(Tổ Quốc) - Theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ công bố trong tháng 9 năm nay, tỷ lệ người Mỹ, đặc biệt là trẻ em, rơi vào tình trạng nghèo đói tăng đáng kể vào năm ngoái, phần lớn là do Quốc hội đã ngừng gia hạn khoản tăng cường tín dụng thuế trẻ em trong đại dịch Covid-19.
Năm 2021, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp dụng Chương trình Thuế tín dụng trẻ em (CTC) nằm trong Kế hoạch Giải cứu Mỹ - gói cứu trợ liên quan đến dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Đây là khoản thanh toán định kỳ, thay vì séc chỉ một lần hay tín dụng hàng năm.
Trong một phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi việc thực hiện điều khoản mở rộng thuế tín dụng trẻ em trong gói cứu trợ dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD là "một nỗ lực lịch sử". Ông Biden khẳng định sự thay đổi lớn từ điều khoản này đã giúp giảm tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em theo năm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Điều này cũng giúp giảm tỷ lệ nghèo đói của trẻ em giữa các cộng đồng da trắng, da màu, người Mỹ gốc Latin, người Mỹ gốc châu Á và vùng đảo Thái Bình Dương (AAPI).
Theo Cục Điều tra Dân số, khoảng 12,4% trẻ em Mỹ rơi vào cảnh đói nghèo vào năm ngoái, tăng từ mức thấp kỷ lục 5,2% so với năm trước và gần tương đương với thời điểm trước đại dịch năm 2019. Các nhà kinh tế cho biết, đây là mức tăng nhanh nhất về tỷ lệ nghèo ở trẻ em kể từ khi Giải pháp Nghèo bổ sung áp dụng vào năm 2009. Biện pháp này tính đến một số hỗ trợ không dùng tiền mặt của chính phủ, tín dụng thuế và các chi phí cần thiết – giải quyết lỗ hổng lớn trong tỷ lệ nghèo chính thức.
Nhìn chung, tỷ lệ nghèo bổ sung tại Mỹ năm 2022 là 12,4%, tăng mạnh so với năm trước đó và cao hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2010. Tỷ lệ nghèo chính thức là 11,5% không khác biệt về mặt thống kê so với hai năm trước.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ là 74.580 USD vào năm ngoái, giảm 2,3% so với năm 2021 và thấp hơn 4,7% so với trước đại dịch. Các số liệu được điều chỉnh theo lạm phát.
Và tỷ lệ người dân không có bảo hiểm đã giảm xuống 7,9% vào năm ngoái từ mức 8,3% vào năm 2021 -tương đương với tỷ lệ vào năm 2017. Tuy nhiên, mức tăng gần đây dự kiến sẽ không tiếp tục vào năm nay vì các bang đã bắt đầu chu trình chấm dứt chương trình bảo hiểm Medicaid đối với những người dân không đủ điều kiện.
Tỷ lệ trẻ em nghèo tăng gấp đôi
Tỷ lệ nghèo ở trẻ em đã giảm mạnh vào năm 2021 khi áp dụng khoản tín dụng thuế trẻ em. Tuy nhiên, tín hiệu này chỉ tạm thời áp dụng trong thời điểm thực thi Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la.
Cụ thể, Đạo luật này đã hỗ trợ 3.600 đô la cho mỗi trẻ em từ 6 tuổi trở xuống và 3.000 đô la cho trẻ từ 6 đến 17 tuổi, dành cho các gia đình có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021. Lần đầu tiên, 1/2 tín dụng được trả góp hàng tháng từ tháng 7 đến tháng 12 năm đó, trong khi cha mẹ có thể yêu cầu trả 1/2 còn lại khi nộp thuế năm 2021.
Vì là một phần của chiến dịch tăng cường tín dụng nên nhiều phụ huynh có thu nhập thấp đều đủ điều kiện nhận toàn bộ số tiền. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, chương trình này đã giúp 2,1 triệu trẻ em thoát khỏi mức nghèo vào năm 2021. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy khoản tín dụng thuế trẻ em có tác động đáng kể đến việc giảm bớt khó khăn cho các gia đình có trẻ em.
Tuy nhiên, vì Quốc hội Mỹ đã không gia hạn khoản tín dụng tăng cường này sau năm 2021 nên mức hỗ trợ này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các chương trình cứu trợ đại dịch tạm thời khác, bao gồm đợt thanh toán gói kích thích kinh tế thứ 3 vào năm 2021, cũng góp phần giảm nghèo trong năm đó.
Việc hết hạn các khoản tín dụng thuế được hoàn lại, bao gồm cả tín dụng thuế cho trẻ em và các khoản thanh toán kích thích đã đẩy số lượng trẻ em nghèo lên hơn 5 triệu.
"Phải đảm bảo rằng trẻ em được đáp ứng các nhu cầu cơ bản là điều tối thiểu mà chúng ta có thể và nên làm. Việc mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho trẻ em trên cả nước và cho xã hội là không thể đo lường được", ông Renee Ryberg, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Child Trends cho biết.
Điều đó cho thấy rõ ràng vì không có hành động cứu trợ bổ sung của chính phủ nên tình trạng nghèo đói đã tăng trở lại vào năm 2022.
Kinh nghiệm triển khai tại Việt Nam
Ở hầu hết các quốc gia, trẻ em luôn được xác định là lực lượng lao động của quốc gia trong tương lai, có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, an sinh xã hội trong dài hạn; do đó, trẻ em là một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên trong cân đối ngân sách.
Tại Mỹ, chi ngân sách qua chi tiêu thuế và trực tiếp cho trẻ em trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, dịch vụ xã hội và các lĩnh vực khác được phân cấp theo cấp ngân sách tiểu bang và cấp liên bang. Trong đó, ngân sách tiểu bang và ngân sách địa phương đóng vai trò chủ yếu trong tổng chi ngân sách cho trẻ em, nhất là đối với các lĩnh vực y tế và giáo dục.
Hiện nay ở Việt Nam, theo Bộ Tài chính, chi ngân sách nhà nước cho trẻ em được lồng ghép vào các nhiệm vụ chi trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội hoặc các chương trình mục tiêu quốc gia. Hàng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện các quyền của trẻ em thông qua các chính sách, chương trình, đề án và bố trí trong chi hoạt động thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương theo lĩnh vực và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành để đảm bảo quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền chăm sóc sức khỏe và được nuôi dưỡng; quyền được vui chơi, giải trí...
Chi ngân sách cho trẻ em hiện nay ở Việt Nam được xem xét ở các khoản mục chính như chi ngân sách hằng năm cho giáo dục, y tế. Chi ngân sách nhà nước cho y tế và giáo dục có xu hướng tăng mỗi năm, thể hiện sự ưu tiên của nhà nước cho hai lĩnh vực quan trọng có liên quan trực tiếp tới trẻ em.
Theo Bộ Tài chính, tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2011 - 2018 là 532.768 tỷ đồng, chiếm 6% tổng chi ngân sách nhà nước. Ngoài các khoản chi thường xuyên trong lĩnh vực y tế thì ngân sách nhà nước phân bổ cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế có liên quan tới trẻ em như Chương trình mục tiêu y tế dân số theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 với tổng kinh phí thực hiện chương trình là 19.380 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, ngân sách trung ương cũng đã phân bổ khoảng 6.558 tỷ đồng trong năm 2017 và 7.063 tỷ đồng trong năm 2018 để mua thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi. Chi tiêu y tế cho trẻ em dưới 5 tuổi trong tổng chi y tế năm 2017 chỉ chiếm khoảng 4,86%, trẻ em từ 5 - 15 tuổi chỉ chiếm khoảng 4,99%.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, chi phí y tế cho trẻ em được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu y tế, đặc biệt là chương trình tiêm chủng mở rộng, an toàn thực phẩm, dân số và phát triển, phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, khoản chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đối với trẻ em cũng được Chính phủ ưu tiên để đạt được các mục tiêu về giáo dục quốc gia. Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo tất cả trẻ em hoàn thành giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở miễn phí, công bằng, có chất lượng; tất cả các trẻ em được tiếp cận với phát triển, chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non có chất lượng để sẵn sàng bước vào cấp tiểu học.
Để đạt các mục tiêu về giáo dục cho trẻ em đề ra, chi ngân sách nhà nước cũng tăng đều qua các năm, với mức chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề tăng từ 78.206 tỷ đồng (năm 2010) lên 245.235 tỷ đồng (năm 2019). Trong đó, gần 70% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục hằng năm cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn về phát triển con người. Trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, giảm sự bất công bằng, tăng cường an sinh xã hội. Điều này cho thấy, việc chi ngân sách nhà nước cho trẻ em là khoản mục chi ngân sách mang lại hiệu quả cao của Chính phủ.
Và giống như Mỹ, Việt Nam đã và đang ưu tiên tiếp cận những chính sách hỗ trợ trẻ em - lực lượng lao động của quốc gia trong tương lai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của mỗi quốc gia, an sinh xã hội trong dài hạn./.