(Tổ Quốc) -Phần lớn thời gian buổi sáng của phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV với Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải dành cho các vấn đề về BOT. Tuy nhiên, nhiều câu trả lời của Bộ trưởng đã liên tục nhận được các tranh luận phản bác.
- 26.05.2018 Bộ trưởng Giao thông nằm trong dự kiến trả lời chất vấn trước Quốc hội
- 28.05.2018 Nghĩ về chuyện phát ngôn...
- 28.05.2018 Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Giao thông về các dự án BOT
- 29.05.2018 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin chịu trách nhiệm, xin lỗi gia đình người bị nạn vì sự yếu kém của ngành Đường sắt
- 01.06.2018 Chất vấn thành viên Chính phủ: Đại biểu Quốc hội mong đợi gì?
- 02.06.2018 Thủ tướng yêu cầu không gọi là “trạm thu giá”
- 03.06.2018 Quốc hội chất vấn: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đăng đàn đầu tiên
- 04.06.2018 Chủ tịch Quốc hội: Thu giá BOT- Bộ Giao thông cứ trả lại tên cũ
Bộ Giao thông chủ động mời kiểm toán BOT
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chênh lệch giữa hợp đồng BOT và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, theo quy định, giai đoạn vừa qua, Bộ tổ chức đấu thầu dự án BOT và ký hợp đồng BOT, trong dự án BOT có nhiều phần gọi là dự phòng: như dự phòng vật giá, dự phòng khối lượng, dự kiến công tác GPMB và những vấn đề phát sinh kinh phí.
Do đó dự án BOT được duyệt bao gồm các khoản có thể phát sinh.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Nam Nguyễn |
Trong quá trình thực hiện dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, Bộ này đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ Giao thông vận tải quyết toán. Nội dung này được các ĐBQH giơ biển xin tranh luận rằng liệu có chuyện chờ kiểm toán vào kiểm tra BOT thì mới chỉ ra được những sai trái?
Trong phần trả lời sau giải lao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, về nguyên tắc sau khi tiến hành nghiệm thu hoàn thành dự án thì quyết toán, sau quyết toán là điều chỉnh hợp đồng, cơ quan kiểm toán kiểm tra xác xuất.
Tuy nhiên, riêng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Bộ cho rằng đây là dự án quan trọng, phức tạp, nên ngay từ 2014, Bộ đã có văn bản kiến nghị kiểm toán trước khi quyết toán.
Sau khi có kết quả kiểm toán, Bộ một lần nữa rà lại kết quả kiểm toán.
Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua, với 56 trạm BOT thì Kiểm toán nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có 1 điều khoản là giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan đến phí.
“Việc Kiểm toán nhà nước phát hiện có sự chênh lệch là điều hiển nhiên. Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng thì những phần dự phòng này là phần chênh lệch số năm mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Thu phí BOT đã vì lợi ích của người dân chưa?
Về thu phí BOT, trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân, vừa qua khi mặt bằng giá tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ rà soát và giảm toàn bộ 56 dự án BOT, có dự án giảm 2- 3 lần, từ 35 nghìn đồng/xe con xuống chỉ còn 15 nghìn đồng.
Cũng chất vấn về vấn đề BOT, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, hiện có hai vấn đề về BOT giao thông là thể chế và quá trình triển khai có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân; sự bức xúc này là do chưa giải quyết được hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân. Ông nhận xét, “chúng ta còn ăn đong trong lĩnh vực này” và đề nghị Bộ trưởng Giao thông nêu giải pháp căn cơ để giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận, thể chế vừa qua chưa hoàn chỉnh, nhất là pháp luật về đầu tư công. Về tồn tại trong quá trình triển khai dự án BOT thì Bộ Giao thông đang tiếp thu, tìm giải pháp khắc phục triệt để.
Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Nam Nguyễn |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết đã có 14 dự án BOT làm trên đường hiện hữu bị dừng, trong đó dừng 4 dự án đã ký hợp đồng; sắp tới Bộ Giao thông chỉ làm dự BOT trên tuyến đường mới, tạo đường song hành với tuyến cũ để người dân lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng “chỉ thấy toát lên là dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá, rồi lại thu”. Đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt vấn đề, như thế đã vì lợi ích của người dân chưa?
Cách đặt vấn đề này của ĐB Hàm đã nhận được đồng tình của nhiều ĐB khác. Và Bộ trưởng Thể liên tục nhận được các tái chất vấn do ĐBQH không hài lòng với câu trả lời.
Nhiều dự án BOT chỉ có một nhà thầu gửi hồ sơ
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phản ánh, doanh nghiệp cho hay, có hiện tượng dàn xếp đấu thầu mà họ không thể cạnh tranh được. Tình trạng đặc quyền và độc quyền thông qua chỉ định thầu khiến việc cạnh tranh bị vô hiệu, nhiều dự án kéo dài, đội vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, toàn bộ dự án BOT được tổ chức đấu thầu, công bố công khai mời thầu trên mạng một tháng. Nhà đầu tư nào quan tâm sẽ nộp hồ sơ thầu, đấu thầu. Dự án nào có hai nhà đầu tư quan tâm trở lên Bộ sẽ tổ chức đấu thầu.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Nam Nguyễn |
Tuy nhiên, nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên không thể tổ chức đấu thầu. Do vậy, Bộ phải chỉ định thầu.
"Một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác ở địa phương. Vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương chưa chặt chẽ. Một số dự án sau khi trúng thầu, năng lực tài chính không đáp ứng được nên một số công trình chậm. Về ý kiến cho rằng xét duyệt dự toán, vị trí đặt trạm thu phí BT, BOT có thể dẫn đến thất thoát, tôi xin trả lời là chúng tôi đã làm hoàn toàn đúng quy định của pháp luật"- Bộ trưởng cho hay.
ĐB Nghĩa đã không hài lòng và giơ biển tranh luận đồng thời dẫn ra một con số: 17 dự án BOT đều chỉ định thầu gây lãng phí hơn 20.000 tỷ đồng. Thậm chí có dự án lớn phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư, thực tế có những con đường cực kỳ đắt vì sự đánh đổi này.
Ngoài ra, nhiều ĐBQH cũng yêu cầu Bộ trưởng phải làm rõ trách nhiệm, sai phạm trước những tồn tại của BOT. Nguyên nhân là do phía ngân hàng, chủ đầu tư hay Bộ Giao thông?
Song Đào