(Tổ Quốc) - Nếu Mỹ không sẵn sàng là một đối tác, châu Âu có thể sẽ tiến hành mọi việc đơn phương.
Một trong những tấm hình ấn tượng nhất về thượng đỉnh G7 vừa kết thúc tại Biarritz, Pháp – là hình ảnh một chiếc ghế trống.
Đây là chỗ ngồi dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp, nơi các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về các xu thế khí hậu có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường thế giới.
Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ đã không hiện diện.
Chiếc ghế trống dành cho Tổng thống Trump trong phiên họp về khí hậu tại thượng đỉnh G7 (ảnh: Reuters)
Lý do nêu ra trong thông cáo của Nhà Trắng là ông Trump bị vướng lịch trình gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi; mặc dù vậy, cả bà Merkel và ông Modi đều có mặt tại cuộc họp trên. Bất chấp sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ, sự kiện vẫn diễn ra với sự tham dự của các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tờ The Atlantic nhận định, tình huống như vậy đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn.
Tại thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo dường như đã từ bỏ mục tiêu đạt được một thỏa thuận với ông Trump về thương mại, khí hậu thậm chí là cả việc Tổng thống Nga Vladimir Putin là bạn hay thù?
Các nguyên thủ quốc gia có mặt tại Biarritz năm nay cũng đã bỏ qua một truyền thống là kết thúc kỳ thượng đỉnh bằng một thông cáo chung, trong đó thường đề cập tới các giá trị chung cũng như một chiến lược đã được thống nhất để đối phó với các vấn đề khó khăn nhất. Có thể những gì diễn ra tại G7 năm ngoái ở Quebe, Canada đã khiến họ trở nên e dè. Không chỉ bất ngờ yêu cầu rút khỏi tuyên bố chung, sau khi rời Canada, ông Trump còn buông lời công kích nước chủ nhà trên Twitter khi gọi Thủ tướng Justin Trudeau là "rất yếu ớt và thiếu trung thực".
Lần này, việc tương tự đã không xảy ra, có lẽ một phần nhờ vào quyết định không đưa ra tuyên bố chung ngay từ đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
"Họ [các đồng minh] đang đi chệch hướng của mình để đáp ứng các yêu cầu của ông Trump", học giả cấp cao từ Viện Brookings Thomas Wright nhận định.
Tuy nhiên, cùng lúc, các đồng cấp của Tổng thống Mỹ cũng làm rõ rằng, nếu ông không sẵn lòng là một đối tác, họ có thể sẽ tiến hành mọi việc đơn phương. Washington đang triển khai một lập trường cứng rắn về Iran sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 – được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama với mục đích thu hẹp chương trình vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
Kể từ đó, ông Trump đã tái áp dụng các lệnh trừng phạt, như một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa lên Tehran nhằm làm suy yếu nền kinh tế nước này. Thậm chí sau cáo buộc Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng Sáu, ông Trump còn suýt ra lệnh không kích trả đũa.
Tuy nhiên, cuối tuần qua, Tổng thống Pháp đã gây bất ngờ khi mời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tới Biarritz tham dự các cuộc gặp gỡ cá nhân bên lề G7, với hy vọng có thể làm giảm căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Mặc dù không nói chuyện với bất kỳ người nào trong phái đoàn Mỹ, nhưng Ngoại trưởng Iran đã gặp các quan chức từ Anh, Đức và đặc biệt là Tổng thống Macron. Tờ The Guardian dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp cho hay, ông Macron thể hiện cam kết với hiệp định 2015, đồng thời muốn đảm bảo Tehran sẽ thực thi toàn diện các điều khoản của thỏa thuận.
Tại buổi họp báo kết thúc thượng đỉnh (26/8), cả hai ông Trump và Macron đã tìm cách để giảm bớt những bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về Iran.
"Tôi tự làm điều đó", ông Macron nói về sự xuất hiện của Ngoại trưởng Zarif tại G7 và cho biết, Pháp đã thông báo vắn tắt cho phái đoàn Mỹ.
Tổng thống Trump cũng nỗ lực thuyết phục các đồng cấp G7 để Nga tái tham gia sau khi Moscow loại bỏ khỏi G8 vì sáp nhập Crimea năm 2014. Các nhà lãnh đạo đã tranh cãi xung quanh vấn đề này trong bữa tối thứ Bảy (24/8). Theo ông Trump, sự hiện diện của Nga sẽ giúp giải quyết các bất đồng.
"Nhiều người nói, để Nga – vốn là một cường quốc, có mặt trong phòng sẽ tốt hơn là để họ ở phía ngoài", ông Trump nhấn mạnh tại buổi họp báo với Tổng thống Macron.
Tuy vậy, kết luận cuối cùng vẫn chưa đạt được. Ngay cả đồng minh thân cận nhất của Washington, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tỏ ra không ủng hộ đề xuất trên. "Chúng tôi phản đối bởi vì không nhận thấy bất kỳ bằng chứng nào từ các hành xử gần đây của Nga có thể đảm bảo cho việc tái gia nhập G7", một quan chức Anh nói với The Atlantic.
"Nga đã có một loạt các hành vi không đứng đắn – từ can thiệp bầu cử Mỹ 2016, tấn công hóa học tại Salisbury, xung đột tại Ukraine hoặc hỗ trợ cho chính quyền Assad [tại Syria] – đều đi ngược lại những nguyên tắc và lý tưởng được công nhận tại G7".
Năm tới, tiếng nói của ông Trump sẽ có trọng lượng hơn khi G7 2020 diễn ra ở Miami, Mỹ. Là nước chủ nhà, ông có toàn quyền mời khách, bao gồm cả Tổng thống Putin.
"Chắc chắn tôi sẽ mời ông ấy", ông Trump khẳng định với báo giới.
The Atlantic cũng nhận xét, người đứng đầu nước Mỹ đã có những khoảnh khắc thiếu tập trung tại Biarritz. Theo các cố vấn của ông Trump, biến đổi khí hậu không phải là một trọng tâm; đó có lẽ là lý do nhà lãnh đạo Mỹ không tham gia phiên họp liên quan. Tuy nhiên, sau đó, ông Trump lại viết trên Twitter rằng, mình muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để phá bỏ các cơn bão nhiệt đới.