• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu nguy hiểm cho căng thẳng biên giới Trung Quốc- Ấn Độ

Thế giới 13/08/2017 10:36

(Tổ Quốc) - Một báo cáo mới đây đặt ra tín hiệu nguy hiểm về sự sẵn sàng trong năng lực quốc phòng của Ấn Độ trong đối đầu Doklam với Trung Quốc.  

Một báo cáo mới đây từ Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đặt ra tín hiệu nguy hiểm về sự sẵn sàng trong năng lực quốc phòng của nước này.

Khi Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng của họ trên cao nguyên Doklam ở khu tam giác Sikkim-Bhutan-Tây Tạng, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang đồn thổi về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.

Tranh chấp hiện nay là giữa Trung Quốc và Bhutan chứ không phải Ấn Độ. Tuy nhiên, do New Delhi có một hiệp ước hữu nghị với Bhutan, bao gồm việc bảo vệ chủ quyền của đối tác, Ấn Độ đã đưa quân tới Doklam để đẩy quân đội Trung Quốc ra khỏi khu vực tranh chấp.

Trung Quốc đang mếch lòng với Ấn Độ vì lãnh thổ tranh chấp không thuộc về Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ lo ngại rằng nếu Trung Quốc xây dựng một con đường trên cao nguyên này thì đây có thể là một phương tiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh của Ấn Độ vì Bắc Kinh sẽ dễ dàng tiếp cận khu vực Đông Bắc Ấn Độ qua hành lang Siliguri.

Ấn Độ đã đẩy mạnh thể hiện mối quan ngại về an ninh với Trung Quốc và đã đưa ra một giải pháp, trong đó quân đội hai bên rút khỏi khu vực tranh chấp và duy trì hiện trạng cho đến khi có một giải pháp cuối cùng được tìm ra.

Trung Quốc đã không đáp lại đề xuất của Ấn Độ rằng cả hai nước đẩy lính của họ cách lãnh thổ tranh chấp 250 m. Thay vào đó, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ phải đơn phương rút quân ra khỏi cao nguyên Doklam, trong khi Bắc Kinh từ chối làm điều tương tự. Trung Quốc cũng từ chối tất cả các động thái ngoại giao từ Ấn Độ để giải quyết vấn đề một cách hữu nghị.

Sức mạnh quân sự Ấn Độ tới đâu?

Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã đưa một báo cáo tới Quốc hội Ấn Độ vào ngày 21/7, đặt ra một số lo ngại nghiêm trọng về sự sẵn sàng phòng ngừa của Ấn Độ. Trong bối cảnh, Ấn Độ đang đối mặt với căng thẳng từ cả Pakistan và Trung Quốc, báo cáo CAG đưa ra những nghi ngờ nghiêm trọng về năng lực quốc phòng của Ấn Độ. Trong số những mối quan tâm khác, báo cáo cũng tìm ra những sai sót nghiêm trọng trong việc bảo trì máy bay vận tải IL-76 và nâng cấp máy bay chiến đấu, cũng như năng lực của các hệ thống tên lửa của Ấn Độ.

Năng lực quân sự Ấn Độ cần cho thấy sự cải thiện nhiều hơn. (Nguồn: AFP)

Quân đội Ấn Độ cho biết họ muốn có 42 phi đội máy bay, khoảng 750 máy bay, để có thể bảo vệ chống lại một cuộc tấn công hai mũi từ Trung Quốc và Pakistan. Tuy nhiên, với những máy bay phản lực cũ như MiG-21, được đưa vào sử dụng lần đầu vào năm 1960 và sắp được cho nghỉ hưu sớm, nước này chỉ có thể đạt được mục tiêu có 22 phi đội máy bay vào năm 2032.

Hạm đội các máy bay quân sự cũ của Ấn Độ đã phải gánh một tỷ lệ đáng báo động của tai nạn, bao gồm 39 vụ trong bốn năm qua, theo dữ liệu được công bố vào tháng hai. Kể từ đó, đã có nhiều tai nạn hơn, trong đó có hai máy bay MiG-21 rơi vào tháng 9/2016.

 Trong khi đó, cũng theo báo cáo của CAG, trong số 80 hệ thống tên lửa được nhận từ Bharat Electronics Limited, 30% hệ thống tên lửa Akash thất bại trong cuộc kiểm tra cơ bản. Báo cáo nhấn mạnh rằng "những tên lửa này đã rơi xuống gần mục tiêu, thấp hơn vận tốc yêu cầu, và đã có sự cố hỏng hóc của các đơn vị quan trọng". Không quân Ấn Độ (IAF), phản hồi với CAG vào tháng 3/2017, nói rằng "động thái thay thế các tên lửa thất bại đã được thực hiện."

CAG cũng chỉ ra rằng mặc dù chính phủ Ấn Độ thông báo vào năm ngoái rằng họ sẽ triển khai tên lửa Akash tại sáu địa điểm được chỉ định gần biên giới Ấn Độ-Trung Quốc như một động thái răn đe – tuy nhiên, nước này chưa thành công trong việc lắp đặt tên lửa tại một địa điểm duy nhất. Báo cáo còn cho biết thêm rằng tỷ lệ thất bại của tên lửa này là quá cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Báo cáo của CAG là một thách thức lớn đối với nỗ lực bản địa hoá của sáng kiến "Make in India" do Thủ tướng Modi đưa ra để giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào vũ khí nhập khẩu. Một phát hiện nguy hiểm khác là, đối với 40% các loại đạn dược quan trọng, quân đội Ấn Độ chỉ có đủ trữ lượng để chống cự trong 10 ngày chiến đấu.

Cân nhắc kịch bản chiến tranh

Trung Quốc có thể đã nghiên cứu báo cáo của CAG về sự sẵn sàng của quân đội Ấn Độ và do đó đã “mạnh tay” cảnh báo Ấn Độ về các hậu quả nghiêm trọng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.

Sức mạnh quân sự đang nghiêng về phía Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đang vượt trội hơn so với New Delhi về khả năng phòng thủ chung. Trung Quốc nhiều hơn Ấn Độ gần một triệu quân, gấp 5 lần tàu ngầm và xe tăng, hơn gấp đôi số máy bay quân sự, và gần gấp đôi số tàu chiến. Trung Quốc cũng có số đầu đạn hạt nhân nhiều gấp ba lần hơn Ấn Độ. Hơn nữa, ngân sách phòng thủ của nước này là 152 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với 51 tỷ USD của Ấn Độ.

Mặc dù có lợi thế về quân sự, Bắc Kinh không đạt được gì nhiều nếu tấn công Ấn Độ. Kinh tế Trung Quốc có hoạt động thương mại bất cân đối với Ấn Độ, và trong trường hợp chiến tranh, Trung Quốc sẽ bị mất rất nhiều lợi ích nếu họ chọn tấn công Ấn Độ.

Hơn nữa, khi cả hai nước đều có năng lực hạt nhân, Ấn Độ có thể thực hiện lựa chọn hạt nhân nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực với Ấn Độ. Hơn nữa, một cuộc chiến tranh có thể buộc Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình chính thức tham gia trục liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản, bao gồm việc có thể gửi tàu khu trục nhỏ của nước này đến Biển Đông.

Trung Quốc nhận ra rằng họ có thể không thành công trong việc “áp đảo” Ấn Độ, đặc biệt là dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ông Modi đã thực hiện nhiều bước đi để xây dựng năng lực của Lục quân, Không quân và Hải quân Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã quyết định phân bổ 416 tỷ USD trong khoảng thời gian 5 năm để tăng cường và hiện đại hóa lực lượng của nước này để chuẩn bị tốt hơn nếu xảy ra kịch bản bị nước láng giềng tấn công.

 Tuy nhiên, chiến tranh không phải là một lựa chọn cho Ấn Độ với khả năng sẵn sàng của quân đội hiện nay. Họ cần phải giải quyết các tranh chấp biên giới thông qua đối thoại. Hơn nữa, vào thời điểm mà Trung Quốc đang cố gắng tăng cường hiện diện để trở thành đối trọng với sức mạnh của Hoa Kỳ, một cuộc chiến tranh với Ấn Độ sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với uy tín của Bắc Kinh trong khu vực. Lãnh đạo của cả hai nước cần thể hiện sự khôn ngoan và chín chắn để chấm dứt bế tắc hiện nay thông qua đối thoại.

 (Theo The Diplomat) 

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ