(Tổ Quốc) - Bữa trưa tại trường học Nhật Bản là niềm yêu thích của học sinh. Khi điệp khúc "Itadakimasu" vang lên, lớp học như trở thành "nhà hàng".
Theo trang Nikkei Asia, trong một bộ phim Nhật Bản mới phát hành gần đây, có tên là "Oishii Kyushoku 3" (Bữa trưa ở trường ngon tuyệt – phần 3), nhân vật chính là một giáo viên dạy toán trung học cơ sở ở độ tuổi 30, người đang mong chờ bữa trưa tại trường với sự cuồng nhiệt, giống như một cậu thiếu niên đang chờ đợi buổi hẹn hò của mình.
Giáo viên (do nam diễn viên điển trai người Nhật Hayato Ichihara thủ vai) xuất hiện với niềm vui rõ rệt trên khuôn mặt. Khi bắt đầu buổi trưa, thầy giáo nhảy lên và hát bài hát của trường với cả lớp. Sau đó là thời gian ăn uống.
Những năm 1980 là thời kỳ mà kyushoku (bữa trưa ở trường) bước vào giai đoạn hoàng kim của sáng tạo. Các phiên bản bữa trưa Nhật Bản thời điểm đó là những món ăn xa lạ như spaghetti và tikka gà. Học sinh đeo tạp dề trắng, đội mũ và lấy đồ ăn từ bếp ra bàn trong bữa trưa ở trường. Khi bữa ăn kết thúc, bát đĩa và đồ dùng được trả lại bếp trong khi tạp dề và khẩu trang mang về nhà để bố mẹ giặt sạch sẽ.
Cứ vào mỗi buổi trưa ở trường học Nhật Bản, lớp học biến thành "nhà hàng". Điệp khúc "Itadakimasu" vang lên. Đó là cách nói lịch sự của người Nhật với ý nghĩa là "Xin mời", nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn.
"Kyushoku" đã xuất hiện trong hệ thống trường công tại Nhật Bản vào năm 1947. Những đứa trẻ lớn lên trong những bữa trưa đó, giờ đã ở độ tuổi 70, 80. Họ đã nói rằng trong suốt những năm 1950, sữa nguyên chất là một thứ xa xỉ - nhưng đến những năm 1960, sữa đã được phục vụ ở các bữa trưa tại trường trên khắp cả nước.
Ngày nay, có các lựa chọn thay thế nước và trà cho những người không dung nạp lactose, cùng với các món ăn chay dành cho học sinh nước ngoài. Nhưng đối với hầu hết người Nhật Bản, khay "kyushoku" vẫn giữ như cũ: một chai sữa, bánh mì, rau và món khai vị.
Bữa trưa đảm bảo đủ chất
Về hương vị, các món ăn chưa bao giờ thực sự là vấn đề. Thực đơn luôn được sáng tạo để cung cấp lượng calo, protein và chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì cơ thể trẻ đang phát triển. Chi phí trung bình cho bữa trưa ở một trường tiểu học tại thủ đô Tokyo là 255 yên (1,58 USD) - mức phí khá ổn định trong thập kỷ mà thế giới đang đối mặt với các vấn đề lạm phát.
Cùng với sữa, những thực phẩm giá cả phải chăng nhưng giàu protein đã nuôi sống nhiều thế hệ học sinh Nhật Bản. Vào thời điểm nổi tiếng trong loạt phim "Oishii Kyushoku", thịt cá voi thường được phục vụ thay thế cho các món ăn chính như thịt lợn, thịt gà và trứng trong các bữa ăn tại nhà trường. Tuy nhiên, món ăn này đã biến mất khỏi thực đơn ở trường sau nhiều tranh cãi vào khoảng năm 2010. Tuy nhiên, món ăn lại tiếp tục đưa vào thực đơn trở lại trong 5 năm qua, mặc dù với tần suất ít hơn.
Không chỉ với mục đích đơn thuần là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bữa ăn học đường tại Nhật Bản được coi là một phần chính thống trong giáo dục. Từ năm 2005, Chính phủ yêu cầu các nhà trường phải dạy trẻ về nguồn gốc và thành phần của món ăn. Học sinh cũng được giáo dục nên ăn hết thức ăn.
Trẻ em ngày nay ưa chuộng các món như rau áp chảo, gà rán. Miếng bánh mì trắng thường được đổi bằng bánh sừng bò. Và món tráng miệng nhỏ gồm trái cây Jell-O hoặc sữa chua với mứt. Những món ăn có thay đổi trong xu thế phát triển đất nước và toàn cầu.
Trở lại thế kỷ 20, các món ăn trên khay đồ ăn bữa trưa tại trường dường như đang ít "thân thiện với thực khách" hơn. Học sinh có thể không thích uống sữa ở nhiệt độ phòng hay thịt cá voi chiên. Nhưng không ai được phàn nàn. Không chịu ăn đồng nghĩa với việc bị đói. Tệ hơn nữa, giáo viên có thể gửi một lá thư về nhà, trong trường hợp đó cha mẹ đứa trẻ sẽ được gọi đến văn phòng hiệu trưởng.
Có sự thay thế nào cho bữa trưa tại trường học không? Ở các trường tư thục, học sinh được yêu cầu mang theo hộp cơm trưa bento riêng.
Ngay cả ở các trường công lập, cơm hộp bento vẫn được yêu cầu mang đi khi trẻ em lên cấp ba. Cho dù là vậy, hầu hết các gia đình Nhật Bản đều coi bữa trưa tiêu chuẩn ở trường là ổn. Quan trọng hơn, điều này làm giảm bớt gánh nặng cho các bà mẹ, gần 80% trong số họ hiện đang làm việc ở ngoài. Những bữa trưa tại trường đã trở thành món quà đặc biệt dành tặng cho các gia đình Nhật Bản.
Hơn 7 thập kỷ trôi qua, "Kyushoku" được ghi nhận là đã đóng góp vào việc tạo nên tuổi thọ ấn tượng của người dân Nhật Bản, giúp tỷ lệ béo phì ở trẻ em và người lớn thuộc nhóm thấp nhất trong các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)./.