(Tổ Quốc) - Đức và Pháp ngày 11/6 đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng về việc Nga và Ukraine sẽ thực hiện các bước đi nhằm tiếp tục thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Đức và Pháp ngày 11/6 đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng về việc Nga và Ukraine sẽ thực hiện các bước đi nhằm tiếp tục tiến trình hòa bình đã bị trì hoãn cho cuộc xung đột Ukraine.
Bất chấp căng thẳng leo thang giữa các cường quốc phương Tây và Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bộ trưởng ngoại giao Nga, Ukraine, Đức và Pháp (bộ tứ Normandy) đã gặp nhau tại Berlin ngày 11/6 để thảo luận về việc thực hiện một lệnh ngừng bắn mong manh cho Ukraine và triển khai nhóm gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tới khu vực xung đột tại Ukraine.
Đây là cuộc họp đầu tiên của 4 bộ trưởng ngoại giao kể từ tháng 2/2017, mặc dù các quan chức cấp dưới đã gặp nhau thường xuyên trong bốn năm qua theo cơ chế Normandy nhằm giải quyết xung đột miền Đông Ukraine.
Động lực tích cực
Sau khi "có vô số hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn" trong những tháng gần đây, người chủ trì cuộc họp là Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói, "việc tất cả chúng ta phải gặp lại ở đây sau 16 tháng ngày càng trở nên cần thiết hơn."
Nga và Ukraine đã một lần nữa chính thức cam kết thực hiện các nguyên tắc chính của thỏa thuận Minsk năm 2015- với sự trung gian hòa giải của Đức và Pháp, ông Maas nói.
"Tất cả các bên một lần nữa lên tiếng ủng hộ cho việc duy trì lệnh ngừng bắn, bao gồm cả việc rút vũ khí hạng nặng, phân tách lực lượng quân đội và tiến hành tháo dỡ bom mìn, đồng thời, bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận của nhóm các nhà quan sát OSCE", ông nói.
Cuộc họp cấp ngoại trưởng lần này là một nỗ lực lớn của 4 nước nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine. (Nguồn: AFP) |
Về phần mình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga cho biết, "tất nhiên là chúng tôi chưa thể giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraine, nhưng tôi tin rằng, cuộc họp này rất hữu ích."
Ông Lavrov cho biết cả hai bên đã thảo luận về “lộ trình” tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân giữa Kiev và Moscow, theo thông báo của hãng thông tấn Nga RIA Novosti.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng đã chứng kiến "một động thái tích cực cho những gì tôi hy vọng sẽ là một giải pháp hòa bình" và nói thêm rằng, Paris và Berlin đã đề nghị hỗ trợ trong các hoạt động rà phá bom mìn.
Về lâu dài, ông Le Drian nói, "chúng tôi đã sẵn sàng làm việc về các giới hạn cho việc tổ chức một phái đoàn LHQ tiềm năng trong tương lai tới miền Đông Ukraine khi việc thực hiện thỏa thuận Minsk cho phép điều này được diễn ra".
Hi vọng mong manh
Ngay cả khi tiếng súng không còn vang lên, vấn đề này vẫn là khá khó khăn.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết sau cuộc đàm phán bốn bên rằng, Nga và Ukraine đã nhất trí về nguyên tắc thiết lập một nhóm gìn giữ hòa bình của LHQ, nhưng ý tưởng của họ về cách thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn "rất xa nhau".
Trong khi Moscow ủng hộ việc triển khai lực lượng mũ nồi xanh chỉ dọc theo tuyến đầu xung đột, Kiev muốn họ cũng tiến sát tới khu vực biên giới Ukraine-Nga để ngăn chặn quân đội và vũ khí đi qua.
Mặc dù cuộc xung đột vẫn đang diễn ra, các nước phương Tây đã vơi bớt sự chú ý tới tình hình ở đây trong bối cảnh họ đang ngày càng chia rẽ và có nhiều vấn đề riêng phải giải quyết. Năm vừa qua, cả Pháp, Đức và Nga đã bị cuốn vào cuộc bầu cử tại nước họ.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuần trước lên án "việc liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn" tại Ukraine và "tình hình nhân đạo bi thảm" trên tiền tuyến.
Trong một cuộc điện đàm hiếm hoi thứ bảy tuần trước để chuẩn bị cho cuộc họp này, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã thảo luận về "việc trao đổi những người bị bắt giữ" bởi cả hai bên.
Tuy nhiên, với sự mất lòng tin sâu sắc giữa phương Tây và Nga, việc kì vọng vọng về một bước đột phá ngoại giao luôn ở mức thấp.
Cuộc xung đột Ukraine bắt đầu từ năm 2014 khi người dân nước này lật đổ một tổng thống do Kremlin hậu thuẫn và Nga sáp nhập bán đảo Crimea và Moscow được cho là hỗ trợ lực lượng li khai miền đông. Cho tới nay, khoảng 10.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
Mỹ và phương Tây đã phản ứng bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga – điều Moscow cũng nhanh chóng đáp trả tương xứng.
Leo thang Đông - Tây
Khởi đầu từ vấn đề Ukraine, căng thẳng Đông - Tây đã không ngừng gia tăng và mối quan hệ hai bên đã rơi xuống mức thấp chưa từng thấy sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ và các cường quốc châu Âu gần đây cáo buộc Moscow sử dụng tin tặc và truyền thông để gây hỗn loạn, can thiệp vào các cuộc bầu cử và ủng hộ khối hoài nghi châu Âu và lực lượng dân túy cánh hữu, cũng như việc tăng cường sức mạnh quân sự để đe dọa các quốc gia Đông Âu.
Ông Putin, đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 hồi tháng Ba vừa qua, bác bỏ mọi cáo buộc và lên án các cường quốc NATO đang tìm cách bôi nhọ và làm suy yếu Nga.
Moscow cũng cáo buộc Kiev lan truyền tin tức giả mạo, bao gồm về vụ việc nhà báo Nga Nga Arkady Babchenko bị bắn chết tại Ukraine. Ông Putin hôm thứ Năm tuần trước cảnh báo rằng, bất kỳ "hành động khiêu khích" quân sự trong giải đấu bóng đá World Cup mà Nga đang là nước chủ nhà, sẽ đưa tới "hậu quả rất nghiêm trọng đối với Ukraine –với tư cách là một nhà nước".
Mục tiêu chính của Nga hiện là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đang ảnh hưởng tới nước này. Động thái này đang được tăng cường khi các chính đảng dân túy châu Âu ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, gần đây nhất là ở Ý.
Trong khi đó, Pháp và Đức đã nhất trí rằng, bất kỳ động thái nới lỏng trừng phạt nào đối với Nga đều phải bao gồm điều kiện là thực hiện những tiến bộ trong tiến trình hòa bình Ukraine.