• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ “hảo ý” phía sau những “hằn học” của Trump với NATO

Thế giới 12/02/2017 07:56

(Tổ Quốc) - Hé lộ những điều ẩn chứa đằng sau thái độ của Tổng thống Mỹ với an ninh Châu Âu.  

Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump gọi NATO là “lỗi thời” vào thời điểm chỉ gần một tuần trước lễ nhậm chức, nước Mỹ vẫn đang tiếp tục tiến hành cuộc triển khai quân đội và khí tài đến Châu Âu có quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Trong khi đó, các quốc gia thành viên NATO – đặc biệt là những nước thân thiết với Nga – vô tình hay hữu ý lại đang “chạy phía sau” chính những cam kết của mình với liên minh quân sự này.

NGHỊCH LÝ CỦA CHÂU ÂU QUA TRUMP

Trong một động thái gần đây, Tổng thống Mỹ khẳng định, ông “ủng hộ mạnh mẽ” NATO, và cho biết sẽ có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Châu Âu vào tháng Năm tới đây. Ngoài ra, ông Trump giải thích, ông chỉ đơn giản muốn các nước thành viên làm đúng bổn phận của mình. Theo Peter Apps, một cây bút kỳ cựu về các vấn đề toàn cầu của hãng tin Reuters, Tổng thống Trump đại diện cho một nghịch lý khi nhắc tới châu Âu. Một mặt, sự nghiệp chính trị của ông (cho đến lúc này) đang là sự đe dọa cho các thiết chế hậu chiến, những lý luận và lập trường từng định nghĩa nên lục địa châu Âu. Mặt khác, ông Trump và những ảnh hưởng của mình lên châu Âu trong tương lai, có thể là một lực đẩy khiến cựu lục địa này phải tự tìm cách “tái định nghĩa” chính bản thân mình.

Nỗ lực của ông Trump nhằm hàn gắn mối quan hệ Nga – Mỹ, cùng những nghi ngờ của ông dành cho NATO – đặc biệt là việc ông chỉ trích các nước thành viên dành quá ít chi phí cho quốc phòng – có ảnh hưởng sâu rộng. Thậm chí trước khi ông Trump chính thức đặt chân lên sân khấu chính trị nước Mỹ vào năm 2015, các quốc gia Đông Âu và Bắc Âu quan ngại về Nga, đã bắt đầu gia tăng chi tiêu quốc phòng của mình. Ý nghĩ rằng Mỹ có thể sẽ không còn là một đồng minh tin cây như trước đây, thực sự đã trở thành một động lực không hề nhỏ.

CÁCH CHÂU ÂU ĐÓNG GÓP VÀO  QUỐC PHÒNG

Khi các quốc gia NATO gặp nhau tại Warsaw hè năm ngoái sau sự kiện Brexit, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã bắt tay vào chuẩn bị cho viễn cảnh một chiến thắng giành cho ông Trump - mặc dù trong thâm tâm, họ không thực sự tin vào điều này.

Đầu tiên, Châu Âu “giục giã” Mỹ nhanh chóng đưa quân đến cựu lục địa trước ngày nhậm chức – nhằm tránh khả năng chính quyền mới tại Washington có thể hủy bỏ hoặc cắt giảm quy mô triển khai quân đội. Chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng Một 2017, đã có tới hơn 1.000 thiết bị hạng nặng – bao gồm cả đội xe tăng chủ lực M1A1 Abrams – “đổ bộ” lên châu Âu.

Nhập mô tả ảnh

Các lực lượng quân đội Mỹ sẽ chủ yếu đóng quân tại Ba Lan, và luôn sẵn sàng triển khai sâu hơn nữa về phía Đông, tại các quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia. Ba nước này được đánh giá là những thành viên “dễ gặp nguy hiểm” nhất của NATO. Cả ba đều từng thuộc Liên Xô trước năm 1991 và hiện có cộng đồng dân số nói tiếng Nga lớn – điều này khiến nảy sinh những lo lắng rằng, Moscow có thể gây bất ổn định, thậm chí tấn công họ.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Châu Âu có thể được coi là rào cản quan trọng nhất để đối phó với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn không muốn rơi vào một cuộc chiến tranh với nước Mỹ, ít nhất bởi vì cả hai quốc gia hiện đang sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Hầu hết binh lính triển khai tại các nước Baltic và là một phần trong kế hoạch “mở rộng hiện diện tiên phong” của NATO, lại đến từ các quốc gia thành viên khác, bao gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, và mới đây nhất là CH Czech.

Thuỵ Điển và Phần Lan, mặc dù không phải là thành viên NATO, nhưng cũng đã “lặng lẽ” tăng cường sự phối hợp quốc phòng với liên minh và đặc biệt là các nước Baltic lân cận. Đây là cách Châu Âu đóng góp vào quốc phòng - điều ông Trump, trong chiến dịch tranh cử của mình, cho rằng không tồn tại.

GIA TĂNG HỢP TÁC TRONG NATO VẪN CHƯA ĐỦ

Tất nhiên, cho dù ngay cả khi Trump không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tình hình thế giới trong những năm gần đây, cũng đủ để nhiều nước Châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ tại Châu Á, lo lắng về khả năng Washington sẽ nhanh chóng bước vào thời kỳ của chủ nghĩa cô lập. Việc Nga sáp nhật Crimea và sự kiện Brexit, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, rất nhiều lý thuyết trước đây về cách nền chính trị Châu Âu vận hành, có thể sẽ không trở thành hiện thực.

Bất chấp những động thái mang tính xoa dịu và trấn an gần đây của Mỹ - trong đó có cả lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về Nga vẫn là một mối đe doạ nghiêm trọng – nhiều người tại cả Châu Âu lẫn Washingotn vẫn e ngại rằng, trong cuộc gặp gỡ tới đây của ông Trump với ông Putin, Tổng thống Mỹ có thể sẽ chấp nhận quá nhiều nhượng bộ.

Ông Trump từng có những phát biểu rất "hằn học" dành cho NATO

Điều này tất nhiên, sẽ càng khuyến khích các quốc gia NATO gia tăng hợp tác với nhau. Tuy nhiên, có lẽ họ sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Ông Trump vẫn liên tục bày tỏ nghi ngờ về giá trị của Liên minh Châu Âu và đồng tiền chung Châu Âu. Sự sụp đổ của bất kỳ điều nào trong hai thể chế trên, cũng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tự quản lý và phòng thủ của Châu Âu. 

Trong khi đó, việc ông Trump chính thức nắm quyền lực – và đặc biệt là sắc lệnh cấm nhập cư từng gây vô số tranh cãi của ông – cũng có thể sẽ đem lại sự ủng hộ và tin tưởng dành cho phong trào cực hữu tại Châu Âu. Nếu giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp và Đức, các chính trị gia cựu hữu có thể sẽ phá vỡ truyền thống hợp tác tại Châu Âu trong một số vấn đề, bao gồm cả phòng thủ.

NGA VẪN ĐANG QUAN SÁT

Nga đang quan sát rất cẩn thận. Lực lượng đòi ly khai thân Nga tại Ukraine vừa mới phát động đợt tấn công mới, đáp lại Washington tỏ ra khá thờ ơ. Một số chuyên gia cho rằng, trong những năm gần đây, năng lực quân sự của Nga mặc dù có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Quân đội Nga có thể vượt xa Ukraine, nhưng để kiểm soát được cả một đất nước lại là một chuyện hoàn toàn khác – điều này giải thích tại sao khả năng này vẫn chưa xảy ra.

Thậm chí, cả một cuộc chiến tranh quy mô hẹp giữa NATO – Nga tại một khu vực như Baltic cũng có thể là một lựa chọn “tối”. Các nhà hoạch định chính sách Nga đã phát triển học thuyết “tấn công giảm leo thang” – một chiến lược sử dụng một vũ khí hạt nhân đơn lẻ, có lẽ hướng tới mục tiêu là một thành phố, một khu quân sự, hoặc một con thuyền – để kết thúc một cuộc xung đột quân sự truyền thống bằng cách đe doạ phương Tây. Và theo Nga, một Tổng thống Mỹ “dễ đoán định” sẽ không kích hoạt chiến tranh bằng “khoe khang” năng lực hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, dưới thời Trump, dường như những lý lẽ thông thường đều trở nên bất khả thi. Tân Tổng thống Mỹ đại diện cho sự đối lập lại những điều mà hầu hết các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ và Châu Âu có thể mong muốn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông Trump không có mang lại một ảnh hưởng tích cực đối với hệ thống phòng thủ Châu Âu.

(Theo Reuters) 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ