(Tổ Quốc) - Theo trang Asia Media Centre, cà phê Việt Nam đã quá nổi tiếng trong những năm qua nhờ hương vị thơm ngon đậm đà.
Khi người Pháp mang những hạt cà phê đầu tiên đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, không ai nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong những vương quốc cà phê của thế giới cho đến ngày nay. Không chỉ là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai sau Brazil, Việt Nam còn sáng tạo ra nhiều cách thưởng thức độc đáo.
Những cây cà phê đầu tiên Arabica đã được trồng ở khu vực phía Bắc trước khi mang về phía Nam để tìm nơi tốt nhất là vùng đất đỏ bazan màu mỡ Tây Nguyên.
Ngon nhất là cà phê phin
Khi nghĩ về một tách cà phê, chúng ta không chỉ nghĩ đến espresso hay cappuccino mà còn có một loại cà phê đặc biệt khác sử dụng dụng cụ pha cà phê là "phin" theo tiếng Pháp. Đây là thức uống truyền thống của Việt Nam và vẫn được ưa chuộng cho đến ngày nay.
Phin cà phê làm bằng kim loại có nắp dùng để lọc cà phê. Sẽ được đặt trong cốc nhỏ và cà phê kết hợp với nước nóng để pha trước khi uống. Ngồi nhìn ly cà phê nhỏ giọt rơi xuống được xem là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Phin không chỉ mang lại hương vị thơm ngon mà người thưởng thức còn thích thú để xem quy trình pha. Đó là lý do tại sao những tín đồ pha cà phê rất ưa thích thức uống này.
Bà Briar Hautapu - đến từ vùng biển Raumat (New Zealand) nhưng sống và làm việc tại Việt Nam cũng đắm chìm vào văn hóa cà phê Việt Nam. Ở New Zealand, theo thói quen, bà Hautapu sẽ uống cà phê mỗi sáng nhưng chỉ đến khi chuyển đến Hà Nội làm giáo viên tiếng Anh vào năm 2014, bà mới biết cà phê có thể làm đa dạng nhiều thức uống khác nhau.
"Tôi thích cà phê phin thông thường hơn vì mang đến trải nghiệm toàn diện và cảm giác được ngồi uống cà phê phin nhìn mọi người qua lại rất thú vị. Tôi chưa từng thấy điều này trước đây. Thành thật mà nói, cà phê phin có lẽ là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi tôi ở Việt Nam", bà Hautapu nói.
Hấp dẫn bởi cà phê nâu
Trang báo viết, nếu bạn là người yêu thích cà phê đen thì sẽ thưởng thức loại cà phê đậm đặc này ngay sau khi rót vào ly. Nhưng cà phê yêu thích ở Việt Nam ngọt hơn một chút, được gọi là "cà phê nâu".
Trong cà phê nâu, thay vì dùng sữa tươi thông thường thì người pha chế thường dùng sữa đặc. Hương vị đậm đà của thức uống này đã được ưa chuộng kể từ đó, với hai phiên bản đồ uống: nâu đá (cà phê sữa đá) cho mùa hè và nâu nóng (cà phê sữa nóng) cho mùa đông.
"Hương vị của sữa đặc trong cà phê rất ngon và tôi rất thích uống lạnh. Theo tôi, đó là cách tốt nhất để bắt đầu ngày mới," bà Hautapu nói.
Cà phê nâu thường bị nhầm lẫn với một loại khác là bạc sỉu (dùng với sữa tươi) – loại cà phê đặc trưng ở thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết thức uống này dành cho phụ nữ và trẻ em – những người thường không quen với vị đắng của cà phê đen nhưng vẫn bị hấp dẫn bởi hương vị cà phê.
Một phiên bản đặc biệt khác là cà phê trứng. Theo tác giả, thức uống này làm nên hương vị độc đáo của cà phê Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Theo bài báo, trong vài năm gần đây, người dân địa phương đã thêm các thành phần khác vào cà phê để mang đến nhiều lựa chọn hương vị hơn cho những người yêu thích cà phê, chẳng hạn như nước cốt dừa và sữa chua. Cà phê với dừa nướng giòn phủ trên là món yêu thích của những thực khách ngoại quốc như bà Hautapu.
Sau những loại cà phê phổ biến nhất, có một loại cà phê đặc biệt hơn được đánh giá là ngon nhất và đắt nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, được biết đến là cà phê chồn - tương tự như loại cà phê Kopi Luwak nổi tiếng ở Indonesia. Những hạt cà phê quý hiếm được thu gom từ phân chồn rửa sạch, chế biến và rang xay chỉ cho ra khoảng 40-50kg mỗi năm. Đây có thể là loại cà phê đắt nhất thế giới.
"Dù là loại cà phê nào, người Việt Nam cũng có cách thưởng thức riêng. Trên thực tế, chúng ta không chỉ uống cà phê để đánh thức hay nạp thêm năng lượng trong một ngày. Chúng ta có thể uống cà phê ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Bởi vì một câu nói quen thuộc như "đi cà phê" không hoàn toàn có nghĩa là đến quán cà phê và uống một tách cà phê mà đơn giản là thời gian nghỉ ngơi", tác giả viết.
Thông thường, mọi người đến quán cà phê để gặp gỡ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp hoặc hẹn hò vui vẻ: mọi người đến quán cà phê không phải để uống cà phê mà để thưởng thức bất kỳ loại đồ uống nào khác có sẵn ở đó. Với kiến trúc, cách trang trí hay phong cách đa dạng, những quán cà phê có thể hiện ra trên con phố lớn hay ẩn mình trong những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, thậm chí trong một khu chung cư cũ kỹ.
"Đây là nơi bạn không chỉ được thưởng thức một tách cà phê ngon và một địa điểm mới lạ, quyến rũ mà còn được khám phá không gian sống động xung quanh", bà Hautapu nói.