• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các "ông lớn" dầu khí thế giới cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2023

Thế giới 02/11/2022 16:21

(Tổ Quốc) - Theo CNBC, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải chống chọi với chi phí năng lượng cao và lạm phát gia tăng.

Năm nay khó khăn, năm sau càng khó khăn hơn

Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như tình trạng khan hiếm khí đốt, lương thực và lạm phát cao. Diễn biến đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Các "ông lớn" dầu khí thế giới cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng vào năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Mối quan tâm trở nên ngày càng khó khăn hơn khi mùa đông sắp tới, đặc biệt là với châu Âu. Thời tiết lạnh giá kết hợp với tình trạng khan hiếm năng lượng do ảnh hưởng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang tạo nên các thách thức đối với cả người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cho rằng trong khi chính phủ các nước đang lo lắng sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông năm nay nhưng thực tế mùa đông năm 2023 sẽ còn "khắc nghiệt hơn nữa".

"Chúng ta sắp đối mặt với một mùa đông khó khăn phía trước và cả năm tới bởi vì nguồn cung lượng cho châu Âu trong nửa đầu năm 2023 sẽ ít hơn đáng kể so với sản lượng chúng tôi đã có sẵn từ nửa đầu năm 2022", ông Russell Hardy, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Vitol - một công ty thương mại năng lượng và hàng hóa của Hà Lan cho biết trong Hội nghị và triển lãm dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC).

"Hậu quả của việc thiếu hụt năng lượng khiến giá cả leo thang là toàn bộ nội dung đang được thảo luận ở đây. Những khó khăn này vẫn sẽ tiếp diễn và chúng ta cần phải suy nghĩ về bối cảnh đó", ông nói.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí BP Bernard Looney cũng nhất trí với quan điểm này. Giá năng lượng đang quá cao và dần không thể chi trả được, đặc biệt là với những người đã phải chi tiêu tới 50% trong thu nhập khả dụng cho năng lượng hoặc thâm chí là cao hơn. Tuy nhiên, với việc tìm cách dự trữ khí đốt và trợ cấp hóa đơn cho người dân, châu Âu vẫn có thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng trong năm nay.

"Tôi nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết cho mùa đông này. Nhưng mùa đông năm sau mới làm cho chúng ta thực sự lo lắng bởi nhiều thách thức hơn", ông Looney nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ Eni của Italy cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, vào mùa đông năm nay, kho khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 90%, đảm bảo số lượng để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là nhập khẩu từ khí đốt của Nga từ những tháng trước cũng như các nguồn khác.

"Chúng ta đủ khả năng đối phó với mùa đông năm nay", Giám đốc của Eni Claudio Descalzi cho biết. "Tuy nhiên như chúng tôi đã nói, vấn đề không phải mùa đông này mà là mùa đông sang năm khi chúng ta nhiều khả năng không có khí đốt từ Nga".

Khủng hoảng gia tăng

"Diễn biến khủng hoảng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng. Chúng ta thấy rằng bất kỳ cú sốc nào đối với giá máy bơm hoặc đơn giản như khí đốt dùng để nấu ăn đều sẽ gây ra tình trạng bất ổn", Giám đốc Điều hành của công ty dầu khí Malaysia Petronas, Datuk Tengku Muhammad Taufik cho biết.

Ông Taufik cũng cho rằng đồng đô la và giá nhiên liệu tăng sẽ gây ra các rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Á khi châu lục này có nhiều quốc gia nhập khẩu dầu và khí đốt lớn. Nhiều nền kinh tế châu Á đã quay cuồng với đại dịch Covid-19 vì vậy rủi ro thực sự là khi chính phủ các nước không có động thái về mặt chính sách nhằm đối phó với tình trạng bất ổn.

Một số quốc gia đã chứng kiến sự giận dữ của người dân đối với lợi nhuận khổng lồ của các công ty dầu mỏ. Phản ứng với điều này, các CEO đã nói rằng nguồn cung cầu trên thị trường sẽ phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ các nước để đảm bảo việc đầu tư năng lượng hiệu quả hơn. Hầu hết các CEO đều nhấn mạnh rằng khoản đầu tư này đã đạt được thành công trong những năm gần đây khi các quốc gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Nhiều nhà hoạch định chính sách cũng kêu gọi giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cảnh báo về biến đổi khí hậu. Vào tháng Sáu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi dừng đầu tư tài chính cho nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, những nhà quản lý trong ngành dầu mỏ lại cho rằng cách tiếp cận này không thực tế và không phải là một lựa chọn tốt nếu các quốc gia muốn ổn định kinh tế và chính trị.

Ông Descalzi nói: "Ở châu Âu, chúng tôi đang phải trả gấp 6-7 lần hoặc đến 15 lần chi phí năng lượng. Tuy nhiên, diễn biến này sẽ diễn ra trong bao lâu? Chắc chắn không thể kéo dài mãi được. Tất cả các quốc gia đều sẽ phải chịu một khoản nợ rất cao. Vì vậy, cần phải có cách để giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng"./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ