(Tổ Quốc) - Nga đang xây dựng một cây cầu trên đất liền tới châu Âu thông qua Trung Đông.
Khi Washington sẵn sàng cho sự suy giảm vai trò ở Trung Đông, Moscow đang đặt nền móng cho sự hiện diện đáng kể, lâu dài Bằng cách có được các đường ống và quyền thăm dò ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Lebanon và Syria.
Mạng lưới dự án hoành tráng
Điều này cũng sẽ củng cố vai trò của Nga là nhà cung cấp khí đốt chính của Châu Âu và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Nga đã cung cấp 35% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu, và từ lâu đã nỗ lực chống lại mọi nỗ lực của châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Lúc này, trong khi lo lắng về mối quan hệ với Ukraine – nơi đặt ống dẫn cho hầu hết năng lượng xuất khẩu của Nga sang châu Âu thì việc xây dựng một mạng lưới vận chuyển năng lượng qua Trung Đông sẽ cho phép Moscow tiếp tục nắm giữ vị thế này.
Trong mạng lưới mới, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm trung chuyển quan trọng nhất. Công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga đã vận hành đường ống Dòng chảy Xanh, nơi xử lý khoảng 16% lượng khí đốt của Moscow đến châu Âu, thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Bây giờ, một đường ống thứ hai, đường ống Thổ Nhĩ Kỳ - TurkStream, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trước cuối năm nay và sẽ vận chuyển khoảng 14% lượng khí đốt của Moscow sang châu Âu, qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược trong các dự án năng lượng của Nga. (Nguồn: AFP/Getty)
Và cùng với Dòng chảy phương Bắc 2 - Nord Stream 2 đang xây dựng, cả ba sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga, đồng thời thúc đẩy sự căng thẳng sâu sắc hơn giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu EU về việc Nga sử dụng cơ sở hạ tầng năng lượng làm quân bài chính trị.
Một nhánh khác của mạng lưới mới sẽ chạy qua khu vực người Kurd bán tự trị ở Iraq trước khi kết nối với mạng lưới đường ống Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu. Vào tháng 9 năm 2017, trước khi chính phủ Kurdistan (KRG) tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, công ty năng lượng nhà nước Nga Rosneft đã ký một thỏa thuận với KRG về tài trợ cho đường ống dẫn khí đốt trị giá 1 tỷ USD từ Kurdistan tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống dự kiến có thể đáp ứng khoảng 6% nhu cầu khí đốt hàng năm của Châu Âu. Và sau đó, vào tháng 10/2017, Rosneft đã thể hiện sự quan tâm về quyền kiểm soát đối với một đường ống dẫn dầu KRG hiện có đến Thổ Nhĩ Kỳ với giá 1,8 tỷ USD. Đường ống đó là trung tâm của mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền trung ương Iraq và KRG kể từ năm 2013, khi Erbil bắt đầu đơn phương xuất khẩu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống này - một động thái mà Baghdad chỉ trích là vi phạm hiến pháp.
Tại Syria, trong khi đó, Nga đã giành được quyền độc quyền sản xuất dầu khí của nước này vào tháng 1/2017. Trên giấy tờ, số tiền đó không nhiều: trữ lượng dầu đã được chứng minh ở Syria là 2,5 tỷ thùng (chiếm khoảng 0,2% thị phần toàn cầu) và trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh là không đủ để đáp ứng ngay cả tiêu thụ trong nước. Nhưng điều giá trị chính đối với Moscow, như Thổ Nhĩ Kỳ, nằm ở vị trí là trung tâm vận tải cho xuất khẩu.
Lúc này, khi Syria đang bước vào tái thiết, các kế hoạch năng lượng của Nga tại đây có thể sẽ được ưu tiên. Với việc chính quyền Trump quyết định rời khỏi Syria khi Nga vẫn kiên quyết ở đó, bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng năng lượng nào đi qua Syria sẽ cần sự chấp thuận của Moscow.
Bên cạnh đó, Nga đã tăng cường quan hệ thương mại với Lebanon như một phần trong nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, với thương mại giữa Nga và Lebanon tăng gần gấp đôi từ 423 triệu đô la năm 2016 lên 800 triệu đô la vào năm 2018. Ngành dầu khí ngoài khơi của Lebanon cũng thúc đẩy hợp tác với các công ty Nga. Công ty Novatek của Nga đã giành được 20% cổ phần trong hai bloc thăm dò ngoài khơi vào năm ngoái. Nhiều bloc dự kiến sẽ được bán đấu giá trong năm nay.
Nhưng mối quan tâm hàng đầu của Nga ở Lebanon là một đường ống dẫn đến Syria. Vào tháng 1, Rosneft đã ký một thỏa thuận 20 năm về quản lý và nâng cấp một cơ sở chứa dầu ở Tripoli, Lebanon, cách biên giới Syria chỉ 18 dặm và 37 dặm từ cảng Tartus của Syria - nơi Nga có quyền kiểm soát. Giá trị thỏa thuận được giữ bí mật, nhưng vị trí cơ sở gần với Syria có thể cho phép Moscow sử dụng nó để chuyển giao nhiên liệu cho chính quyền ông Assad, một hoạt động mà các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã tìm cách ngăn chặn.
Con đường Mỹ phá rào?
Dù vậy, cây cầu năng lượng Moscow dường như chưa phải là điều sắp xảy ra. Tái thiết Syria vẫn còn nhiều năm nữa và giá trị của đất nước này như là một trung tâm năng lượng sẽ không có giá trị khi họ còn bị tê liệt trước các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đang giữ vị trí hiệu quả ngay lập tức cho tham vọng năng lượng của Moscow, trong khi cách tiếp cận của Nga đối với Lebanon và Syria chứng tỏ rằng Moscow đang hướng tới ván bài lâu dài bảo đảm và mở rộng độc quyền năng lượng đối với châu Âu.
Nếu Nga thành công trong kế hoạch của mình, những tác động đối với an ninh châu Âu sẽ rất sâu sắc. Một châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga sẽ giảm đi sức ép đáng kể đối với Điện Kremlin. Và khi nhu cầu năng lượng của châu Âu dự kiến sẽ tăng lên, các nước châu Âu có nguy cơ bước vào mối quan hệ lệ thuộc với Moscow.
Các kế hoạch của Nga cũng có thể làm giảm ảnh hưởng ở một khu vực mà Washington trong lịch sử là người bảo đảm an ninh chính. Khi Washington thảnh thơi rời khỏi Trung Đông, Moscow đang làm điều ngược lại, sử dụng các dự án năng lượng để kết nối với chính quyền khu vực.
Việc chống lại các kế hoạch của Nga có thể là khó khăn. Mặc dù Síp và Israel, các đồng minh của Hoa Kỳ, cả hai đều có lượng dự trữ khí đốt đáng kể, nhưng thực tế không thể cung cấp cho châu Âu vào thời điểm này. Sự phát triển của khu vực ngoài khơi đảo Síp bị cản trở bởi cuộc xung đột lâu dài với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, một đường ống trên đất liền từ Israel đến châu Âu sẽ phải đi qua Lebanon và Syria, điều này là không thể, trong khi một đường ống dưới nước sẽ phải đi qua lãnh hải của người Síp, điều cũng sẽ gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Washington không hoàn toàn không còn lựa chọn nào. Hoa Kỳ có thể tìm cách phát triển các tuyến xuất khẩu khí đốt thay thế vào châu Âu bằng cách tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí chiến lược theo các điều kiện thuận lợi tại các thị trường trọng điểm của châu Âu, bao gồm các cơ sở tái chế khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này cũng có thể là một giải pháp linh hoạt giải quyết các thách thức hậu cần của việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Israel và các khu vực khác ở Đông Địa Trung Hải. Cách tiếp cận này sẽ cho phép khí dự phòng được sản xuất tại Israel – nằm ngoài lượng xuất khẩu theo hợp đồng dài hạn - được bán sang châu Âu trên thị trường giao ngay một cách linh hoạt hơn.
Mặc dù môi trường chính trị hiện tại ở Hoa Kỳ khiến cho việc hỗ trợ tài chính bổ sung cho châu Âu gặp nhiều thách thức, nhưng điều đó không hoàn toàn là không thể. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã báo hiệu rằng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu là ưu tiên hàng đầu và chính quyền nên hợp tác với các đối tác châu Âu để thực hiện mục tiêu đó và ngăn cản cây cầu năng lượng Trung Đông của Moscow. An ninh năng lượng của châu Âu và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông là quá quan trọng để nhượng lại cho Nga.