(Tổ Quốc) - Sau một loạt chỉ trích nhằm vào giá trị và tương lai NATO, Tổng thống Mỹ bất ngờ có những hành động xoa dịu.
- 02.02.2017 Giấc mộng Ukraine đặt NATO vào thế khó
- 05.02.2017 Tham vọng buộc Trump xích lại gần Nga, Syria
Theo một công bố của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường chi phí dành cho quốc phòng; đồng thời khẳng định lập trường “ủng hộ mạnh mẽ” của Mỹ dành cho khối quân sự này.
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump đã đồng ý sẽ tham dự cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo NATO vào cuối tháng Năm tới đây, nhằm thảo luận những khả năng về “một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại biên giới Ukraine,” Nhà Trắng cho biết.
Đụng độ nghiêm trọng giữa quân đội Chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga đã xảy ra tại khu vực gần biên giới Nga – Ukraine trong tuần qua – góp phần khiến cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ khi Crime sáp nhập vào Nga tháng Ba ba năm trước, càng trở nên phức tạp.
Khủng hoảng Ukraine chưa có hồi kết |
Thành lập từ năm 1949 và được coi là bức tường thành an ninh cho phương Tây, nhưng giá trị và tương lai của NATO đã không ít lần bị tân Tổng thống Mỹ đặt dấu hỏi, thậm chí từng bị gọi là “lỗi thời”.
Tuy nhiên, ông chủ mới của Nhà Trắng dường như đang có những động thái xoa dịu NATO trong thời gian gần đây. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Một, ông Trump nhận định NATO “rất quan trọng”, và thể hiện một sự ủng hộ lên tới 100% đối với tổ chức này sau cuộc gặp gỡ đầu năm với Thủ tướng Anh Theresa May.
Hiện Anh là quốc gia có đóng góp lớn thứ hai trong NATO, sau Mỹ. Mặc dù kể từ năm 2014, NATO đã quy định rằng các nước thành viên phải dành 2% GDP cho chi phí quân sự, nhưng hầu như không có quốc gia nào thực hiện được điều này. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ liên tục yêu cầu chi phí của NATO phải được “chi trả công bằng” giữa các thành viên. Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng với nguyên tắc truyền thống “một sự tấn công vào bất kỳ một nước thành viên nào, cũng được coi như là tấn công toàn khối” của NATO.
Hiện quân đội Mỹ đang mở rộng sự hiện diện tại châu Âu, nhằm đối phó với Nga sau khi Moscow sáp nhập Crime và bắt đầu “với tay” vào Ukraine. Sự can thiệp của Nga tại Ukraine đã gây ảnh hưởng tới cả khu vực Baltic, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn từ chối vai trò của nước này tại đây, đồng thời tỏ ra lo lắng cho an ninh khu vực sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
“Hai bên đã đồng ý tiếp tục liên kết và hợp tác chặt chẽ, nhằm giải quyết toàn bộ các thách thức an ninh mà NATO đang phải đối mặt,” Nhà Trắng cho biết thêm về nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thư ký Stoltenberg.
(Theo Bloomberg)