữa 2 nước.
Theo Bloomberg, một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Ấn Độ đã không trả lời ngay lập tức một câu hỏi bằng văn bản là các biện pháp kiềm chế gần đây là nhằm vào Trung Quốc hay không.