(Tổ Quốc) - Các nghị sỹ của Mỹ đã đưa ra một dự luật mới nhằm ngăn chặn việc phân phối F-35 đến Thổ Nhĩ Kỳ sau quyết định dứt khoát của Ankara về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Mỹ ngừng bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ
“Mỹ gây sức ép cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi cách cư xử đối với NATO và hạn chế chia sẻ tài sản của liên minh với các đối tượng thù địch”, Dân biểu Dân Chủ của Rhode Island David Cicilline cho biết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Lo ngại về chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ gia tăng mối đe dọa trong những ngày này khi các nghị sỹ Mỹ yêu cầu thực hiện lệnh cấm hoàn toàn về việc bán hay chuyển giao máy bay F-35 cũng như quyền sở hữu trí tuệ hay dữ liệu kỹ thuật cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ quyền chuyển giao tiềm năng nào đối với các máy bay tàng hình đều yêu cầu phải có sự phê duyệt của Tổng thống Mỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo Ankara sẽ không nỗ lực làm suy yếu quan hệ với NATO và làm suy giảm an ninh chung của các nước thành viên NATO.
Điều kiện khác cho quá trình chuyển giao máy bay thế hệ thứ 5 lần này sẽ bao gồm việc Ankara cam kết không tìm cách mua các thiết bị quốc phòng từ các quốc gia bên ngoài mà đang chịu trừng phạt của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn tìm cách mua các hạng mục máy bay F-35 theo các thỏa thuận đã ký kết chương trình JSC trong năm 2014 và 2016. Tuy nhiên, quá trình phân phối các máy bay của Lockheed Martin trong thời gian 2018-2019 đã bị ảnh hưởng bởi quan hệ căng thẳng giữa Washington và Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Các quốc gia NATO lo sợ rằng, việc chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ cả S-400s và F-35s sẽ tăng thêm nguy hiểm cho NATO.
“Chúng tôi không thể làm ngơ trước các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc cấm bán vũ khí hiện đại này cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh các nguy cơ có thể xảy ra. Điều này là quan trọng đảm bảo an ninh cho NATO và cũng là giảm căng thẳng cho các quốc gia khác”, ông Cicilline cho biết.
“Nếu Mỹ khờ khạo báo F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ tăng cường các rủi ro. Ankara đang thúc đẩy quan hệ với Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh và Moscow đều đang cần F-35”, ông Cicilline nói thêm.
Diễn biến thương vụ S-400 của Nga-Thổ
Thỏa thuận vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng đang có tín hiệu tích cực khi cả hai nước đều muốn thúc đẩy quan hệ gần gũi trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ. Washington luôn chú ý đến các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua S-400 từ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết, S-400 sẽ không tương thích với các hệ thống của NATO.
Vào đầu tháng Tư, Trợ lý Ngoại trưởng Wess Mitchell đã cảnh báo rằng, quyết định của Ankara nhằm mua tổ hợp vũ khí là hệ thống phòng không S-400 của Nga có khả năng sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và ngăn cấm việc mua F-35 của Washington.
Đầu tuần này, Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã đưa ra dự thảo quốc phòng, ban hành lệnh cấm chuyển giao thiết bị quốc phòng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ S-400 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phân phối vũ khí giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga sẽ bắt đầu thực hiện hợp đồng phân phối hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cùng với Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2020.
“Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn đẩy nhanh quá trình thực hiện và nhanh chóng tìm giải pháp phù hợp nhất khi Nga chấp thuận đẩy mạnh tiến hành hợp đồng mua bán sớm hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ bắt đầu hoàn thiện nó vào đầu năm 2020”, ông Vladimir Kozhin - Cố vấn của Tổng thống Nga Putin về hợp tác Kỹ thuật - quân sự cho biết.
Vào cuối tháng 12, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về thương vụ vũ khí với Nga sẽ chính thức thực hiện vào đầu năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ không muốn để Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào quỹ đạo của Moscow.
“Vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ xác định ở ranh giới khủng hoảng của chủ nghĩa khủng bố IS. Cùng với sự bất ổn tại biên giới phía Nam và hơn 3 triệu người tị nạn Syria dọc biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục chịu ảnh hưởng nhiều hơn các quốc gia NATO khác từ chiến tranh Syria”, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Châu Âu, Tướng Curtis M. Scaparrotti cho biết.
Trong khi đó, Nga liên tục thu được nhiều lợi ích từ xung đột chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO. Trong định hướng chiến lược quốc phòng quốc gia thúc đẩy liên minh xuyên Đại Tây Dương, Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ (USEUCOM) khẳng định sẽ bảo vệ và tăng cường mối quan hệ của Hoa Kỳ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Scaparrotti, Ankara là đồng minh chiến lược sống còn của Mỹ.
“Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược đối với Mỹ và NATO. Điều này được chứng minh trong các hoạt động tác chiến và quá trình hợp tác dài lâu nhằm cân bằng quyền lực. USEUCOM thúc đấy nỗ lực khám phá các vấn đề chiến lược và tìm hướng giải quyết song phương ủng hộ lợi ích cho cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Washington và Ankara liên tục thúc đẩy hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố, đối thoại quân sự thường niên. USEUCOM mong muốn tiếp tục giữ vững niềm tin giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Scaparrotti khẳng định.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang cố chạy thoát khỏi quỹ đạo của Washington.