• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ẩn tình” đối đầu Doklam, Ấn Độ ra tín hiệu với Mỹ

Thế giới 17/08/2017 13:29

(Tổ Quốc) - Các động thái cứng rắn của Ấn Độ trong căng thẳng với Trung Quốc phản ánh vị thế của họ là một đối tác của Hoa Kỳ trong việc duy trì trật tự toàn cầu.  

Căng thẳng Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang dấy lên sóng gió quân sự nghiêm trọng trên cao nguyên dọc biên giới Trung Quốc - Bhutan. Dù gọi đây là chỉ là sóng gió trong quan hệ, không thể phủ nhận một thực tế: để hỗ trợ Bhutan, Ấn Độ đã đưa quân đội của họ vào lãnh thổ nước ngoài để đẩy lùi quân của Trung Quốc và kêu gọi xúc tiến cuộc đàm phán hoà bình để giải quyết tranh chấp biên giới.

Căng thẳng Trung Quốc- Ấn Độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Điều này đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc khu vực và là một dấu hiệu mạnh mẽ để Washington thấy rằng sự tăng cường vai trò của Ấn Độ như một cường quốc lớn đang được thúc đẩy.

Mỹ- Ấn khởi sắc?

Mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Ấn Độ, phần lớn trì trệ từ những năm 1960 cho đến đầu những năm 2000, đã được tăng cường nhanh chóng trong ba năm trở lại đây. Mối quan hệ quốc phòng này có nền tảng và nguyên lí mới rất quan trọng, được thể hiện trong các văn bản trọng yếu như "Tầm nhìn Chiến lược chung cho Khu vực châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương" - ký kết vào tháng 1/2015 và bản tái điều chỉnh “Khung hợp tác quốc phòng” giữa hai bên được kí vào tháng 6/2015.

Hoa Kỳ đã trở thành đối tác quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ, cả về các hoạt động diễn tập cũng như việc mua bán thiết bị, vũ khí. Và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thiết lập các văn phòng va các chương trình chỉ tập trung vào Ấn Độ - điều khác biệt với bất kỳ quốc gia nào khác, bao gồm Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng (DTTI) và nhóm phản ứng nhanh Ấn Độ (IRRC).

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều về mối quan hệ Mỹ - Ấn trong nội bộ chính trường Mỹ. Ngọn đuốc của việc xúc tiến hợp tác song phương đang được duy trì bởi một nhóm nhỏ những chiến lược gia, những người tin rằng an ninh châu Á sẽ sớm dựa vào, ít nhất một phần, đôi vai của Delhi. Trong khi đó, những người bi quan lại quan ngại về sự xa cách lịch sử của cả hai quốc gia, mối quan hệ gần gũi của Ấn Độ với Nga, hoặc những mối liên hệ của Ấn Độ với các tổ chức muốn giảm ảnh hưởng của phương Tây như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Và trên hết, họ chỉ ra rằng Ấn Độ rất ít thể hiện vai trò trong lịch sử và cũng không quan tâm đến việc đóng góp tiếng nói về các vấn đề an ninh quan trọng sống còn đối với Hoa Kỳ.

Một cam kết mơ hồ rằng "một Ấn Độ mạnh hơn là điều tốt cho an ninh toàn cầu" không đủ để giành chiến thắng trong cuộc tranh luận trên và đã giảm sự quan tâm rộng hơn của Mỹ trong mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng với Ấn Độ.

Dù vậy, trên thực tế có rất nhiều bằng chứng chứng minh luận điểm của những người bi quan. Ấn Độ trước đó không có phản ứng về vụ việc Nga và Gruzia; nước này cũng không tham gia Liên minh Toàn cầu chống Daesh (IS), và Ấn Độ gần đây cũng mới lên tiếng về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù vậy, quân đội Ấn Độ đã có một vai trò quan trọng trong việc sơ tán người dân Yemen vào tháng 4/2015 và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Nepal trong cùng tháng đó sau một trận động đất lớn. Quân đội Ấn Độ cũng đã tham gia vào cuộc chống khủng bố ở Myanmar (tháng 6/2015) và Pakistan (tháng 9/2016). Và Hải quân Ấn Độ cũng đã đóng một vai trò hữu ích dù khiêm tốn trong các hoạt động chống cướp biển những năm qua. Tuy nhiên, không có hoạt động nào được xem là có ý nghĩa đặc biệt ở Washington D.C.

Ấn Độ tăng cường thể hiện quyền lực

Vào đầu tháng 6, quân đội Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu mở một con đường vào một khu vực dọc biên giới Trung Quốc-Bhutan – nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Hai bên trước đó đã đồng ý giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, mặc dù nhiều vòng đàm phán giữa Trung Quốc và Bhutan đã chưa đi đến kết luận. Theo cây viết Richard M Rossow cho The Diplomat, dự án đường mới trên là một nỗ lực rõ ràng để thay đổi hiện trạng có lợi cho Trung Quốc.

Khoảng ngày 18/6, quân đội Ấn Độ đã tiến vào vùng lãnh thổ trên và thành công ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc xây dựng thêm ở đây. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi khoảng 350 lính Ấn Độ đối mặt với 300 lính Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian sau đó, Ấn Độ ngày càng thể hiện rõ sự lo ngại của họ đối với kế hoạch Nhất đới nhất lộ của Trung Quốc (BRI), đặc biệt là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), đi qua khu vực Kashmir - nơi Pakistan và Ấn Độ tranh chấp lãnh thổ. Những mối quan ngại của Ấn Độ về BRI đã được phản ánh trong Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 6 giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump ở Washington D.C.

Trong hai mươi năm qua, đã có những khoảnh khắc quan trọng trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Ấn Độ - điều giúp tạo ra sự chuyển dịch trong quan hệ đối tác chiến lược song phương. Các điểm nổi bật mấu chốt này bao gồm các vụ thử hạt nhân năm 1998 của Ấn Độ; sự ủng hộ của Mỹ đối với lập trường của New Delhi trong cuộc xung đột Kargil năm 1999; sự ủng hộ của Ấn Độ đối với kế hoạch của Tổng thống George W. Bush nhằm tạo ra lá chắn phòng thủ tên lửa; và thông báo chung song phương năm 2005 rằng hai bên sẽ bắt đầu chia sẻ công nghệ hạt nhân dân dụng.

Do đó, theo chuyên gia Richard M Rossow, động thái của chính phủ Ấn Độ trong việc đưa quân tới can thiệp vào tranh chấp biên giới Trung Quốc-Bhutan được coi là một sự kiện quan trọng tương tự.

Thế giới muốn thấy hai cường quốc Trung - Ấn giảm leo thang và giữ được thể diện. Mặc dù có những lời “hùng biện” mạnh mẽ, nhưng không có bức ảnh nào được đưa ra và các quan chức cấp cao của cả hai quốc gia sắp tới sẽ có nhiều cơ hội để gặp gỡ và cố gắng tìm ra một giải pháp cân bằng cho bế tắc hiện tại. Có lẽ điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy cả Trung Quốc và Bhutan tiếp cận đàm phán tranh chấp biên giới trong tương lai gần.

Và đối với Mỹ, Washington phải nhận ra rằng họ đã nhận được một tín hiệu rõ ràng và vang dội rằng Ấn Độ sẵn sàng thực hiện các bước đi quan trọng để đóng góp vào trật tự toàn cầu. Điều này cũng nên góp phần vào việc thúc đẩy nỗ lực của cả hai bên để  tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác an ninh mới nổi.

(Theo The Diplomat)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ