(Tổ Quốc) - Nhu cầu có một sân chơi lành mạnh, có tính giáo dục cao, hoạt động ổn định như sân khấu kịch cho thiếu nhi là có thật. Tuy nhiên, nhiều cái khó bó tay người tâm huyết với lĩnh vực sân khấu thiếu nhi.
Sau bài viết "Quá khan hiếm sân khấu kịch cho thiếu nhi", Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn Nguyễn Hiếu- tác giả kịch bản của nhiều vở kịch thiếu nhi - về khó khăn trong việc sáng tác kịch bản trong lĩnh vực này.
Cần nhiều hơn nữa sân khấu cho thiếu nhi
+ Thưa nhà văn Nguyễn Hiếu, hiện nay, sân khấu thiếu nhi, đặc biệt là sân khấu dành cho thiếu nhi ở miền Bắc đang rất khan hiếm, cả về kịch bản lẫn vở diễn. Là một nhà văn từng viết kịch bản và tác phẩm dành cho thiếu nhi, ông có nhận xét như thế nào về tình trạng kịch bản cho sân khấu thiếu nhi?
- Sân khấu nói chung hiện nay đang gặp một thử thách lớn. Người xem ngày một ít vồ vập. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nổi lên rõ nhất là sân khấu nước ta đang từ bỏ đặc trưng thánh đường của thể loại. Đó là không nói điều khán giả cần xem, không phản ánh mâu thuẫn lớn, những bức xúc của đời sống xã hội, thông điệp khán giả đang quan tâm, trông chờ. Sân khấu thiếu nhi lại càng khủng hoảng hơn vì hầu như các đơn vị sân khấu không coi trọng khán giả nhỏ tuổi. Trừ Nhà hát Tuổi trẻ với chức năng của mình và trong các dịp dành cho thiếu niên, nhi đồng vẫn thực hiện các vở kịch thiếu nhi.
Từ thực trạng đáng buồn đó nên lực lượng tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi teo tóp dần, kịch bản dành cho các cháu cũng ngày càng hiếm hoi. Là một nhà văn đã từng viết tác phẩm nhiều thể loại cho các cháu (kịch bản "Cu Tũn thích làm người lớn","Quân khu chúng tôi chọn chỉ huy", truyện dài "Trẻ con làng mình", truyện đồng thoại "Chiếc chổi chim sâu", thơ "Leng keng tàu điện"…) tôi thực sự buồn vì thực trạng này.
+ Theo ông, kịch bản sân khấu dành cho thiếu nhi có khó viết không? Lý do gì khiến sân khấu thiếu nhi khan hiếm?
- Maxim Gorky từ đầu thế kỷ 20 đã khẳng định "kịch bản là thể loại khó nhất trong văn chương". Kịch bản dành cho thiếu nhi lại khó gấp bội. Bởi vì ngoài tình yêu phải thật đắm say và có trách nhiệm với trẻ em thì kịch tác gia cần một sự am hiểu về tâm lý, cách sống, niềm vui, sự yêu thích và nhất là ngôn ngữ, tính cách đặc trưng của trẻ.
Hầu hết các kịch tác gia đều đã vượt qua tuổi thiếu thời đã lâu, làm sao gạt bỏ đi dấu ấn nặng nề của thời gian cả thể chất và tinh thần để có thể hòa đồng với tâm lý trẻ mà viết ra những gì tạo nên sự hấp dẫn và phù hợp với trẻ là cực kì khó nếu không có sự am hiểu và tình yêu.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
Lý do hiếm kịch bản cho thiếu nhi vẫn từ sự thiếu quan tâm của các nhà quản lý, sự thờ ơ của các nhà hát, đoàn kịch đối với đề tài thiếu nhi. Năm nào cũng có không ít các trại sáng tác từ các hội, các ngành, các địa phương… Nhưng từ vài ba thập niên gần đây chưa khi nào có một trại sáng tác sân khấu nào dành cho đề tài thiếu nhi.
Nhà văn Nguyễn Hiếu
+ Từ góc độ tác giả kịch bản, theo ông, để sân khấu thiếu nhi có thể khởi sắc, cần làm gì?
- Vẫn là sự quan tâm thực sự của xã hội. Nói cụ thể là các tổ chức, các nhà quản lý chuyên ngành, các địa phương đều phải chung tay hoạch định phương hướng trước mắt và lâu dài.
Đã đến lúc sự quan tâm tới thiếu nhi không chỉ trong những lời phát biểu, khẩu hiệu nhất là trong các ngày, dịp đối với các cháu mà nên biến sự quan tâm này thành hành động, biện pháp cụ thể.
Trong sân khấu cũng vậy. Hiện nay tuy đang từng bước gỡ bỏ sự bao cấp cho các đơn vị sân khấu quốc doanh nhưng hiện tượng khoán dựng và cung cấp kinh phí cho số lượng vở diễn bằng tiền ngân sách vẫn tồn tại. Phải chăng cũng nên đặt thành chỉ tiêu buộc các đơn vị sân khấu này có một tài khoản vở diễn về thiếu nhi trong kịch mục hàng năm của đơn vị. Các hội, các ngành liên quan đến thiếu nhi và cả các địa phương cũng cần có những kế hoạch cụ thể để có thể chủ động tạo ra kịch mục dành cho khán giả nhỏ tuổi. Kế hoạch này hãy bắt đầu từ việc mở các trại sáng tác, bồi dưỡng đồng thời có chế độ thỏa đáng cho các tác giả, các tác phẩm viết về thiếu nhi… Trong kế hoạch này cũng cần mở ra các hội diễn sân khấu dành riêng cho thiếu nhi để kích thích, động viên tác giả, tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi (loại hội diễn cho thiếu nhi trong nước và quốc tế đã từ lâu đã trở thành nếp hoạt động sân khấu không thể thiếu ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…)./.
+ Xin chân thành cảm ơn ông!