• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cháy chung cư Carina Plaza: Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Thời sự 27/03/2018 13:58

(Tổ Quốc) - Những thảm họa nặng nề về cả người và tài sản sau vụ cháy chung cư Carina Plaza là một bài toán chưa có hướng giải quyết dứt điểm với những bên liên quan trong việc bồi thường và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vào lúc này.

Những ngày qua, vụ cháy chung cư Carina Plaza (Q.8, TP.HCM)- xảy ra vào ngày 23/03- khiến dư luận không chỉ chú ý tới thiệt hại về vật chất và tinh thần, hướng khắc phục mà còn rất quan tâm về trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ cháy.

Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza đã khiến 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương - Ảnh: Văn Châu (Vietnamnet)

Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, luật sư Phạm Văn Anh – Trưởng phòng Pháp chế Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho biết: “Trước tiên, chúng  ta cần phải hiểu chung cư là tài sản sở hữu của (các) chủ căn hộ, nên nếu có thiệt hại xảy ra cho chủ căn hộ họ có quyền yêu cầu người gây thiệt hại (nếu có) bồi thường các thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Cũng theo luật sư Anh, người gây ra thiệt hại có thể là người có trách nhiệm theo một hợp đồng nào đó có liên quan đến căn hộ (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp) hoặc một  trách nhiệm nào đó mà pháp luật quy định, mà có lỗi dẫn đến việc gây ra thiệt hại này. Do vậy, diện những Người gây ra thiệt hại ở đây có thể là rất rộng.

Như vậy, phạm vi liên quan đến việc giải quyết bồi thường sau vụ cháy tại chung cư Carina Plaza là khá rộng và còn gặp phải nhiều vấn đề trong công tác giải quyết và chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả của các bên liên quan.

Vụ cháy đã thiêu rụi 15 xe ô tô và 150 chiếc xe máy

Cũng về vấn đề này, dưới góc độ nhìn nhận của bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Chuyên viên tư vấn bảo hiểm, anh Võ Anh Tuấn - Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-Ichi Việt Nam cho biết: “Các khách hàng có tham gia các gói dịch vụ bảo hiểm tại Dai-Ichi nếu trong trường hợp này sẽ được bồi thường thiệt hại về tính mạng (nhân thọ) hoặc các chi phí bồi thường khác liên quan đến quá trình điều trị tại các bệnh viện của khách hàng.

Tuy nhiên các thiệt hại về tài sản khác (phi nhân thọ) bên phía Công ty sẽ không chịu trách nhiệm mà quy cho bên bảo hiểm phi nhân thọ - nơi mà khách hàng (nạn nhân) có tham gia dịch vụ trước đó. Khi đó, các thiệt hại về nhà cửa, xe cộ do hỏa  hoạn sẽ được bên này chịu trách nhiệm bồi thường tùy vào từng gói dịch vụ mà nạn nhân đã tham gia trước đó”.

“Nếu phía chủ đầu tư và Ban quản lý chung cư đã tham gia bảo hiểm cho chung cư trước đó sẽ được đền bù trong trường hợp gặp phải sự cố hỏa hoạn  này”, Võ Anh Tuấn cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Phạm Văn Anh cũng nhấn mạnh thêm: “Trường hợp căn hộ chung cư được mua bảo hiểm tài sản và thiệt hại này thuộc phạm vi Bảo hiểm thì Công ty Bảo hiểm sẽ là người đứng ra bồi thường thiệt hại cho Chủ sở hữu căn hộ trước và thế quyền chủ sở hữu căn hộ, đòi lại người gây ra thiệt hại (nếu có) phải bồi thường cho Công ty Bảo hiểm”.

Phạm Thị Lụa

NỔI BẬT TRANG CHỦ