(Tổ Quốc) - Sáng 23/6, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN) tổ chức lễ khai trương không gian trưng bày mới "Sưu tập tranh cổ động" và ra mắt sách "Khát vọng hòa bình". Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã tới dự cắt băng khai mạc.
Tranh cổ động luôn đi cùng lịch sử phát triển của Cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ tổ quốc đến quá trình xây dựng đất nước. Tranh cổ động thuộc thể loại đồ họa trong nghệ thuật tạo hình, mang những đặc trưng riêng về ngôn ngữ biểu đạt như hình tượng, màu sắc, đường nét, chữ được khái quát, tượng trưng hoặc điển hình hóa nhằm tuyên truyền về sự kiện, hoạt động xã hội xảy ra trong một thời điểm nhất định.
Từ những họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đến Khóa Mỹ thuật Kháng chiến và các thế hệ sau phần nhiều đều có tham gia sáng tác tranh cổ động. Các nghệ sĩ sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, liên tục sáng tạo trong ngôn ngữ đồ họa. Tranh cổ động đã kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dày công sưu tầm và bảo quản được số lượng đáng kể các tác phẩm tranh cổ động, đa dạng về đề tài, chất liệu, được sáng tác qua nhiều thời kỳ, phản ánh rõ các hoạt động của con người và xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua.
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (24.6.1966 – 24.6.2020), hướng tới kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9, BTMTVN mở của giới thiệu một không gian trưng bày chuyên đề mới mang tên Sưu tập Tranh cổ động. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng bộ sưu tập tranh cổ động này sẽ góp phần đem lại cái nhìn toàn diện về Mỹ thuật tạo hình Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Anh Minh – Giám đốc BTMTVN cho biết: BTMTVN được thành lập từ năm 1966 đến nay, trải qua hơn 50 năm mở cửa đón khách tham quan, các thế hệ cán bộ Bảo tàng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các di sản văn hóa, các tác phẩm mỹ thuật trong kho báu Mỹ thuật nước nhà từ thời Tiền Sơ sử đến giai đoạn hiện nay, trong đó có Bộ sưu tập Tranh Cổ động xuyên suốt từ những năm 1950 đến nay với số lượng lên đến hàng trăm hiện vật. Trong lần trưng bày này, Bảo tàng giới thiệu 30 tranh cổ động trong giai đoạn từ 1958 đến 1986, với nhiều tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa ghi lại những mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc, những hoạt động tuyên truyền trên mọi mặt của đời sống mà còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về Mỹ thuật Việt Nam.
Mở cửa một chuyên đề mới về tranh cổ động trong hệ thống trưng bày của BTMTVN là mạch kết nối giữa các nhà trưng bày A, C, D và B. Theo đó, lộ trình tham quan được liên tục và thuận tiện, không gian trưng bày thường xuyên được mở rộng thêm.
TS. Nguyễn Anh Minh cũng cho biết: "Cùng với việc mở cửa trưng bày mới này, chúng tôi cũng trân trọng giới thiệu tới quý vị và công chúng yêu nghệ thuật một ấn phẩm đặc biệt về tranh cổ động được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang tên Khát vọng hòa bình. Cuốn sách được BTMTVN phối hợp với Nhà xuất bản Mỹ thuật chọn lọc và giới thiệu 81 tác phẩm của nhiều tác giả, sáng tác trong giai đoạn 1958-1986 với mong muốn tập hợp những tranh cổ động về đề tài kháng chiến có nội dung bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình để gửi gắm ước muốn và khát vọng hòa bình của con người Việt Nam.
Việc mở rộng diện tích trưng bày thường xuyên, xuất bản ấn phẩm không chỉ phục vụ công chúng, phát huy giá trị của di sản, mà cũng chính là lời tri ân chân thành nhất đến các thế hệ cán bộ đã đóng góp cho sự phát triển của BTMTVN. Hy vọng ấn phẩm và trưng bày chuyên đề mới này sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật", TS. Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.