• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách Azerbaijan bảo tồn di sản văn hóa: Mỗi tấm thảm là kiệt tác nghệ thuật

Thế giới 26/12/2023 07:36

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, đối với một số người, nhà là nơi chứa đựng trái tim. Và ở Azerbaijan, những câu nói quen thuộc như "xalçam harada, yurdum orada", có nghĩa là "tấm thảm của tôi ở đâu thì đó chính là nơi tôi đang sống".

Tình yêu của người dân Azerbaijan với những tấm thảm là điều không thể tách rời. Dệt thảm là một loại hình nghệ thuật được nhiều người dân nước này tôn kính và đã ăn sâu vào văn hóa quốc gia kể từ xa xưa đến nay. Ngày nay, những tấm thảm dệt là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Cách Azerbaijan bảo tồn di sản văn hóa: Mỗi tấm thảm là kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 1.

Bảo tàng Thảm Quốc gia Azerbaijan. Ảnh: Azerbaijan Brand Center

Những tấm thảm được tìm thấy ở khắp Azerbaijan: từ trên tường, sàn nhà đến nhà hàng, trưng bày bên ngoài các cửa hàng lưu niệm và trải dài trên nắp ca-pô của những chiếc Lada rỉ sét đậu bên đường. Một số tấm thảm thường được dệt vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, đám cưới, sinh nhật và tang lễ.

Kỹ thuật dệt thảm của người Azerbaijan được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và mỗi tấm thảm đều mang đến một câu chuyện tâm sự riêng. Vào năm 2010, UNESCO đã ghi nhận nghề dệt thảm truyền thống của Azerbaijan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thủ đô Baku của Azerbaijan mang đến những tòa nhà giống với tấm thảm khá ấn tượng. Điển hình là hình dạng tòa nhà mang biểu tượng của một tấm thảm cuộn khổng lồ với trang trí bằng hoa văn hình học màu vàng. Bảo tàng Thảm Quốc gia Azerbaijan do kiến trúc sư người Áo Franz Janz thiết kế, nằm kiêu hãnh trên con đường đi dạo náo nhiệt bên bờ biển của thành phố.

Bảo tàng đã mở vào năm 1967 bởi nghệ sĩ và cũng là người thợ dệt thảm nổi tiếng Latif Karimov, người đã cống hiến cả cuộc đời để tôn vinh và bảo tồn những tấm thảm của Azerbaijan. Bảo tàng phục vụ như một trung tâm nghiên cứu và giáo dục quan trọng của đất nước.

Cách bảo tàng một đoạn ngắn là thành phố cổ được UNESCO công nhận, có tên là Azerkhalcha ở thủ đô Baku là một tổ chức chuyên bảo tồn truyền thống dệt thảm lâu đời. Một trong những người phụ nữ có niềm đam mê đặc biệt với nghề dệt thảm là bà Sevinj Hajiyeva, 61 tuổi. Bà cho biết đã bản thân bà được anh trai dạy cách dệt thảm từ khi 6 tuổi.

"Dệt thảm không chỉ là một nghệ thuật; đó là niềm đam mê sâu sắc, là tình yêu và là nghề nghiệp đồng hành suốt đời. Khát vọng lớn nhất của tôi là truyền lại môn nghệ thuật này cho thế hệ trẻ", bà Sevinj nói.

Bà Sevinj hay những người thợ dệt ở Azerbaijan thường chia sẻ cảm xúc và ý tưởng thông qua những tấm thảm, coi đây là những sáng tạo đáng trân trọng như "con đẻ của mình".

Hay hai người phụ nữ người Azerbaijan khác là Maleyka Abdullayeva và Najiba Panahova cũng đều làm việc tại xưởng ở Azerkhalcha. Maleyka đã cống hiến ba thập kỷ cuộc đời với nghề, và đối với bà, dệt thảm không chỉ là một nghề thủ công mà còn là "sự tôn vinh đối với một trong những vẻ đẹp vĩ đại nhất thế giới".

Bảo tồn văn hóa

Trong lịch sử, những tấm thảm của Azerbaijan từ lâu đã vươn xa và phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Nhà du hành Ả Rập Al-Muqaddasi từng đến thăm Azerbaijan từ thế kỷ thứ 10 và nói rằng " những tấm thảm của họ không có gì sánh bằng trên thế giới".

Cách Azerbaijan bảo tồn di sản văn hóa: Mỗi tấm thảm là kiệt tác nghệ thuật - Ảnh 2.

Những thiết kế tuyệt đẹp phá vỡ truyền thống của thảm Azerbaijan. Ảnh: Courtesy Faig Ahmed Studio

Ngay cả các nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus và Xenophon, cũng như nhà thám hiểm và nhà văn nổi tiếng người Ý Marco Polo, đều đã viết về tầm quan trọng của tấm thảm Azerbaijan trong các tác phẩm của họ.

Thảm ở đây được làm bằng len của lông cừu trong khi lụa được chế tác độc quyền ở Sheki, vùng sản xuất tơ lụa duy nhất trong cả nước. Thảm dệt phẳng có 8 loại là palas, jejim, ladi, kilim, shadda, varni, zili và soumak, tùy thuộc vào họa tiết, thành phần, phương pháp dệt và màu sắc.

Phổ biến nhất đối với người Azerbaijan là kilim và soumak, được phân biệt bằng các họa tiết hình học đậm nét và được dệt phẳng trên khung cửi bằng các sợi dọc. Trong hai loại này, kilim có hoa văn giống nhau ở cả hai mặt và mỏng hơn.

"Đối với tôi, với tư cách là một nghệ sĩ người Azerbaijan, tấm thảm đại diện cho ngôn ngữ nghệ thuật bản địa hóa mà qua đó người ta có thể thể hiện các chủ đề toàn cầu. Trong văn hóa Azerbaijan, một tấm thảm tượng trưng cho sự kết nối nhiều tầng giữa lịch sử, truyền thống, chuẩn mực xã hội, tôn giáo, chính trị và địa lý. Điều này mang đến mối liên hệ sâu xa giữa địa lý và văn hóa của đất nước Azerbaijan", nghệ sĩ người Azerbaijan - ông Faig Ahmed nói.

Ông Ahmed cũng cho biết những tấm thảm ở Azerbaijan thể hiện biểu tượng mạnh mẽ của cuộc sống gia đình. Ở một số làng, các cặp đôi mới cưới thường sẽ nhận được một tấm thảm để đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc hôn nhân mới.

Hay trong lễ tang truyền thống, thi thể người mất được bọc bằng một "tấm thảm dệt đặc biệt có hình dáng thon dài với phần giữa trống rỗng (không có hoa văn) mang tính biểu tượng".

Ngày nay, việc bảo tồn nghề dệt thảm rất quan trọng đối với người dân Azerbaijan và nghề truyền thống này cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường học trên cả nước. Ví dụ, Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Bang Azerbaijan ở Baku cấp bằng cử nhân về nghệ thuật trang trí, ứng dụng (thảm, dệt).

Và, những người như Faig Ahmed và Azerkhalcha hiện đang bảo tồn nghệ thuật văn hóa truyền thống đất nước thông qua nghề dệt thảm. Có thể nói rằng những tấm thảm là biểu tượng cho nỗ lực bảo tồn văn hóa Azerbaijan ở hiện tại và tương lai./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ