• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Chiến tranh nhân dân trên biển”: Dương đông kích tây

Thế giới 08/08/2016 13:15

(Tổ Quốc)-Trung Quốc sẽ sử dụng dân quân biển như công cụ để thực hiện cuộc tranh chấp kiểu mới trên biển.  

Hồi đầu tháng 8 vừa rồi, trong chuyến thăm tỉnh Chiết Giang, ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã kêu gọi quân dân nước này chuẩn bị thực hiện “chiến tranh nhân dân trên biển” để đối phó với những mối đe dọa an ninh từ ngoài biển và bảo vệ cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc.

Đảo Shigaki, cách Senkaku 90 dặm, được tăng cường 500 binh lính sẵn sàng can thiệp nếu Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Một công đôi việc + dương đông kích tây

“Chiến tranh nhân dân trên biển” là một “chiêu” mới nhằm thực hiện mục tiêu cũ – đó là triển khai lợi ích kinh tế cùng với tranh chấp chủ quyền trên biển. Mới đây 230 tàu cá Trung Quốc được 6 tàu hải giám và tuần dương hộ tống, tiến quân vào vùng biển tiếp giáp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát. Tàu tuần dương Trung Quốc đã tiến vào vùng biển kế cận của hải phận Senkaku/Điều ngư. Đây là một chiến dịch quy mô lớn của Trung Quốc tại ngư trường Senkaku/Điếu Ngư chắc đã đến thời vụ thu hoạch. Chiến dịch được trù tính kỹ lưỡng diễn ra ngay sau cuộc tập trận hải quân chung giữa tàu chiến Trung Quốc và Nga tại biển Hoa Đông.

Nó còn cho thấy diện mạo của kiểu “chiến tranh nhân dân” mà ông Thường Vạn Toàn tung hỏa mù tại Chiết Giang.

Từ tháng 4/2014, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Nhật Bản, chính thức tuyên bố đặt quần đảo Senkaku đang tranh chấp vào khu vực quản lý của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm xung đột xuống vùng biển phía Nam nhằm tranh giành Biển Đông.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 đã phê phán Trung Quốc làm trầm trọng thêm xung đột tại Biển Đông vào lúc vụ phán quyết mà Philippines trình Tòa đang được thụ lý; làm như vậy là không đúng trách nhiệm của một nước thành viên UNCLOS. Chiến dịch Điếu Ngư/Senkaku lần này là nhằm đánh lạc hướng dư luận Trung Quốc và quốc tế.

Nó trực tiếp triển khai kinh tế biển của Trung Quốc: Năm 2013, nghề cá mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD và tạo ra 14,5 triệu việc làm. Đến nay biển Bột Hải và Hoàng Hải ở đông bắc Trung Quốc đã bị đánh cá cạn kiệt; Trung Quốc tạm ngừng đánh bắt ở hai biển này để tái tạo nguồn cá và chủ trương đẩy mạnh đánh bắt cá ở biển Hoa Đông, nơi có Điếu Ngư/Senkaku, và Nam Hải (Biển Đông). Bằng việc kết hợp quân dân, ngành kinh tế biển phải thực hiện được kế hoạch 5 năm lần thứ 13 bắt đầu từ 2016: đạt sản lượng 73 triệu tấn cá hàng năm vào năm 2020 và 77 triệu tấn vào năm 2024, tăng xuất khẩu lên 5,4 triệu tấn vào năm 2024. Để thực hiện mục tiêu tham vọng này, việc đánh bắt cá quy mô lớn của Trung Quốc sẽ làm cạn kiệt nguồn cá Biển Đông.

Một bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố hồi đầu năm nay cho thấy các ngư trường phía bắc Biển Đông (giáp Trung Quốc), Vịnh Bắc Bộ, và phía tây Biển Đông (giáp Việt Nam) đã bị khai thác cạn kiệt. Tuy vùng xung quanh Trường Sa vẫn còn trữ lượng cá nhất định. Các ngư trường chưa bị khai thác nhiều đều nằm ở phía nam hoặc đông nam Biển Đông, giáp Malaysia, Indonesia và Philippines. Tàu cá của Trung Quốc với sự hộ vệ của các tàu hải giám sẽ hướng tới các ngư trường này. Mâu thuẫn Biển Đông đang chuyển dịch về phía nam.

Từ tháng 3 năm nay đã xẩy ra 3 vụ đụng độ giữa các tàu hải giám Indonesia với tàu cá Trung Quốc tại vùng biển gần quần đảo Natuna. Natuna nằm trong “vùng nước lịch sử” và đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra, nhưng bị Indonesia kiên quyết bác bỏ.

Tổng thống Indonesia Jokowi ngày 23/6 đã ra thăm đảo Natuna và tiến hành một cuộc họp nội các hẹp ngay trên chiến hạm Imam Bonjol – con tàu vừa tham gia bắt giữ tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia. Ông Jokowi đã đề ra chiến lược phát triển khu vực quần đảo Natuna, trong đó tập trung vào việc kêu gọi đầu tư khai thác khí đốt, đẩy mạnh đánh bắt hải sản, phát triển du lịch, đồng thời chỉ đạo lực lượng quân đội tăng cường hệ thống phòng thủ hải – không quân ở quần đảo này nhằm đối phó với việc Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá.

Còn phía Trung Quốc, tuyên bố của ông Thường Vạn Toàn về “chiến tranh nhân dân” hé lộ cách thức theo đuổi một công đôi việc: Lúc thì tiến xuống vùng biển phía nam, lúc thì tiến ra vùng biển phía đông, nhằm thực hiện kế hoạch đánh bắt cá, vừa tạo sức ép về chủ quyền đối với các bên liên quan. 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa là cứ điểm để Trung Quốc tăng cường hiện diện ở phía nam Biển Đông.

Dân quân biển sẽ là lực lượng xung kích của “chiến tranh nhân dân” kiểu mới trên biển. Tỉnh Hải Nam đã đặt đóng 84 thuyền  lớn cho đội tàu của dân quân biển. Đây thực chất là đội tàu quốc doanh. Bình thường thì đánh bắt cá, xâm nhập vào các vùng tranh chấp. Khi động sự thì tập trung đối phó với tàu thuyền đối phương – như vụ HD-981, hoặc chặn các chiến hạm của Mỹ thực hiện chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOP).

Sự tham gia của dân quân biển trong đội hình “chiến tranh nhân dân trên biển” mang lại các rủi ro mới cho cuộc tranh chấp Biển Đông, làm leo thang căng thẳng trong các vùng biển liên quan./.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ