(Tổ Quốc) - Tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân và làm bom khinh khí lớn nhất đang thu hút chú ý đối với thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Trong một tuyên bố gây chú ý, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chỉ ra một loạt các thách thức an ninh mới trước thềm chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào Nhà Trắng vào 20/1 tới.
Bình Nhưỡng cho biết vào cuối tuần trước khẳng định mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ thông qua nâng cấp chất lượng quân đội cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát quân sự đồng thời tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật dành cho lực lượng pháo binh. Trên mặt trận chiến lược, Triều Tiên đang tăng cường các hoạt động và gia tăng hệ thống phân phối hạt nhân cũng như việc hoàn thành một quả bom khinh khí lớn nhất.
Trong bối cảnh chính sách ngoại giao thất bại của Tổng thống Donald Trump với Triều Tiên, giới quan sát nhận định kỳ vọng về đột phá quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington vẫn chỉ duy trì ở mức thấp nhất. Và chương trình vũ khí tiếp theo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tiếp tục là tín hiệu thách thức đối với chính quyền mới đắc cử Joe Biden.
Hiện chưa rõ hệ thống vũ khí hạt nhân mới sẽ phát triển vào thời điểm nào nhưng kinh nghiệm trước đây cho thấy Triều Tiên có thể sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để triển khai tham vọng vũ khí. Giới quan sát cho hay Lầu Năm Góc ắt hẳn sẽ phải lưu ý đến khả năng này trong tính toán khả năng phòng thủ của họ.
Theo các chuyên gia, chiến lược vũ khí mới của Triều Tiên có thể đang nhắm vào Mỹ và tín hiệu về một cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sắp tới có thể sẽ diễn ra. Triều Tiên đã tuyên bố về tham vọng của họ thì một cuộc thử nghiệm vũ khí gây chú ý có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào.
Một số chuyên gia lưu ý động thái mới trong tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngầm định tín hiệu tới Mỹ trước khi ông Joe Biden bước vào nhiệm kỳ tổng thống mới sắp tới.
Thời gian và địa điểm
Theo Asia Times, ông Kim gần như "ở ẩn" sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump gây chú ý toàn cầu trong năm 2019. Dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng toàn cầu đã khiến cho biên giới các nước, trong đó có Triều Tiên buộc phải đóng cửa trong thời gian dài. Thế giới nói chung và Triều Tiên nói riêng đã phải hứng chịu sự suy thoái kinh tế do dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Bình Nhưỡng trong năm 2020 còn phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và lệnh trừng phạt quốc tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lựa chọn tuyên bố chiến lược năm 2021 trong Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên. Một lần nữa thế giới lại tiếp tục chú ý tới sự ảnh hưởng của Bình Nhưỡng sau tuyên bố này.
Theo Thời báo châu Á (Asia Times), trong khi thế giới và Mỹ hướng sự chú ý vào các bạo loạn ngay tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington thì các thông báo của ông Kim cũng đặc biệt khiến Lầu Năm Góc phải chú ý.
Ở một diễn biến khác, truyền thông Hàn Quốc đã thông báo hôm thứ Hai (11/1) Triều Tiên đã tổ chức diễn tập quân sự ở Bình Nhưỡng kết hợp với sự kiện Đại hội Đảng.
Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng, ông Kim tuyên bố xem Mỹ là kẻ thù lớn nhất. Giới quan sát ấn định tuyên bố này được xem là căng thẳng nhiều hơn so với các tuyên bố ôn hòa trước đây khi Bình Nhưỡng đã đàm phán với Seoul và Washington.
"Sự xuất hiện của bất kỳ chính quyền nào của Mỹ cũng không ảnh hưởng đến Triều Tiên", ông Kim khẳng định.
Trong năm 2019, ông Kim – ông Trump đã tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh và sau đó là các lá thư qua lại giữa hai nhà lãnh đạo đứng đầu hai nước. Tưởng chừng quan hệ hai nước đã cải thiện, tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng, nhà lãnh đạo Kim vẫn khẳng định: "Thực tế chỉ ra rằng chỉ khi chúng ta tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia thì Triều Tiên mới có thể ngăn chặn mối đe dọa quân sự từ Mỹ và đạt được hòa bình thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên".
Năng lực của ông Kim: chiến lược
Trong Đại hội Đảng diễn ra vào ngày 8/1, ông Kim đã bày tỏ rõ ràng tham vọng quân sự, đặt mục tiêu hiện đại hóa năng lực hạt nhân quốc gia trong khi nhấn mạnh vị trí của Triều Tiên là một quốc gia vũ khí hạt nhân.
Ông Kim nhấn mạnh chiến thắng lớn của Đảng là hạt nhân hóa. Ông nói rằng sẽ tiếp tục phát triển năng lượng nguyên tử nhằm đối phó với các thách thức, tăng cường công nghệ quân sự, năng lực răn đe và sẵn sàng chiến đấu ở cấp độ cao nhất.
Hãng thông tấn KCNA đề cập đến kế hoạch Triều Tiên thúc đẩy hoàn thành phát triển bom khinh khí lớn nhất.
Các chuyên gia an ninh ở Seoul đã chú ý sau loạt tuyên bố trong Đại hội Đảng của Triều Tiên.
"Nếu ông Kim nhắc đến loại thiết bị khổng lồ - bom khinh khí mà Liên Xô từng sản xuất và sử dụng – thì đó là một câu chuyện tào lao. Đây là loại thiết bị có thể phá hủy một phần bán đảo và tạo nên mối nguy hiểm cho thế giới", chuyên gia quân sự - một vị tướng trong quân đội Hàn Quốc Chun In-burn nói trên Asia Times.
"Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Đưa ra một giả định tồi tệ nhất xảy ra: sự tham gia của vũ khí hạt nhân. Điều đó có nghĩa Triều Tiên đang cố gắng tiếp cận gần hơn với một đối thủ tiềm năng ở xa và tất nhiên đó là Mỹ", ông Chun nói.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Hàn Quốc cũng cảnh báo các tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng không thể xem nhẹ.
"Là một nhà hoạch định chính sách, bạn phải đưa ra các giả định và chiến lược để phát huy các năng lực. Các dự đoán của tôi cho biết Bình Nhưỡng chưa thể làm được vào hiện tại nhưng lại hoàn toàn có thể làm được điều này trong 5-10 năm nữa", ông Chun lưu ý.
Theo chuyên gia, cho đến hiện tại, vẫn chưa rõ chính quyền mới của Mỹ thời gian tới có hướng đến một cuộc gặp thượng định Mỹ - Triều hay không nhưng tham vọng của ông Kim dường như đang đánh động tới chính quyền mới đắc cử của Mỹ - Joe Biden. Bên cạnh các vấn đề trong nước là dịch bệnh và chính trị thì chính sách của Mỹ với Triều Tiên có lẽ cũng là điều đáng bàn đến sau khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng.