(Tổ Quốc)- Vì một tương lai không rõ ràng, người đào Pi đang đánh đổi từ số điện thoại, hình ảnh cá nhân, giấy tờ tùy thân, quyền truy cập vào điện thoại và nhiều rủi ro khác.
- 19.09.2021 El Salvador cho lắp đặt hơn 200 máy ATM Bitcoin chỉ sau một tháng
- 19.09.2021 Cuộc đua tranh cử Tổng thống có thể giúp Bitcoin trở nên hợp pháp tại Paraguay
- 18.09.2021 Người dân El Salvador biểu tình phản đối Bitcoin, đốt cây ATM
- 16.09.2021 USD hôm nay 16/9 “đứng hình”, vàng giảm, Bitcoin tăng tiếp
Cơn sốt “đào” tiền ảo PI
Thời gian gần đây, cơn sốt giá Bitcoin đã kéo theo tâm lý đầu tư vào tiền điện tử lên cao. Bên cạnh những dự án rõ ràng về lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư đang bị lôi kéo vào một mạng lưới gọi là "Pi Network".
Theo lời giới thiệu của một quản trị viên nhóm Pi Network tại Việt Nam, chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, đăng nhập và "điểm danh" sau mỗi 24h, người dùng đã có thể thu về những con số với đơn vị là Pi.
Pi được các "nhà đầu tư" kỳ vọng là đồng tiền điện tử thế hệ mới, thay thế Bitcoin. Thâm chí đã có một số thành viên khoe nhau việc giao dịch Pi để đổi lấy tài sản lớn như nhà, xe hơi.
Những giao dịch này chỉ là các trao đổi ngang hàng, tự phát vì Pi chưa hề được định giá hay lên sàn.
Anh Nguyễn Văn Minh (Hà Nội), khoe đang sở hữu trong tay vài trăm đồng tiền ảo Pi. Anh cho biết mình chơi Pi từ lời mời của một người bạn và cũng vì thao tác quá đơn giản.
“Đào tiền ảo Pi cũng giống như sử dụng các ứng dụng khác trên điện thoại. Chỉ cần tải ứng dụng vào điện thoại, thực hiện vài dòng đăng nhập và xác thực, sau đó bật ứng dụng và để máy tự đào.
Mỗi ngày, điều cần làm là bật ứng dụng lên để điểm danh là xong, còn việc đào tiền ảo sẽ do hệ thống đảm nhiệm”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn cũng cho hay từ khi đồng tiền bitcoin tăng giá lên đến hơn 50.000 USD/bitcoin, anh kỳ vọng tiền ảo Pi đến lúc nào đó cũng có giá trị tương tự.
Theo cộng đồng đào tiền ảo Pi, dự án tiền ảo Pi Network do nhóm các tiến sĩ tại ĐH Stanford thực hiện với tham vọng trở thành đồng tiền số phổ biến trên thế giới.
Một điểm đặc biệt của đồng tiền Pi là khai thác trên điện thoại và chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc chào mời để kiếm thêm tiền thì đào Pi không khác gì mô hình đa cấp.
Vì ứng dụng Pi giới hạn một người chỉ đào được 0,12 Pi/giờ, tương đương khoảng 2,88 Pi/ngày.
Như vậy để tăng tốc độ đào tiền, người chơi phải tìm mọi cách lôi kéo thêm người mới vào mạng lưới tiền ảo này.
Tại Việt Nam đã hình thành nhiều nhóm, câu lạc bộ… để chiêu dụ người mới tham gia vào mạng lưới của mình, thu hút hàng chục ngàn thành viên.
Chẳng hạn, một quán lẩu tại TP.HCM tuyên bố sẵn sàng giảm 15% trị giá hóa đơn nếu người ăn chấp nhận cài đặt làm thành viên.
Trên các trang Facebook, YouTube, tại mục bình luận tràn ngập các thành viên Pi đi rải mã (code) mời người tham gia đào Pi. Càng nhiều người mới sử dụng mã của người hiện hữu thì họ sẽ hưởng lợi lớn nhất khi số tiền đào cao hơn.
Chủ dự án Pi Network khi viết trên sách trắng cho hay sẽ kết nối tiền ảo Pi lên sàn giao dịch để đổi lấy các loại tiền tệ khác cũng như dùng tiền Pi là vật ngang giá để trao đổi hàng hóa.
Tuy nhiên ngay cả những người đang tham gia đào tiền ảo Pi cũng thừa nhận ở thời điểm này giá trị của đồng tiền này vẫn bằng 0.
“Đến giờ tôi chưa thể dùng tiền Pi để đổi lấy hàng hóa, hay quy ra tiền nhưng tôi tin rằng một lúc nào đó tiền Pi này có giá trị quy đổi ra tiền thật”, anh Tuấn cho biết.
Cảnh báo rủi ro khi “đào” Pi
Chuyên gia tài chính Nguyễn Đình Phương nhìn nhận thị trường ngày càng chứng kiến nhiều cuộc cách mạng công nghệ ra đời.
Chẳng hạn, trước đây không ai nghĩ đến đồng tiền ảo bitcoin có thể mua được cả ô tô, biến người trẻ thành tỉ phú.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý cần cảnh giác hiện tượng lừa đảo xảy ra. Đó là một số đối tượng chào mời mua tiền Pi bằng tiền thật, chiêu dụ nạp tiền vào hệ thống kiếm lãi cao theo kiểu mô hình đa cấp bằng cách lấy tiền của người trước trả lãi cho người sau.
Đến một lúc nào đó thì chủ sàn đa cấp bỏ chạy, nhà đầu tư trắng tay.
“Nếu người chơi cảm thấy chia sẻ thông tin lên ứng dụng Pi không có ảnh hưởng đến cá nhân thì có thể xem xét tham gia.
Ngược lại, nếu cảm thấy phần mềm này có thể bị lợi dụng để hack các thông tin, tài khoản ngân hàng thì phải loại bỏ ra khỏi điện thoại ngay lập tức”, ông Phương chia sẻ.
Trên thực tế, Pi hiện vẫn chưa có bất cứ giá trị gì.
Thậm chí, những người tham gia Pi và cả đội ngũ vận hành nền tảng này vẫn chưa thể khẳng định Pi có giá bao nhiêu, khi nào được đưa lên sàn giao dịch.
Tất cả giá trị của Pi lúc này chỉ là kỳ vọng.
Bên cạnh đó, do không xây dựng trên blockchain nên ứng dụng Pi là nơi duy nhất người dùng có thể lưu trữ Pi. Vì vậy, người tham gia Pi hiện nay vẫn chưa nhận được gì.
Thậm chí, họ còn không biết khi nào họ được nhận lại một giá trị nào đó.
Đổi lại giá trị kỳ vọng trên, người dùng phải đánh đổi nhiều thứ từ số điện thoại, hình ảnh cá nhân, giấy tờ tùy thân, quyền truy cập vào điện thoại.
“Pi làm mọi cách để người dùng phải KYC (xác thực danh tính cá nhân bằng hình ảnh, giấy tờ tùy thân).
Trong đó, việc reset toàn bộ Pi khi người dùng đăng xuất mà trước đó chưa KYC là chính sách làm rõ nhất điều đó.
Ngoài ra, việc buộc phải KYC để tăng tốc độ đào cũng là một điểm khiến người dùng tự nguyện nộp thông tin”, chuyên gia mạng máy tính Cem Dilmegani viết.
Theo TS. Đặng Minh Tuấn, chuyên gia Blockchain đang làm việc tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Pi Network thiếu tính minh bạch của một dự án về blockchain.
"Nguyên tắc bất di bất dịch của blockchain là tính minh bạch. Pi Network có ứng dụng trên di động và các máy chủ xử lý thực tế, vậy tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét mà phải đóng?", ông Tuấn nghi ngờ.
Ông Tuấn cho rằng đồng tiền Pi có nhiều vấn đề vì người dùng Pi có tài khoản, nhưng không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được.
Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn.
"Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì. Sau khi tìm hiểu, cài app, đọc white paper thì có thể nói có rất nhiều dấu hiệu là một dự án scam, lừa đảo”, ông Tuấn nói.
Phân tích lợi hại khi tham gia vào Pi, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng, cái chắc chắn mà người tham gia sẽ mất đó là thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID..., thông tin xác thực eKYC), mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì app yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy), mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là "vòng tròn tin tưởng" khá giống đa cấp.
“Đổi lại, cái được sẽ là ước mơ sẽ giàu lên vào một ngày nào đó (biết đâu đấy). Nhưng tôi thì không tin”, ông Tuấn khẳng định và ví những người tham gia vào Pi giống như hàng ngày đi nhặt sỏi đá về nhà và có thể ước mơ đến ngày nào đó biết đâu đấy thế giới sẽ công nhận sỏi đá đó có giá trị như vàng “nhưng hãy cân nhắc những được mất tôi phân tích ở trên”, ông Tuấn cảnh báo.